Nếu nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong cùng một vụ án đều thoải mái đưa ra yêu cầu độc lập với nhau thì vụ án sẽ “loạn”.
Một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có được đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong cùng vụ án hay không? Tình huống này đã làm phát sinh nhiều tranh cãi bởi quy định chưa rõ ràng.
Tháng 8-2007, bà NTC cho bà NTTL vay 2,2 tỉ đồng trong thời hạn 12 tháng với lãi suất 1,3% một tháng. Do sau đó bà L. không trả nợ nên tháng 10-2008, bà C. đã khởi kiện bà L. ra TAND huyện Hóc Môn (TP.HCM).
Người liên quan đòi nợ nhau
Liên quan đến việc mượn nợ giữa bà C. với bà L. còn có Công ty TKD (do bà L. làm người đại diện theo pháp luật). Theo bà L. trình bày, trong quá trình vay mượn, chuyển tiền giữa bà với bà C. thì con gái bà C. có nhận của Công ty TKD 4 tỉ đồng. Về phần mình, con gái bà C. cũng thừa nhận đã nhận 4 tỉ đồng từ Công ty TKD nhưng không đồng ý trả lại vì cho rằng đây là giao dịch riêng giữa mình với công ty và đã được thực hiện xong.
TAND huyện Hóc Môn đã triệu tập cả Công ty TKD cùng con gái bà C. tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại tòa, với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty TKD, bà L. có yêu cầu độc lập với con gái bà C., đề nghị tòa buộc con gái bà C. có nghĩa vụ thanh toán lại cho Công ty TKD 4 tỉ đồng đã nhận.
Xử phúc thẩm sau đó, TAND TP.HCM cũng tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.
Có đúng luật?
Từ tình huống thực tế trên, một vấn đề pháp lý được đặt ra: Trong một vụ án, những người liên quan như bà L. (đại diện Công ty TKD) và con gái bà C. có quyền đưa ra yêu cầu độc lập là đòi nợ nhau hay không? Hay họ chỉ có quyền đưa ra yêu cầu độc lập với bên nguyên hoặc bên bị? Nếu những người liên quan đưa ra yêu cầu độc lập với nhau, tòa được quyền xét xử luôn hay phải tách ra thành một vụ án dân sự khác?
Theo điểm b khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn”. Nhiều chuyên gia cho rằng quy định này không rõ. Yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở đây là yêu cầu đối với ai? Với bên nguyên, bên bị hay với cả những bên tham gia tố tụng khác? Có giới hạn, phạm vi nào hay không?
Chính vì luật không cụ thể nên khi trao đổi với chúng tôi, nhiều thẩm phán xử án dân sự cũng đang có hai cách hiểu: Một số người cho rằng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập nhưng chỉ được yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn trong cùng vụ án. Tuy nhiên, một số người khác lại cho rằng quy định trên không hề hạn chế phạm vi yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể yêu cầu độc lập với cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong cùng vụ án.
Nên tách thành vụ án khác?
Luật sư Nguyễn Trần Chiêu Dương (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Quy định tại Điều 61 BLTTDS phải được hiểu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ có thể có yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn. Bởi lẽ Điều 177 BLTTDS cũng đã nêu rõ: “Trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bị đơn thì họ có quyền có yêu cầu độc lập khi có các điều kiện: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi của họ, yêu cầu độc lập có liên quan đến vụ án”… Đây chính là căn cứ xác định rõ hơn về phạm vi yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đồng tình, luật sư Cao Ngọc Khuynh (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Nếu trong cùng một vụ án có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia và họ đều được thoải mái đưa ra yêu cầu độc lập với nhau thì vụ án sẽ “loạn” cả lên.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng phân tích: Bản chất của một vụ kiện dân sự là tranh chấp giữa nguyên đơn với bị đơn. Đây là hai “nhân vật chính”. Việc chấp nhận cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập đối với nhau vô hình trung sẽ cho họ thêm tư cách của nguyên đơn, bị đơn trong một vụ án mà họ vốn chỉ đóng vai trò phụ. Do đó, hợp lý nhất là tòa phải tách yêu cầu độc lập của họ ra thành vụ án dân sự khác để giải quyết theo thủ tục thông thường.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng?
Không có quy định hiện hành nào cho phép người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa yêu cầu độc lập với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong cùng vụ án. Trong vụ kiện cụ thể trên, Công ty TKD có yêu cầu độc lập đối với con gái bà C. (buộc trả lại 4 tỉ đồng) là một yêu cầu độc lập không hề liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa bà C. (bên nguyên) với bà L. (bên bị). Như vậy, HĐXX cần tách ra giải quyết bằng một vụ án độc lập khác. Việc hai cấp tòa chấp nhận yêu cầu của Công ty TKD là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Một kiểm sát viên VKSND quận Bình Thạnh, TP.HCM
Khó xác định quan hệ tranh chấp
Nếu như tòa chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong cùng vụ án đối với nhau thì sẽ phát sinh rắc rối khi xác định quan hệ pháp luật trong quá trình giải quyết án. Như trường hợp trên, quan hệ tranh chấp giữa bà C. với bà L. là quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Vậy với yêu cầu độc lập của Công ty TKD thì quan hệ tranh chấp giữa công ty với con gái bà C. sẽ được xác định như thế nào?
Luật sư HUỲNH KIM NGA, Đoàn Luật sư TP.HCM
Cần hướng dẫn
Đây không phải là một trường hợp hiếm hoi xảy ra trong thực tế. Tôi đề nghị trong khi luật chưa được sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn thì TAND Tối cao cần sớm ban hành hướng dẫn để các tòa cấp dưới có căn cứ áp dụng thống nhất.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
HỒNG TÚ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét