12 tháng 11, 2014

Sưu tầm bài viết: Không được đăng ký biến động đất, có quyền kiện?

Việc một tòa án từ chối thụ lý vụ kiện văn bản trả hồ sơ đăng ký biến động đất của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vì cho rằng văn bản này không phải là quyết định hành chính đã gây nhiều tranh cãi…
Tháng 9-2008, ông Nguyễn Tất được UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cấp giấy đỏ cho thửa đất số 310, tờ bản đồ số 11 ở xã Vĩnh Hiệp (TP Nha Trang). Tháng 5-2013, ông Tất ra văn phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên thửa đất này cho người khác.
Tòa từ chối thụ lý
Sau đó, hồ sơ chuyển nhượng đất được ông Tất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT TP Nha Trang để đăng ký biến động. Tháng 6-2013, văn phòng này có văn bản trả hồ sơ cho ông Tất với lý do thửa đất trên đã có thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh Khánh Hòa để thực hiện triển khai dự án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Tất nộp đơn khởi kiện hành chính văn bản trên của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ra TAND TP Nha Trang. Theo ông Tất, đất của ông đã có giấy đỏ từ năm 2008, trước khi có quy hoạch dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Cho đến nay chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, mặt khác hợp đồng chuyển nhượng đất đã được công chứng nên trường hợp của ông đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định.
TAND TP Nha Trang đã từ chối thụ lý, trả lại đơn khởi kiện. Sau khi ông Tất khiếu nại, chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa trả lời, khẳng định văn bản trả lại hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không phải là quyết định hành chính nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.
Hai luồng quan điểm
Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích theo khoản 2 và khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì đăng ký đất đai gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp giấy đỏ hoặc đã đăng ký mà có thay đổi trong một số trường hợp theo quy định.
Khi tổ chức, cá nhân làm thủ tục đăng ký biến động theo các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì tổ chức đăng ký đất đai mà ở đây là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định, nếu từ chối đăng ký biến động thì phải có văn bản nêu rõ lý do từ chối.
Theo luật sư Chánh, văn bản từ chối này là quyết định hành chính do tổ chức đăng ký đất đai ban hành về việc không cho đăng ký biến động được áp dụng một lần đối với tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký biến động. Đây là đối tượng khởi kiện án hành chính, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo Điều 28 Luật Tố tụng hành chính 2010.
Đồng tình, luật sư Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) bổ sung: Khoản 15 Điều 22 Luật Đất đai 2013 quy định về nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm “quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai”. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là một tổ chức dịch vụ công, thực hiện các nhiệm vụ được cơ quan quản lý đất đai giao. Do vậy trong trường hợp không đồng ý với văn bản của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, người dân có thể khởi kiện hành chính.
Ở hướng ngược lại, luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) và một thẩm phán TAND quận Gò Vấp nhận xét: Đúng là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là một tổ chức dịch vụ công về quản lý đất đai. Khoản 15 Điều 22 Luật Đất đai 2013 quy định “quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai” cũng là một nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, khái niệm “quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai” được hiểu là quản lý về bộ máy tổ chức, phạm vi chức năng, hoạt động của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Luật đất đai cũng như các văn bản pháp luật khác không có quy định nào ghi nhận văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chỉ là tổ chức dịch vụ công nên các văn bản hay hành vi của người đứng đầu không phải là quyết định hành chính hay hành vi hành chính. Do đó, chúng không phải là đối tượng khởi kiện hành chính.
Khoảng trống pháp lý
Nếu căn cứ vào các đặc điểm như hoạt động đăng ký biến động là hoạt động quản lý nhà nước, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng TN&MT - cơ quan quản lý nhà nước về đất đai… thì các quyết định hay hành vi của người đứng đầu văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cũng là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính.
Ngược lại, nếu căn cứ vào quy định của Luật đất đai trước đây và Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực từ 1-7-2014) thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là một tổ chức dịch vụ công thực hiện các hoạt động quản lý về đất đai theo các nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đất đai giao. Nó không phải là một cơ quan hành chính nhà nước nên các văn bản hay hành vi của người có thẩm quyền trong tổ chức không phải là các quyết định hành chính hay hành vi hành chính.
Chính vì pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa quy định một cách rõ ràng nên mới dẫn đến tranh cãi.
ThS NGUYỄN THỊ KIỀU OANH,
giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM
HỒNG TÚ
Nguồn: plo.vn

4 tháng 11, 2014

Sưu tầm bài viết: Không nên trao quyền điều tra cho tòa

Xung quanh việc ngành tòa án đề nghị cho tòa quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng hoặc tòa có quyền điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ trong án hình sự, nhiều chuyên gia phản đối rằng làm như vậy chẳng khác nào để tòa “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Luật sư Trịnh Minh Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Kiểm sát xét xử hình sự VKSND TP.HCM) thẳng thắn: “Việc ngành tòa án đòi quyền tự điều tra là ôm đồm không đúng chức năng. Điều tra thuộc về chức năng của cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS. Tòa chỉ thực hiện chức năng xét xử thôi, theo cách thức là anh truy tố thì tôi phán xét”.
Tòa không có chuyên môn điều tra
“Quá trình đào tạo thẩm phán, cán bộ tòa không hề có dạy nghiệp vụ điều tra hình sự. Vậy làm sao có thể tin tưởng được khi anh chẳng có một tí nghiệp vụ nào mà lại đi điều tra, để từ đó ra phán quyết về số phận pháp lý của người khác. Chưa kể giao quyền điều tra cho tòa thì làm sao đảm bảo xét xử khách quan khi anh vừa đá bóng vừa thổi còi” - luật sư Tân nói.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Điều tra vụ án hình sự là quy trình rất phức tạp và phải có nghiệp vụ chuyên biệt về mỗi loại vụ án. Pháp luật nước ta đã quy định việc điều tra chủ yếu do CQĐT thực hiện. Một số trường hợp liên quan đến tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp thì sẽ được điều tra bởi CQĐT của VKSND Tối cao. “Giao quyền điều tra cho tòa sẽ sai cơ bản về nguyên tắc xác định tội phạm khi cơ quan xét xử họ cũng chính là cơ quan điều tra vụ án” - luật sư Công nói.
Theo TS Phan Anh Tuấn, thực hiện quyền tư pháp của tòa không nên bao gồm quyền tự điều tra bởi vì chức năng chính của tòa là xét xử. Ảnh: HTD
TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng phân tích: Theo Điều 102 Hiến pháp năm 2013, tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Xét xử hình sự là hoạt động nhà nước do tòa thực hiện nhằm xem xét, đánh giá toàn diện các chứng cứ, tài liệu của vụ án hình sự, trên cơ sở đó ra bản án, quyết định xác định có hành vi phạm tội hay không, hình phạt và giải quyết các vấn đề khác có liên quan. Thực hiện quyền tư pháp của tòa không nên bao gồm quyền tự điều tra bởi vì chức năng chính của tòa là xét xử.
Ai đánh giá chứng cứ của tòa?
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng theo tinh thần cải cách tư pháp thì bản án hoặc quyết định của tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Để làm được điều này thì tòa chỉ nên đơn thuần là cơ quan xét xử, đóng vai trò là trọng tài giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, dựa trên kết quả tranh tụng để ra phán quyết.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu tại phiên tòa, VKS không cung cấp được chứng cứ buộc tội hoặc chứng cứ buộc tội chưa vững chắc thì tòa phải mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội chứ không nên giữ quyền “chỉ đạo” thu thập chứng cứ. “Tòa xem xét chứng cứ, tài liệu do CQĐT, VKS cung cấp. Vậy với những chứng cứ, tài liệu do tòa thu thập thì ai xem xét tính hợp pháp của nó? Ai sẽ kiểm soát việc thực hiện “quyền điều tra” này của tòa?” - luật sư Chánh băn khoăn.
Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt vấn đề: “Thay vì cứ tranh luận để tăng thêm quyền điều tra cho tòa, tại sao không thực hiện quyền tư pháp đúng với chức năng, nhiệm vụ của tòa là mạnh dạn hơn trong xét xử? Hiện nay nhiều tòa còn rụt rè trong việc tuyên bị cáo vô tội. Nhiều vụ án chứng cứ mập mờ, không rõ ràng nhưng tòa vẫn tuyên bị cáo có tội theo VKS đó thôi”.
Luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nói thêm: “Việc trao quyền điều tra cho tòa là điều không tiến bộ trong tiến trình cải cách tư pháp. CQĐT có thể còn nhiều yếu kém nhưng phải tự cố gắng vươn lên. Ở nước ngoài, thẩm phán họ không đọc hồ sơ trước nên không bị ấn tượng nghiêng về bên nào cả. Ra tòa, họ cứ nghe các bên trình bày rồi làm trọng tài thôi”.
Phải nghiên cứu kỹ
Muốn bổ sung cho tòa thêm quyền điều tra thì trước hết phải làm công tác khoa học, có nghiên cứu và đúc kết từ thực tiễn. Chứ không nên quá vội vàng giao liền quyền điều tra cho tòa. Thực trạng hiện nay cơ quan nào cũng muốn đòi thêm quyền cho mình hết. Như vậy là không được.
Ông TRẦN MINH SƠNPhó Viện trưởng VKSND
quận Gò Vấp (TP.HCM)
Đủ năng lực, nhân sự?
Giao thêm quyền điều tra liệu tòa có đủ năng lực, nhân sự để làm hay không. Tại sao không nghĩ đến việc nên tập trung đào tạo thẩm phán có trách nhiệm và đạo đức?
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAOĐoàn Luật sư TP.HCM
Dễ oan, sai
Tòa điều tra thì định kiến ban đầu của tòa rất dễ cho rằng nghi can có tội hoặc không. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét xử sau đó, rất dễ xảy ra oan, sai.
Luật sư NGUYỄN TUẤN LỘCĐoàn Luật sư TP.HCM

NGÂN NGA