3 tháng 10, 2013

Sưu tầm bài viết về mình: Đối diện với bạo hành gia đình

Theo quy định tại khoản 2- Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”
Tạp chí Phụ nữ Ngày nay xin nêu một số câu hỏi liên quan đến những quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình như sau:
Hỏi: Tôi là người phụ nữ bất hạnh, ngoài thời gian làm lụng để kiếm sống thì chồng tôi suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt, mỗi lần say rượu là anh ta đánh tôi. Vậy cho tôi hỏi hành vi này chồng tôi có bị xử lý không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ thì chồng bạn sẽ bị xử phạt theo quy định dưới đây, tùy vào mức độ hành vi gây ra:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Sử dụng hung khí đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời, không chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
- Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Hỏi: Tôi sinh ra ở vùng quê lạc hậu, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn. Kể từ khi tôi sinh con trai cho anh, anh đâm ra đổi tính nết, đối xử với con gái đầu tệ bạc, anh có hành vi hành hạ, ngược đãi con như bắt nhịn ăn, thường xuyên chửi bới… Vậy hành vi của chồng tôi có vi phạm pháp luật hay không? Có bị phạt gì không?
Trả lời:
Hành vi của chồng bạn là vi phạm pháp luật theo quy định tại Luật phòng về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Cụ thể là:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên gây tổn hại về sức khỏe, gây tổn thương về tinh thần đối với thành viên gia đình
- Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm;
+ Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó sợ;
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, văn hóa phẩm độc hại, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Hỏi: Trước khi lấy anh tôi đã từng có người yêu và tôi cũng không còn là “con gái”. Anh biết chuyện nhưng luôn nói rằng anh chấp nhận và coi đó là một phần quá khứ của tôi. Thế nhưng khi cưới tôi về rồi, lúc bực dọc anh thường hay đem cũ của tôi ra chì chiết. Rồi trong lúc nhậu nhẹt anh hay mang chuyện cũ tôi ra để “bình phẩm”. Tôi rất xấu hổ và không biết phải làm sao. Tôi không muốn đem chuyện ra pháp luật và không biết việc anh làm vậy có vi phạm gì không?
Trả lời: Hành vi nêu trên của chồng bạn là vi phạm pháp luật và theo Điều 11 Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ thì chồng bạn sẽ bị xử phạt hành chính:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Phát tán tờ rơi hoặc sử dụng các phương tiện thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
+ Phổ biến, phát tán bài viết, hình ảnh, âm thanh về vụ bạo lực gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân;
- Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm
+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Hỏi: Tôi nghe người ta nói nhà nước có quy định về xử phạt đối với hành vi bạo lực liên quan đến tình dục nhưng không biết như thế nào. Với lại đây là việc tế nhị và nhạy cảm nên cũng khó giải quyết. Tôi muốn biết hành vi nào bị cấm và bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Trả lời:
Những hành vi bạo lực liên quan tới tình dục bị cấm và bị xử phạt hành chính theo Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ, bao gồm:
- Cưỡng ép quan hệ tình dục; có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục vợ chồng mà người vợ hoặc chồng đó không muốn;
- Buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục của người có hành vi bạo lực với người khác;
- Buộc vợ hoặc chồng của người có hành vi bạo lực sống chung một nhà hoặc ngủ chung phòng với người tình của người có hành vi bạo lực và người có hành vi bạo lực;
- Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;
- Có hành vi tác động vào cơ thể thành viên gia đình không phải là vợ, chồng nhằm kích động tình dục, hoặc lạm dụng thân thể người đó vì mục đích tình dục;
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi trên là phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Hỏi: Trường hợp nào thì được xem là hành vi bạo lực về kinh tế trong gia đình. Và mức xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Những hành vi bạo lực về kinh tế bị cấm và bị xử phạt hành chính theo Điều 16 Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ, bao gồm:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng;
+ Kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính;
+ Buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ;
+ Đập phá tài sản riêng của mình nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình;
+ Có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên gia đình hoặc tài sản chung gia đình.
- Phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình;
+ Chiếm đoạt tài sản chung của gia đình để sử dụng vào mục đích cá nhân;
+ Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
+ Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.
Nguồn: phunungaynay.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét