28 tháng 3, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Thủ tục hôn thú

1. Hỏi: Năm nay tôi dự định kết hôn. Cho tôi hỏi là nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo những điều kiện nào? Những trường hợp nào cấm kết hôn? (Ngọc Liên, Bình Chánh)
Trả lời: Theo Điều 9, 10 Luật hôn nhân & Gia đình năm 2000
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
c) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau đây:
- Người đang có vợ hoặc có chồng;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Giữa những người cùng giới tính.
2. Hỏi: Chồng tôi và tôi kết hôn đã 10 năm rồi. Nhưng vừa rồi tôi phát hiện là anh ta tổ chức đám cưới với cô gái khác. Vậy hành vi của anh ta có bị xử lý gì không? (Thu Thảo, Q.8)
Trả lời: Hành vi của chồng bạn hiện đang có vợ mà đi kết hôn với người khác là vi phạm pháp luật. Nếu đây là lần đầu thì chồng bạn sẽ bị hanh chánh (Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng). Sau khi bị xử phạt hành chính mà chồng bạn không chấm dứt mối quan hệ này mà tái phạm hoặc chung sống như vợ chồng với cô gái khác thì chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật hình sự là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
3. Hỏi: Tôi là lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Tôi yêu và hiện đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc, bây giờ tôi muốn về Việt Nam tổ chức đám cưới thì tôi có cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam không? (Tóc Tiên, Seoul)
Trả lời: Theo quy định, bạn không cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam nữa mà chỉ cần làm thủ tục công nhận việc kết hôn đã được đăng ký tại Hàn Quốc của các bạn tại cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Bạn đến Sở Tư pháp nơi bạn đăng ký thường trú (nếu không có đăng ký thường trú thì đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tạm trú) để đề nghị ghi vào Sổ đăng ký kết hôn việc kết hôn của các bạn. Cán bộ Sở Tư pháp sẽ hướng dẫn bạn làm hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn.
4. Hỏi: Tôi quen với anh là Việt kiều Mỹ. Sắp đến anh ấy sẽ về nước và chúng tôi sẽ đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Tôi muốn hỏi về hồ sơ đăng ký kết hôn với người định cư ở nước ngoài thì cần những thủ tục, giấy tờ gì? (Mỹ Tiên, Q.3)
Trả lời: 1. Về thẩm quyền quyền đăng ký kết hôn
Theo quy định tại trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn.
2. Về hồ sơ đăng ký kết hôn
a) Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định);
b) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng;
Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
d) Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
đ) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).
Ngoài giấy tờ quy định trên thì tùy từng trường hợp, bên nam, bên nữ phải nộp giấy tờ tương ứng.
3. Về thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện, nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và ngày trả kết quả.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
Được tư vấn bởi:
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (VPLS Nguyễn Huy Song);
Luật sư Bùi Thị Mỹ Linh (VPLS Lâm Hồng Khánh) 
Nguồn: phunungaynay.vn

23 tháng 3, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Mua ve chai, được 5 triệu yen Nhật

Chiều 22.3, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) vẫn đang tạm giữ 5 triệu yen Nhật (tương đương hơn 1 tỉ đồng) của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, quê Quảng Ngãi) để bảo đảm an toàn cũng như tiến hành xác minh số tiền trên.

Mua ve chai, được 5 triệu yen Nhật
Sau khi giao nộp 5 triệu yen Nhật cho công an, chị Hồng trở lại công việc như mọi ngày - Ảnh: Công Nguyên
Tưởng tiền âm phủ
Tiếp chúng tôi trong căn nhà thuê chật chội nằm sâu trong hẻm 84 đường Trần Văn Quang, P.10, Q.Tân Bình, chị Hồng vẻ mặt chưa hết hoảng sợ kể lại câu chuyện “có thật như mơ” của mình. Cuối năm 2013, trong lúc đi mua ve chai trên đường Trần Văn Quang, chị được một người lạ bán cho hộp sắt hình vuông cao khoảng 0,5 m, đã gỉ sét, bên dưới có 4 chiếc bánh nhựa, với giá 100.000 đồng. Do thời điểm đó sắt đang rẻ nên chị để dành khi nào sắt lên giá sẽ đập ra bán kiếm lời.
Khoảng 15 giờ ngày 21.3, chị Hồng và chồng đem chiếc hộp sắt ra đầu hẻm đập để lấy sắt. Khi hộp sắt bị vỡ thì thấy bên trong có 1 chiếc hộp bằng gỗ ép. Mở hộp gỗ ra, lập tức nhiều tờ tiền bay tứ tung ra ngoài nên mọi người xung quanh tập trung lại lượm. “Lúc đó tôi cứ ngỡ là tiền giả hay tiền âm phủ gì đó”, chị Hồng kể.
 
