1. Hỏi: Năm nay tôi dự định kết hôn. Cho tôi hỏi là nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo những điều kiện nào? Những trường hợp nào cấm kết hôn? (Ngọc Liên, Bình Chánh)
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
c) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau đây:
- Người đang có vợ hoặc có chồng;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Giữa những người cùng giới tính.
2. Hỏi: Chồng tôi và tôi kết hôn đã 10 năm rồi. Nhưng vừa rồi tôi phát hiện là anh ta tổ chức đám cưới với cô gái khác. Vậy hành vi của anh ta có bị xử lý gì không? (Thu Thảo, Q.8)
Trả lời: Hành vi của chồng bạn hiện đang có vợ mà đi kết hôn với người khác là vi phạm pháp luật. Nếu đây là lần đầu thì chồng bạn sẽ bị hanh chánh (Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng). Sau khi bị xử phạt hành chính mà chồng bạn không chấm dứt mối quan hệ này mà tái phạm hoặc chung sống như vợ chồng với cô gái khác thì chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật hình sự là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
3. Hỏi: Tôi là lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Tôi yêu và hiện đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc, bây giờ tôi muốn về Việt Nam tổ chức đám cưới thì tôi có cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam không? (Tóc Tiên, Seoul)
Trả lời: Theo quy định, bạn không cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam nữa mà chỉ cần làm thủ tục công nhận việc kết hôn đã được đăng ký tại Hàn Quốc của các bạn tại cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Bạn đến Sở Tư pháp nơi bạn đăng ký thường trú (nếu không có đăng ký thường trú thì đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tạm trú) để đề nghị ghi vào Sổ đăng ký kết hôn việc kết hôn của các bạn. Cán bộ Sở Tư pháp sẽ hướng dẫn bạn làm hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn.
4. Hỏi: Tôi quen với anh là Việt kiều Mỹ. Sắp đến anh ấy sẽ về nước và chúng tôi sẽ đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Tôi muốn hỏi về hồ sơ đăng ký kết hôn với người định cư ở nước ngoài thì cần những thủ tục, giấy tờ gì? (Mỹ Tiên, Q.3)
Trả lời: 1. Về thẩm quyền quyền đăng ký kết hôn
Theo quy định tại trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn.
2. Về hồ sơ đăng ký kết hôn
a) Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định);
b) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng;
Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
d) Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
đ) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).
Ngoài giấy tờ quy định trên thì tùy từng trường hợp, bên nam, bên nữ phải nộp giấy tờ tương ứng.
3. Về thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện, nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và ngày trả kết quả.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
Được tư vấn bởi:
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (VPLS Nguyễn Huy Song);
Luật sư Bùi Thị Mỹ Linh (VPLS Lâm Hồng Khánh)
Nguồn: phunungaynay.vn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét