24 tháng 10, 2013

Sưu tầm bài viết về mình: Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường sẽ phải nhận khung hình phạt nào?

Liên quan đến vụ bác sĩ vứt bệnh nhân xuống sông Hồng, các chuyên gia pháp lý đều chung một nhận định việc tìm được thi thể của nạn nhân, để xác định chị Huyền chết trước hay sau khi bị vứt xuống sông, sẽ là căn cứ để biết bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phải nhận khung hình phạt nào.

Ông Tường (áo trắng) bị cơ quan công an dẫn giải khỏi Thẩm mỹ viện Cát Tường - Ảnh: Đan Hạ


Trong sáng 23.10, vợ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã được triệu tập tới trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài ra theo quan sát của Thanh Niên Online, một số lượng lớn tân dược cũng được đưa về đây. Theo đại tá Dương Văn Trọng Giáp - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP.Hà Nội), hiện Cơ quan CSĐT đã tiến hành khởi tố với ba tội danh: giết người, che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm; bắt khẩn cấp hai người. Bên cạnh đó, 10 người khác đang làm việc tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường cũng được triệu tập lên để phục vụ công tác điều tra.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, TP.HCM) bác sĩ Tường là bác sĩ chuyên khoa ngoại nên được phép phẫu thuật. Tuy nhiên cơ sở y tế Cát Tường không có chức năng giải phẫu, vì vậy việc giải phẫu của bác sĩ Tường không được xem là đang thực hiện công việc, nghề nghiệp. Hành vi giải phẫu của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường dẫn đến cái chết của nạn nhân là đã có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về khám chữa bệnh... dịch vụ y tế khác” theo điều 242 bộ luật Hình sự (BLHS).
Để có thể đi đến kết luận khách quan và chính xác cần phải tìm được xác nạn nhân, kết luận nguyên nhân chết cũng như cái chết đến trước hay sau khi bị đẩy xuống sông để quy buộc chính xác tội danh. Nếu nạn nhân chết do giải phẫu khi cơ sở Cát Tường không có chức năng thì ngoài tội danh trên, bác sĩ Tường còn bị truy cứu thêm “tội xâm phạm thi thể...” theo điều 246 BLHS.
Nếu nạn nhân chết do ngạt nước, tức chết sau khi bị ném xuống nước thì hành vi của những người có liên quan cấu thành tội “giết người” theo quy định tại điều 93 BLHS với hai tình tiết định khung tăng nặng là “Để che giấu tội phạm khác và vì động cơ đê hèn”. Bởi rõ ràng, đây là hành vi nhằm che giấu hậu quả trong hoạt động nghề nghiệp và lẽ ra bác sĩ Tường phải sử dụng mọi khả năng, biện pháp có thể để cấp cứu nạn nhân hoặc chuyển viện nhưng đã chọn cách xử sự khác để nhằm phi tang, nhằm chối bỏ trách nhiệm.
Tội "giết người" với hai tình tiết định khung tăng nặng như trên có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Tội vô ý làm chết người khoản 1 có hình phạt cao nhất là 6 năm tù. Tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người có hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Tội xâm phạm thi thể có hình phạt cao nhất là 5 năm tù
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) lại cho rằng: Nếu trong quá trình điều tra và kết luận giám định pháp y xác định nạn nhân đã chết trước khi bị ném xuống sông do hành vi yếu kém chuyên môn thì hành vi của bác sĩ Tường có dấu hiệu của tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo điều 99 BLHS và hành vi vứt xác nạn nhân là tình tiết tăng nặng theo điểm O khoản 1 điều 48 BLHS vì “Có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”.
Nếu sau khi xảy ra vụ việc, bác sĩ Tường đến trình báo ngay với cơ quan chức năng thì đó sẽ được xem là hành vi tự thú trước khi cơ quan chức năng phát giác, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xem xét hình phạt.
Hà An - Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn

3 tháng 10, 2013

Sưu tầm bài viết về mình: Đối diện với bạo hành gia đình

Theo quy định tại khoản 2- Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”
Tạp chí Phụ nữ Ngày nay xin nêu một số câu hỏi liên quan đến những quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình như sau:
Hỏi: Tôi là người phụ nữ bất hạnh, ngoài thời gian làm lụng để kiếm sống thì chồng tôi suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt, mỗi lần say rượu là anh ta đánh tôi. Vậy cho tôi hỏi hành vi này chồng tôi có bị xử lý không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ thì chồng bạn sẽ bị xử phạt theo quy định dưới đây, tùy vào mức độ hành vi gây ra:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Sử dụng hung khí đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời, không chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
- Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Hỏi: Tôi sinh ra ở vùng quê lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn. Kể từ khi tôi sinh con trai cho anh, anh đâm ra đổi tính nết, đối xử với con gái đầu tệ bạc, anh có hành vi hành hạ, ngược đãi con như bắt nhịn ăn, thường xuyên chửi bới… Vậy hành vi của chồng tôi có vi phạm pháp luật hay không? Có bị phạt gì không?
Trả lời:
Hành vi của chồng bạn là vi phạm pháp luật theo quy định tại Luật phòng về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Cụ thể là:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên gây tổn hại về sức khỏe, gây tổn thương về tinh thần đối với thành viên gia đình
- Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm;
+ Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó sợ;
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, văn hóa phẩm độc hại, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Hỏi: Trước khi lấy anh tôi đã từng có người yêu và tôi cũng không còn là “con gái”. Anh biết chuyện nhưng luôn nói rằng anh chấp nhận và coi đó là một phần quá khứ của tôi. Thế nhưng khi cưới tôi về rồi, lúc bực dọc anh thường hay đem cũ của tôi ra chì chiết. Rồi trong lúc nhậu nhẹt anh hay mang chuyện cũ tôi ra để “bình phẩm”. Tôi rất xấu hổ và không biết phải làm sao. Tôi không muốn đem chuyện ra pháp luật và không biết việc anh làm vậy có vi phạm gì không?
Trả lời: Hành vi nêu trên của chồng bạn là vi phạm pháp luật và theo Điều 11 Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ thì chồng bạn sẽ bị xử phạt hành chính:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Phát tán tờ rơi hoặc sử dụng các phương tiện thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
+ Phổ biến, phát tán bài viết, hình ảnh, âm thanh về vụ bạo lực gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân;
- Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Hỏi: Tôi nghe người ta nói nhà nước có quy định về xử phạt đối với hành vi bạo lực liên quan đến tình dục nhưng không biết như thế nào. Với lại đây là việc tế nhị và nhạy cảm nên cũng khó giải quyết. Tôi muốn biết hành vi nào bị cấm và bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Trả lời:
Những hành vi bạo lực liên quan tới tình dục bị cấm và bị xử phạt hành chính theo Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ, bao gồm:
- Cưỡng ép quan hệ tình dục; có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục vợ chồng mà người vợ hoặc chồng đó không muốn;
- Buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục của người có hành vi bạo lực với người khác;
- Buộc vợ hoặc chồng của người có hành vi bạo lực sống chung một nhà hoặc ngủ chung phòng với người tình của người có hành vi bạo lực và người có hành vi bạo lực;
- Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;
- Có hành vi tác động vào cơ thể thành viên gia đình không phải là vợ, chồng nhằm kích động tình dục, hoặc lạm dụng thân thể người đó vì mục đích tình dục;
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi trên là phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Hỏi: Trường hợp nào thì được xem là hành vi bạo lực về kinh tế trong gia đình. Và mức xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Những hành vi bạo lực về kinh tế bị cấm và bị xử phạt hành chính theo Điều 16 Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ, bao gồm:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng;
+ Kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính;
+ Buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ;
+ Đập phá tài sản riêng của mình nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình;
+ Có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên gia đình hoặc tài sản chung gia đình.
- Phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình;
+ Chiếm đoạt tài sản chung của gia đình để sử dụng vào mục đích cá nhân;
+ Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
+ Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.
Nguồn: phunungaynay.vn

Sưu tầm bài viết về mình: Cần biết gì khi nhận con nuôi?

Điều kiện nhận cháu ruột gọi bằng cô làm con nuôi.

Luật sư Bùi Thị Mỹ Linh
Vợ chồng tôi đã kết hôn gần 10 năm nhưng hiện chưa có con. Vì vậy, chúng tôi quyết định nhận cháu trai (hiện nay cháu được 4 tuổi) gọi tôi bằng cô ruột làm con nuôi. Tôi muốn hỏi điều kiện như thế nào để có thể nhận cháu tôi làm con nuôi? (Hương Giang, Vũng Tàu)
Bạn là cô ruột với trẻ được nhận làm con nuôi nên bạn được xin nhận đích danh cháu bé này.
Cháu bé hiện mới 4 tuổi nên đủ điều kiện được nhận làm con nuôi theo khoản 1 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi. Còn vợ chồng bạn phải đáp ứng điều kiện theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Như vậy, nếu vợ chồng bạn đáp ứng điều kiện trên thì có thể tiến hành thủ tục nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cháu bé thường trú hoặc nơi vợ chồng bạn thường trú.
Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bà ngoại có được nhận cháu làm con nuôi?
Con gái tôi ly dị chồng và được Tòa án giao trực tiếp nuôi con, nhưng vì điều kiện khó khăn nên mẹ bé gửi con về cho tôi nuôi. Để tiện cho cháu bé học hành, hưởng một số chế độ chính sách sau này (vì tôi là thương binh) nên tôi có nguyện vọng muốn nhận cháu ngoại làm con nuôi. Vậy tôi có được nhận cháu ngoại làm con nuôi không? (Thị Hải, Lâm Đồng)
Theo quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi về các hành vi bị cấm nhận con nuôi trong đó có điều khoản: “Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi”.
Vì vậy, bạn không thể nhận cháu ngoại mình làm con nuôi. Quy định này nhằm đảm bảo cho việc nuôi con nuôi không làm thay đổi thứ bậc trong quan hệ gia đình.
Nuôi con đích danh nuôi có yếu tố nước ngoài
Tôi là Việt kiều Mỹ, năm nay đã 35 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Tôi có một cháu trai 6 tuổi, con của anh ruột. Tôi muốn đưa cháu sang Mỹ sinh sống nên nhận cháu làm con nuôi. Xin cho tôi hỏi tôi có thể nhận cháu ruột làm con nuôi không và thủ tục ra sao? (Maria Tran, Cali, USA)
Việc xin nuôi con nuôi của bạn thuộc trường hợp có yếu tố nước ngoài và là trường hợp xin nhận đích danh theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi.
Bạn cần chuẩn bị hồ sơ xin nhận nuôi con nuôi và hồ sơ của người được nhận làm con nuôi theo quy định gồm: Đơn xin nhận con nuôi, bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế, văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam, bản điều tra về tâm lý, gia đình, văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe, văn bản xác nhận thu nhập và tài sản, phiếu lý lịch tư pháp, văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.
Bạn lưu ý là kể từ ngày 1-9-2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã không gia hạn Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi Việt Nam - Hoa Kỳ được ký chính thức vào ngày 21-6-2005. Tuy nhiên, hiện nay các bên đang xúc tiến để nối lại sự hợp tác trong chương trình cho - nhận con nuôi giữa hai nước. Vì vậy, có thể trong thời gian tới Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ được ký kết.
Muốn đổi họ tên khi nhận con nuôi
Vợ chồng tôi nhận một bé gái làm con nuôi, năm nay cháu đã 12 tuổi. Để khỏi ảnh hưởng sau này nên vợ chồng tôi tính là đổi họ cho cháu sang họ của chồng tôi. Vợ chồng tôi không biết như vậy có được không và thủ tục như thế nào? (Thục Trinh, Bình Dương).
Theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định: “Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi”.
Như vậy, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó thể hiện trong tờ khai.
Về thẩm quyền: nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên cho người dưới 14 tuổi.
Thủ tục đăng ký: Người yêu cầu thay đổi họ, tên phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi họ, tên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi họ, tên. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định về việc thay đổi họ, tên. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Nguồn: phunungaynay.vn