Nếu mọi người không kéo tới thì tôi cũng đem ra công an phường giao nộp. Cái gì không phải của mình thì nên trả nó về chủ thật sự của nó
Huỳnh Thị Ánh Hồng
Câu chuyện vợ chồng chị Hồng lượm tiền trong hộp sắt được truyền đi rộng rãi khiến nhiều người tập trung tới để xin. Đến chiều 21.3, có hàng trăm người tập trung tới hẻm dẫn vào nhà chị Hồng để xin tiền. Một số người quá khích đã lao vào nhà giật tiền, cũng như có những lời lẽ đe dọa đòi chị Hồng phải chia số tiền nói trên. “Thật sự lúc đó tôi không biết tiền gì cả, mà thấy nhiều người tập trung quá tôi rất hoảng sợ và lo lắng”, chị Hồng kể và cho biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, chị gọi điện báo công an phường đến can thiệp.
Nhận tin báo, công an nhanh chóng có mặt để giải tán đám đông và mời vợ chồng chị Hồng lên công an phường làm việc. Tại đây, công an đã lập biên bản tiếp nhận số tiền 5 triệu yen từ vợ chồng chị, trong đó có những tờ tiền còn mới và cũ. “Từ hôm qua tới giờ tôi có ăn uống và ngủ nghỉ gì đâu. Đêm qua, hôm nay có nhiều người lạ cứ đứng trước nhà khiến tôi và mọi người ở đây không ai dám ngủ cả”, chị Hồng lo lắng nói.
Truy tìm chủ nhân số tiền lớn
Nói về số tiền rất lớn tình cờ phát hiện, chị Hồng tâm sự: “14 năm trong nghề mua bán ve chai tôi mới gặp trường hợp này. Nếu mọi người không kéo tới thì tôi cũng đem ra công an phường giao nộp. Cái gì không phải của mình thì nên trả nó về chủ thật sự của nó”.
Chị Hồng kể rằng để lại hai con ở quê, vợ chồng chị vào TP.HCM rong ruổi khắp nơi mua bán ve chai để mưu sinh qua ngày. Cuộc sống bữa đói, bữa no nhưng trong căn nhà thuê vẫn đầy ắp tiếng cười của những người cùng cảnh ngộ. “Sau khi giao nộp hết số tiền cho công an, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi chỉ mong đủ sức khỏe để làm ăn nuôi hai con ăn học khôn lớn để sau này bọn nó không khổ như tôi là được rồi”, chị Hồng tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công an Q.Tân Bình cho biết sau khi nhận được thông tin của chị Hồng, công an đã có mặt để giải quyết vụ việc. Những người quá khích được công an mời lên để răn đe. Hiện công an đang tạm giữ số tiền chị Hồng giao nộp để đảm bảo an toàn cho chị cũng như gia đình, đồng thời tiến hành xác minh số tiền trên là của ai, có hợp pháp hay không.
Chị Hồng có thể được hưởng một phần
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định hiện nay, người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. UBND hoặc công an phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu lớn hơn thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương, phần giá trị còn lại thuộc nhà nước...
Lê Nga (ghi)
Công Nguyên - Đàm Huy
Nguồn: thanhnien.com.vn

21 tháng 3, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Mức lương nhân chứng quá 'bèo'!

Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng do Bộ Tài chính xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức tiền lương đề xuất cho người làm chứng quá “bèo”.

 Các nhân chứng
Các nhân chứng trong phiên tòa xử “kỳ án vườn mít” đã phải mất nhiều năm trời tham gia tố tụng - Ảnh: Lê Nga
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cách tính tiền lương cho người làm chứng theo số ngày thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính. Người làm chứng tại phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính có thể nhận lương bằng 200% mức lương cơ sở theo ngày. Mức thù lao, tiền công cho việc làm chứng tại phiên họp giải quyết vụ việc và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự thấp hơn, bằng 50% so với việc làm chứng tại phiên xét xử.
Cụ thể, tiền lương áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập hoặc do tòa án triệu tập theo yêu cầu của đương sự đối với người thực hiện giám định, người thực hiện định giá tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính với vai trò người làm chứng. Mức tiền lương cho người làm chứng được hưởng bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do nhà nước quy định.
Trường hợp không được hưởng tiền lương như quy định, Bộ Tài chính cũng đề xuất người làm chứng tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính được hưởng thù lao bằng 100% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do nhà nước quy định.
“Xin” chi phí quá nhiêu khê
Dự thảo cũng quy định người làm chứng, người phiên dịch được thanh toán chi phí đi lại, chi phí lưu trú và các chi phí khác theo quy định khi kết thúc công việc làm chứng, phiên dịch được triệu tập tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính và dân sự (điều 16 dự thảo).
Tuy nhiên bất hợp lý là ở chỗ, người làm chứng, người phiên dịch phải gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến cơ quan tiến hành tố tụng để “chờ” được thanh toán. “Trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy đề nghị theo quy định, căn cứ vào kết quả xác định chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch”, dự thảo nêu rõ.
Trong khi đó, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM), cho rằng thời gian, công sức bỏ ra làm chứng cho một phiên tòa cũng đủ làm nhiều người mệt mỏi, nay còn quy định lập hồ sơ thủ tục “xin” lại chi phí đi lại, lưu trú là quá nhiêu khê. “Tại sao không giải quyết nhanh gọn ngay trong ngày kết thúc phiên tòa cho người làm chứng đỡ khổ hoặc khoán luôn tiền tàu xe bao nhiêu/km, một ngày người ngoài tỉnh lưu trú là bao nhiêu và cứ thế nhân với số ngày tham dự phiên tòa, thay vì áp dụng định mức chi công tác phí như các đơn vị sự nghiệp”, LS Công phân tích.
LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) kiến nghị nên chăng ngoài mức tiền lương, tiền công như dự thảo nghị định thì cần có chế độ khuyến khích vật chất và tinh thần đối với những người làm chứng nhằm động viên họ tự nguyện và có trách nhiệm khai báo những tình tiết mà mình biết cho cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng phát hiện tội phạm. Vì hiện nay, theo quy định pháp luật thì phần nghĩa vụ của người làm chứng đang “nặng” hơn quyền lợi mà họ có được.
Quan trọng là “thái độ”
Dù đánh giá cao dự thảo song LS Trương Anh Tú (Đoàn LS Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thời gian tiến hành thanh toán là “khi kết thúc công việc làm chứng, phiên dịch được triệu tập tại phiên tòa”. “Quy định này là chưa hợp lý bởi không phải người làm chứng nào cũng đủ điều kiện tự trang trải chi phí trong suốt quá trình tố tụng kéo dài rồi sau đó mới được thanh toán. Hơn thế nữa, các chứng từ, hóa đơn để xin thanh toán rất dễ bị thất lạc, mất mát khi thời gian giải quyết vụ án quá lâu dẫn đến người làm chứng không được thanh toán các chi phí họ đã bỏ ra là rất thiệt thòi”, LS Tú nói.
LS Tú cũng lưu ý, đối với nhiều người làm chứng điều quan trọng nhất không phải là khoản tiền họ được chi trả cho việc làm chứng mà hơn hết đó là thái độ của cơ quan tiến hành tố tụng đối với họ. Họ là “người làm chứng”, là người giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không phải là người phạm tội nhưng trong nhiều trường hợp họ bị đối xử như một người phạm tội. Họ bị gọi đi “lấy lời khai” bất kể lúc nào, họ bị mất việc, bị điều tiếng không hay, gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống do đi làm chứng nhưng lại không nhận được bất kỳ một lời giải thích nào từ phía người có thẩm quyền. Do đó, điều quan trọng không chỉ là bù đắp những chi phí người làm chứng phải bỏ ra để đi làm chứng mà quan trọng hơn là pháp luật cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ tối đa quyền lợi của người làm chứng, giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc làm chứng lên cuộc sống thường nhật của họ.
“Hơn thế nữa, cần phải có một cuộc cải cách về thái độ làm việc đối với người làm chứng của cơ quan tiến hành tố tụng để nhân chứng không còn sợ phải làm chứng trong các vụ án”, LS Tú nói.
Mức tối đa cũng quá “bèo”
LS Nguyễn Đức Chánh cho rằng, mức tiền lương và thù lao mà dự thảo nghị định đưa ra là quá thấp. Ông dẫn chứng: Theo khoản 2, điều 3, Nghị định 66/2013/NĐ-CP, từ ngày 1.7.2013 mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. “Như vậy, tính ra 1 ngày lương cơ sở là hơn 50.000 đồng. Nếu tính theo dự thảo nghị định thì mức cao nhất mà người làm chứng hưởng là hơn 100.000 đồng. Mà chỉ có người giám định, người thực hiện định giá tham gia làm chứng ở phiên tòa mới được hưởng mức tối đa này, các đối tượng khác chỉ được 50.000 đồng/ngày. Đặc biệt nếu không phải làm chứng ở tòa thì có khi chỉ được 25.000 đồng/ngày”, LS Chánh nói.
Lê Nga - Thái Sơn
Nguồn: thanhnien.com.vn

16 tháng 3, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Một nhân viên y tế xâm phạm bí mật đời tư Hương Tràm

Việc một nhân viên y tế quay clip bệnh nhân đang phẫu thuật và tung lên mạng không những đã vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân khi đến điều trị tại cơ sở y tế mà còn vi phạm pháp luật.
Chỉ vài giờ sau khi clip ca sĩ Hương Tràm phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) bị tung lên mạng (ngày 14-3), Hương Tràm đã có những lời chia sẻ đến khán giả thông qua trang cá nhân. Quán quân Giọng hát Việt 2012 gửi lời xin lỗi đến mọi người khi trước kia không dám thừa nhận mình PTTM để được đẹp hơn trong mắt khán giả. Đồng thời, Hương Tràm cũng phản ứng với người đã tung clip lên mạng:“Còn với người đăng clip lên, chỉ xin chị suy nghĩ kỹ hơn về việc mình đã làm với tinh thần của một y tá!”.
Y tá quay clip và tung lên mạng?
Ngày 15-3, trả lời phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, ca sĩ Hương Tràm khẳng định cô và người nhà của cô không hề quay clip trong quá trình phẫu thuật và cũng không đưa clip này lên mạng. Đây cũng không phải là “chiêu trò” để Hương Tràm đánh bóng tên tuổi. “Người quay clip là một y tá trong êkíp phẫu thuật nâng mũi cho tôi. Cô y tá này hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM. Bác sĩ phẫu thuật cho tôi là một người nước ngoài (do một trung tâm trị liệu và thẩm mỹ giới thiệu - PV) và ca phẫu thuật được thực hiện ở bệnh viện chứ không phải ở trung tâm thẩm mỹ. Vì vậy mà cô y tá mới quay được clip này. Do ca phẫu thuật được thực hiện thông qua trung tâm trị liệu và thẩm mỹ nên nếu chịu trách nhiệm trong việc này thì tôi nghĩ chính là trung tâm” - Hương Tràm cho biết.
Phóng viên đã trực tiếp liên hệ với trung tâm trị liệu và thẩm mỹ nơi Hương Tràm thực hiện ca phẫu thuật nâng mũi thì đại diện trung tâm cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa thông tin bất cứ việc gì liên quan đến ca phẫu thuật của ca sĩ Hương Tràm và đoạn clip bị phát tán trên mạng nói trên”.
 
Hương Tràm cho rằng ca phẫu thuật được thực hiện thông qua trung tâm trị liệu và thẩm mỹ nên trung tâm này phải chịu trách nhiệm về clip bị phát tán.
Vi phạm đạo đức nghề nghiệp
Theo PGS-TS-BS Lê Hành, Chủ tịch Hội PTTM TP.HCM, việc chụp ảnh, quay phim bệnh nhân trước, trong và sau PTTM là rất quan trọng và bắt buộc phải làm. Đây là những bằng chứng pháp lý cho quá trình điều trị để đánh giá kết quả phẫu thuật. Đồng thời cũng là cơ sở khách quan trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Điều này có nghĩa cơ sở y khoa phải giữ bí mật và chịu trách nhiệm với những hình ảnh này. Việc sử dụng các tài liệu này hoàn toàn ở trong môi trường y khoa và không nêu danh tính bệnh nhân. Trong những trường hợp cần thiết phải trình bày rộng rãi thì phải xóa bỏ nhân dạng để người xem không thể biết đó là ai.
Trong ngành PTTM, hồ sơ bệnh án, những chi tiết về các thủ tục, PTTM phải được giữ kín hàng đầu. Đây là những bí mật đời tư mà những người tìm đến bác sĩ để PTTM thường không muốn cho ai biết. Ngay trong các buổi thực hành giảng dạy PTTM ở trường, các học viên cũng tuyệt đối không được quay phim, chụp ảnh. “Nếu như một clip quay cảnh bệnh nhân đang điều trị bệnh và phát tán trên mạng bởi bất kỳ ai thì chính người đó đã xâm phạm bí mật đời tư của bệnh nhân (ở đây là ca sĩ Hương Tràm - PV). Vì trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định bệnh nhân khi đến các cơ sở y tế để điều trị được quyền giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Chỉ được phép cho biết những bí mật này khi người bệnh đồng ý hoặc có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền” - BS Lê Hành cho biết.
HUYỀN VI
 
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNHĐoàn Luật sư TP.HCM:
Có thể khởi kiện người quay clip
Nếu sự thật một y tá trong êkíp phẫu thuật nâng mũi cho Hương Tràm đã tự ý quay và đưa clip này lên mạng thì không chỉ vi phạm đạo đức của người khám, chữa bệnh mà còn vi phạm pháp luật. Vì theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…”.
Như vậy không ai được quyền tự ý quay clip và công bố clip này nếu không có sự đồng ý của ca sĩ Hương Tràm. Hương Tràm hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu người vi phạm phải chấm dứt hành vi, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

Huyền Vi (Nguồn: plo.vn)

3 tháng 3, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Giật mình với thiết bị nghe lén

Chiếc điện thoại di động thân thiết bỗng trở thành kẻ phản chủ, thông tin lưu trữ trên máy tính bị lọt ra ngoài, bí mật trong kinh doanh bỗng nhiên bị lộ… tất cả đều xuất phát từ thiết bị công nghệ nghe lén đang bán công khai khắp nơi.

Giật mình với thiết bị nghe lén
Minh họa: DAD

Rẻ như bèo
Theo thông tin quảng cáo, chúng tôi tìm đến cửa hàng bán đồ công nghệ ở một con hẻm thuộc Q.3, TP.HCM. Chủ cửa hàng cho biết chuyên cung cấp đồ chơi công nghệ cao với đủ loại camera quay lén và thiết bị nghe lén. Kéo hộc tủ, thanh niên tên Đương đưa cho chúng tôi xem 2 sản phẩm nhỏ xíu, nhỏ bằng 2/3 bao diêm và quảng cáo: “Đảm bảo có thể nghe rõ trong bán kính 15-30 m, bảo hành 12 tháng, bị lỗi em đổi cái mới”.
Theo hướng dẫn của Đương, việc nghe lén rất đơn giản, chỉ cần mua một sim rác lắp vào thiết bị, gọi một cuộc điện thoại vào sim rác kích hoạt. Sau đó, gắn thiết bị ở địa điểm cần thiết, khi nào muốn nghe lén chỉ cần gọi vào chiếc sim trên là nghe thoải mái, giá sản phẩm này 900.000 đồng. Đương cũng tư vấn cho chúng tôi sản phẩm nghe lén hồng ngoại cao cấp hơn, giá 1,6 triệu đồng. Cũng sử dụng theo cách tương tự nhưng với thiết bị này, cứ có tiếng động ở nơi lắp máy là tự động nó sẽ báo vào điện thoại di động cho người theo dõi biết để mở máy nghe.
Để chứng minh, Đương lấy một cái sim lắp vào máy hồng ngoại, cung cấp số điện thoại rồi nói chúng tôi đi ra ngoài thử gọi vào số điện thoại trên. Quả thật, khi chúng tôi đi cách xa cửa hàng 10 m, dùng điện thoại di động gọi vào số điện thoại trên, mọi cuộc đàm thoại, trao đổi bên trong cửa hàng đều nghe rõ. Thậm chí, khi chúng tôi tắt máy điện thoại nhưng bên trong có tiếng nói là điện thoại chúng tôi lại đổ chuông và bấm lên là nghe được mọi diễn biến bên trong.
Tuy nhiên khi chúng tôi đến một “shop” khác trong một con hẻm trên đường Lý Chính Thắng thì chủ cửa hàng bán các thiết bị tương tự giá chỉ bằng một nửa. Anh này quảng cáo, một ngày tiếp hơn chục khách hàng có nhu cầu. “Người thì nói cần theo dõi con nợ coi cất giấu tài sản ở đâu; kẻ thì nói cần quản lý bồ bịch, vợ chồng; người thì nói dùng quản lý con cái, quản lý nhân viên, chống trộm… cả ngàn lý do, em nghe mà nhức hết cả đầu”, anh này kể lể.
Tràn ngập thiết bị tinh vi
Giật mình với thiết bị nghe lén1
Máy nghe lén một chiều
Trong những ngày thâm nhập thị trường “công nghệ cao”, chúng tôi chợt giật mình khi phát hiện ra một “rừng” các sản phẩm nghe lén buôn bán nhộn nhịp, công khai. Quang, một chuyên gia trong lĩnh vực này, tư vấn cho chúng tôi nào là thiết bị nghe lén ngụy trang bằng con chuột vi tính, ngụy trang dưới dạng USB, phích cắm điện, ổ cắm điện, pin sạc điện thoại, máy nghe lén xuyên tường… Tất cả các loại máy lắp sim nghe lén đều có thời hạn sạc pin cho máy nhưng với những dạng hiện đại ngày nay như con chuột vi tính, phích cắm điện, ổ cắm điện… thì không cần sạc vì ngoài chức năng thiết bị nghe lén chúng vẫn có chức năng sử dụng như một ổ cắm điện hay một con chuột vi tính bình thường. Cao cấp hơn, hiện nay trên thị trường còn có loại máy nghe lén kèm camera ghi hình, ngoài chuyện ghi phát âm thanh, loại máy này còn truyền được cả hình ảnh (!).
Tuy được quảng cáo là của Hồng Kông, Đài Loan nhưng theo Quang tất cả các thiết bị này đều xuất xứ từ Trung Quốc. Giá cả có khi đến vài triệu đồng một sản phẩm tại TP.HCM nhưng tại gốc chúng chỉ 200.000 - 500.000 đồng. Đặc biệt, các thiết bị này không giới hạn khoảng cách giữa người bị theo dõi và người theo dõi, trong nước hay ngoài nước miễn có sóng điện thoại và có pin là hoạt động tốt nên chúng còn được gọi là “thiết bị theo dõi toàn cầu”.
Chưa hết, trong những ngày tìm hiểu về thiết bị nghe lén, chúng tôi còn được giới thiệu về loại sim 2 trong 1. Người ta có thể tạo ra một phiên bản sim thứ hai cùng số với chiếc sim người bị theo dõi đang dùng. Hai sim này cùng song song hoạt động dưới 1 số và mọi thông tin liên lạc đến, đi của chiếc sim bị theo dõi đều “lọt” vào chiếc sim thứ hai.
Kinh doanh cả phần mềm theo dõi
Lần theo quảng cáo bán phần mềm giám sát, chúng tôi gọi số 092247… Một thanh niên hẹn chúng tôi đến trụ sở Công ty T.L trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM. Đến nơi, đó là một tòa cao ốc hoành tráng nhưng hỏi tới hỏi lui cũng không ai biết công ty bán phần mềm nghe lén nằm ở đâu. Liên lạc lại với số điện thoại trên, chúng tôi được thanh niên nọ cung cấp tên công ty mới là N.N. Lúc này, cô nhân viên tiếp tân mới cấp cho chúng tôi chỗ để ngồi chờ. Hỏi kỹ, chúng tôi mới biết Công ty N.N chỉ thuê giờ ở cao ốc này làm địa điểm giao dịch và tiếp khách.
30 phút sau, hai thanh niên xuất hiện tiếp thị cho chúng tôi về phần mềm nghe lén. Theo một thanh niên tên Tài, công ty này hiện đang cung cấp nhiều gói sản phẩm nhưng để có được tất cả thông tin như: chi tiết tin nhắn, chi tiết cuộc gọi, lịch sử lướt web, chat, hình ảnh và thậm chí định vị vị trí người bị theo dõi phải tốn 10 triệu đồng/năm. Năm thứ hai gia hạn chi phí giảm xuống còn tầm 3 - 4 triệu đồng/năm.
Tài cho biết thao tác cài đặt phần mềm rất đơn giản, chỉ cần đưa máy điện thoại cần theo dõi cho Tài trong 15 phút (với điều kiện chiếc điện thoại này phải được kết nối internet) là cài đặt kích hoạt được phần mềm nghe lén. Sau đó, mọi thông tin liên lạc của chiếc điện thoại có cài phần mềm nghe lén sẽ được chuyển vào địa chỉ email của người theo dõi. Khi chúng tôi đặt vấn đề về bảo hành, thanh niên thứ hai quả quyết: “Bên công ty em sẽ ký hợp đồng với khách hàng, viết phiếu thu và chịu trách nhiệm bảo hành...”.
Không chỉ có Công ty N.N, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có vài công ty núp bóng dưới dạng công ty thám tử chuyên cung cấp phần mềm nghe lén. Hàng loạt các phần mềm “gián điệp” đang được cung cấp trên thị trường với những lời quảng cáo rất ưu việt.
Điều đáng nói là tất cả các loại điện thoại smart phone dễ dàng bị kiểm soát bằng việc cài đặt phần mềm nghe lén và hàng triệu thuê bao có nguy cơ bị ai đó kiểm soát từ xa một cách bất hợp pháp.
Đe dọa bí mật đời tư
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định: Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn, bí mật và được pháp luật bảo vệ. Theo luật sư Quý, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định: Phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật... Nếu còn tái phạm có hành vi trái pháp luật, tiếp tục xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, đời tư thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo điều 125 bộ luật Hình sự.
“Đối với người bán, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng thì người kinh doanh mặt hàng thiết bị nghe lén sử dụng sóng GSM có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt lên tới 100 triệu đồng”, luật sư Quý nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết thêm: Theo quy định của Nghị định 59/2006/NĐ-CP thì các thiết bị nghe lén, nghe trộm thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Việc mua bán, vận chuyển tàng trữ bị xử phạt theo Nghị định 185 nói trên. Hoặc bị xử lý hình sự theo điều 155 bộ luật Hình sự về tội sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm với hình phạt tiền hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
Tuy vậy, cho đến nay việc mua bán mặt hàng nguy hiểm này vẫn được quảng cáo rầm rộ, đăng tải mua bán công khai. Vẫn chưa thấy có trường hợp người bán, người mua nào bị xử lý đến nơi đến chốn.
Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn