22 tháng 9, 2013

Sưu tầm bài viết về mình: Vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương: Tiểu thương có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại

Nhiều tiểu thương tại Trung tâm thương mại Hải Dương cho rằng Ban quản lý trung tâm thương mại và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm vì để cho họ kinh doanh trong môi trường có độ rủi ro cao về cháy nổ hơn chục năm qua. 

 Trung tâm thương mại Hải Dương sau vụ cháy - Ảnh: Phạm Hải Sâm

5 ngày sau khi vụ cháy xảy ra tại Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương, hơn 500 tiểu thương vẫn chưa hết bàng hoàng vì sau một đêm đã trở nên trắng tay. 
Phớt lờ phòng hỏa
Năm 2002, tỉnh Hải Dương đã dồn các tiểu thương đang kinh doanh ổn định ngành hàng công nghệ phẩm (vải, hóa mỹ phẩm, kim khí)... tại chợ Phú Yên sang kinh doanh tại TTTM.
Theo ông Vũ Khắc Quyết, Giám đốc Ban quản lý (BQL) TTTM, do trung tâm xây dựng theo thiết kế nhằm đáp ứng cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh với diện tích sàn lớn nên trước khi chuyển các tiểu thương sang, trung tâm buộc phải thay đổi diện tích kinh doanh của từng hộ. Cụ thể, phải dùng các khung sắt dựng lên thành từng ô nhỏ (9 m2 đến 10 m2/ki ốt), sau đó ốp các vách ngăn, lắp cửa cuốn và phía trên mỗi ki ốt buộc phải lợp tôn để đảm bảo an toàn cho hàng hóa của mỗi hộ. Cũng theo ông Quyết, do chiều cao của các tầng trong trung tâm đều từ 6,5 m đến 7 m nên hệ thống chiếu sáng từ trên trần rọi xuống không đủ sáng phục vụ việc kinh doanh cho bà con, vì vậy buộc phải thiết kế thêm hệ thống điện mới để đấu nối với từng ki ốt. “Sau khi sử dụng hệ thống điện mới, hệ thống điện cũ và PCCC cũ bị bỏ không và hư hại dần”, ông Quyết nói.
Do chia nhỏ diện tích, thay đổi hệ thống điện... so với thiết kế, xây dựng ban đầu của TTTM nên hàng chục năm qua, hơn 500 tiểu thương tại đây bị đặt trong môi trường kinh doanh với độ rủi ro cao về cháy nổ. Tháng 2.2012, sau đợt kiểm tra, rà soát an toàn PCCC, Công an tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu UBND TP.Hải Dương (đơn vị chủ quản của TTTM Hải Dương) phải chấn chỉnh ngay công tác phòng chống cháy nổ của TTTM, đảm bảo an toàn cho hoạt động của bà con tiểu thương. Văn bản này chỉ rõ, hệ thống PCCC của trung tâm đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, bình chữa cháy, nhiều van, vòi và đường ống cấp nước bị hư hại, chưa được sửa chữa…           
Về việc này, ông Vũ Tiến Phụng, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Dương, cho rằng 2 năm qua, UBND TP đã trực tiếp làm việc với BQL TTTM nhiều lần về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại đây. Năm 2012, TP cũng chi 500 triệu đồng tiền ngân sách để đơn vị này sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC và cũng yêu cầu BQL sử dụng thêm kinh phí (do đây là đơn vị sự nghiệp có thu) để bổ sung trang thiết bị PCCC. Tuy nhiên việc sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị PCCC ra sao thì ông Vũ Khắc Quyết cho hay, tới tháng 7.2012 TTTM mới đầu tư 20 vòi nước cứu hỏa, 38 bình chữa cháy, gia cố lại các bể chứa nước phòng cháy. Riêng hệ thống báo cháy chưa kịp sửa lại thì đã xảy ra hỏa hoạn.     
Bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm
Nhiều tiểu thương khẳng định hơn chục năm kinh doanh tại TTTM, chưa bao giờ họ được bất kỳ cơ quan chức năng nào hướng dẫn, hoặc đề nghị mua bảo hiểm cháy nổ.
Theo quy định, các TTTM thuộc diện bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ. Tuy nhiên, trao đổi với PV sau khi vụ cháy xảy ra, ông Vũ Khắc Quyết khẳng định trung tâm chưa mua bảo hiểm cháy nổ với lý do các đơn vị khảo sát không bán. “Năm ngoái, chúng tôi đã từng mời Công ty bảo hiểm quân đội, Công ty bảo hiểm Bảo Minh (chi nhánh Hải Dương) đến để tham gia bảo hiểm phòng chống cháy nổ cho trung tâm, nhưng khi đến khảo sát tại đây thì các công ty này đều từ chối”, ông Quyết nói.
 
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong vụ việc này, BQL TTTM ít nhất cũng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS hoặc dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về PCCC theo điều 240 BLHS.
Trả lời việc này, ông Đinh Duy Tuấn, Giám đốc Công ty CP bảo hiểm Bảo Minh - chi nhánh Hải Dương, cho biết theo Thông tư 220 của Bộ Tài chính, TTTM là đơn vị phải tham gia bảo hiểm phòng chống cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, cũng theo thông tư này thì phải có điều kiện an toàn PCCC do cơ quan PCCC cấp mới được bán bảo hiểm. “Cách đây một năm, phía TTTM Hải Dương có đặt vấn đề mua bảo hiểm tại công ty. Tuy nhiên do phía trung tâm không đưa ra được căn cứ chứng minh đủ điều kiện về an toàn PCCC, mặt khác thực tế cho thấy sau khi tiến hành kiểm tra khảo sát hệ thống PCCC và tất cả các quy trình quy phạm, thì Bảo Minh nhận thấy rủi ro quá cao nên đã từ chối”, ông Tuấn nói.  
Có thể kiện đòi bồi thường
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư  Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, BQL TTTM Hải Dương đã coi thường hàng hóa của người dân và chính tài sản của TTTM khi thay đổi công năng không phù hợp với thiết kế ban đầu. Điều này đã đặt tiểu thương vào môi trường rủi ro cao về cháy nổ. Ngoài ra, BQL TTTM còn vi phạm trong việc chưa thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Thông tư 220/2010 của Bộ Tài chính... Do đó, BQL TTTM phải có trách nhiệm trong vụ việc. “Cụ thể là phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự. Nếu CQĐT khởi tố vụ án, đề nghị truy tố, xử lý những người có liên quan đến vụ cháy thì trách nhiệm bồi thường về dân sự sẽ nhập chung vào giải quyết trong vụ án hình sự. Nếu CQĐT không khởi tố hình sự vụ án thì các tiểu thương cũng có thể khởi kiện vụ kiện dân sự yêu cầu BQL TTTM bồi thường”, luật sư Diệp nói.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Các tiểu thương khi thuê gian hàng, mặt bằng với TTTM để hoạt động kinh doanh, mua bán thì giữa các bên đã hình thành quan hệ giao dịch dân sự và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng thuê mặt bằng, gian hàng. Khi vụ cháy xảy ra gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của các tiểu thương, cần căn cứ xem xét vào các quy định, điều khoản trong hợp đồng để làm cơ sở xem xét giải quyết, khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Phạm Hải Sâm - Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn

18 tháng 9, 2013

Sưu tầm bài viết về mình: ‘Nhá máy’ công an

Có người gọi gần 10.000 cuộc điện thoại chọc phá lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh, người khác thì “kiên nhẫn” gọi khoảng 200 cuộc nhưng không báo tin tức gì...


Công an Bình Dương công bố quyết định xử phạt 3 cô gái đã gọi gần 10.000 cuộc điện thoại quậy phá tổng đài 113 - Ảnh: Đỗ Trường
Đã hơn 3 tháng nay, điện thoại trực ban Công an P.14, Q.3 (TP.HCM) liên tục bị chọc phá bất kể ngày hay đêm. Điện thoại đổ chuông nhưng khi trực ban bắt máy, bên kia im lặng rồi cúp. Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng công an P.14, cho biết sau khi sự việc xảy ra công an phường thay máy hiện số để ghi lại số gọi đến và ghi nhận các số máy quậy phá đều thuộc sim điện thoại di động khuyến mãi, như 01278622016, 01234071274, 01272892596...
Đổi số để “trốn”
Sau một thời gian điều tra, Công an P.14, Q.3 đã xác định thủ phạm quậy phá là bà Trần Thị H. (47 tuổi, trú tại P.11, Q.Phú Nhuận). “Chính tôi trực tiếp gọi điện yêu cầu bà H. lên làm việc để giải thích nhưng bà không chịu hợp tác và cứ tiếp tục chọc phá điện thoại”, trung tá Dũng kể.
Rạng sáng, nửa đêm gì bà H. cứ liên tục gọi, mỗi ngày cả trăm cuộc, chỉ có nước rút dây điện thoại thì bà không gọi nữa. Nhưng đâu có rút dây được, vì điện thoại trực chiến, nếu trên địa bàn phường có chuyện gì sao người dân gọi được
Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng công an P.14, Q.3, TP.HCM
Trước đó bà H. gửi đơn tố cáo ông T., trụ trì một ngôi chùa trên địa bàn P.14, Q.3. Công an phường có mời hai bên làm việc, nhưng kết quả xác minh không đúng như tố cáo của bà H. Sau khi làm việc với công an trở về, bà H. bắt đầu “nhá máy” đến ĐTDĐ của thiếu tá Đỗ Văn Dão (cảnh sát khu vực, người đứng ra hòa giải vụ việc). Thiếu tá Dão phải thay số điện thoại khác để “trốn”. Không gọi được cảnh sát khu vực, bà H. quay sang số điện thoại công an phường. “Rạng sáng, nửa đêm gì bà H. cứ liên tục gọi, mỗi ngày cả trăm cuộc, chỉ có nước rút dây điện thoại thì bà không gọi nữa. Nhưng đâu có rút dây được, vì điện thoại trực chiến, nếu trên địa bàn phường có chuyện gì sao người dân gọi được”, trung tá Dũng cho biết.
Từ tháng 6 đến nay, trung tá Dũng đã ký 4 báo cáo đề xuất Công an Q.3 tìm cách chặn các số điện thoại của bà H., bên cạnh đó cũng liên tục phối hợp với Công an P.11 (Q.Phú Nhuận) mời bà H. lên làm việc, nhưng bà này không đến. Công an tiếp tục mời 2 người con của bà H. nhưng cả hai cũng không chấp hành. Khi cảnh sát khu vực và cán bộ địa phương tìm đến nhà thì bà H. khóa trái cửa...
Mỗi ngày quậy 200 cuộc
Tại Bình Dương, chiều 16.8, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH  (PC64) Công an tỉnh phối hợp với các ban ngành đoàn thể xã An Điền (H.Bến Cát) đưa ra giáo dục trước dân và công bố quyết định xử lý vi phạm hành chính, phạt cảnh cáo đối với Võ Thị T. (31 tuổi), Hồ Ngọc D. (25 tuổi) và Nguyễn Thị Thu P. (13 tuổi, tất cả cùng ngụ ấp An Sơn, xã An Điền, H.Bến Cát) vì đã gọi gần 10.000 cuộc điện thoại quấy rối Cảnh sát 113. Mỗi ngày, từ sáng sớm đến 21 giờ đêm, Võ Thị T., Hồ Ngọc D. và Nguyễn Thị Thu P. đã gọi khoảng 200 cuộc đến đường dây nóng 113 nhưng không báo tin tức gì. Đặc biệt, cả 3 còn cài đặt chế độ tự gọi lại và chuyển cuộc gọi giữa 3 số điện thoại của họ để gọi vào số 113. Khai với cơ quan công an, cả 3 cho rằng do gọi vào những số đường dây nóng của công an được miễn phí nên quậy phá cho... vui! 
Còn tại Cần Thơ, từ ngày 26.7 đến 30.7, Lê Phạm Hướng D. (21 tuổi, ngụ KV.2, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng) đã dùng thuê bao 01287026624 gọi đến số máy 113 của Trung tâm cảnh sát phản ứng nhanh gần 500 cuộc chỉ để báo tin giả, nói chuyện với lời lẽ thô tục và thách thức. Nhưng theo thông tin PV Thanh Niên nhận được thì Lê Phạm Hướng D. cũng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 1,5 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát trật tự Công an TP.Cần Thơ đã xử lý 38 người quấy rối số máy 113. Trong đó cũng chỉ cảnh cáo 5 trường hợp và xử phạt vi phạm hành chính 33 trường hợp với số tiền từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Cần mạnh tay xử lý
Trao đổi với PV Thanh Niên, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều khẳng định tình trạng này hoàn toàn có thể mạnh tay xử lý dứt điểm bằng các công cụ pháp luật hiện có.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty luật Minh Mẫn) phân tích, hành vi của bà H. đã vi phạm pháp luật, gây rối, cản trở hoạt động trực ban sẵn sàng chiến đấu của Công an P.14, Q.3, vốn là những hoạt động bình thường của cơ quan công an địa phương. “Hành vi này đủ yếu tố để xử phạt hành chính”, luật sư Chánh nói. Trường hợp xử phạt hành chính rồi vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể xử lý về tội gây rối trật tự công cộng.
Ở góc độ khác, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, điện thoại trực ban của công an phường nhằm phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh phòng chống tội phạm của đơn vị công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Do vậy việc khủng bố điện thoại của công an phường cả ngày lẫn đêm đã làm cản trở hoạt động, nghiệp vụ, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của đơn vị công an, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ theo điều 257 Bộ luật Hình sự.
Lê Nga - Công Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn

16 tháng 9, 2013

Sưu tầm bài viết về mình: Khủng bố điện thoại

Chuyện bị quấy rối bằng điện thoại không còn xa lạ với nhiều người dân. Không còn là số ít, vấn nạn này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trong khi việc ngăn chặn, xử lý vẫn lơ lửng.


Mới đây, ngày 14.9, bà Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, gửi đơn đến Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.9, TP.HCM trình báo bà nhận được những tin nhắn đe dọa tính mạng bà và các con; trong lúc vụ nhắn tin dọa giết bà và người thân 4 tháng trước vẫn chưa được công an tìm ra thủ phạm.
Đây có thể không còn là những tin nhắn quấy rối thông thường như nói xấu, chọc phá mà là những tin nhắn khủng bố, đe dọa tước đoạt sinh mạng gây hoang mang tinh thần cho người nhận được. Những hành vi đe dọa giết người hay những tin nhắn vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm có dấu hiệu hình sự và đây là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, xử lý tội phạm.
Công an đã vào cuộc điều tra vụ việc xảy ra bốn tháng trước đối với bà Tuyết nhưng chỉ xác định được nơi xuất phát tin nhắn ở Đà Nẵng, do đối tượng sử dụng sim khuyến mãi rồi dừng lại, trong khi tính mạng của người bị khủng bố đang bị đe dọa. Thực tế, với công nghệ kỹ thuật cao ngày nay việc xác định, định vị, theo dõi một số điện thoại, đặc biệt là đối với ngành công an không phải là khó. Đã có không ít vụ cơ quan chức năng "bằng một số biện pháp nghiệp vụ" truy tìm đã bắt tận tay, xử lý người nhắn tin quậy phá vào các số máy của lực lượng công an, như: 113, 114... Thế nhưng, việc truy tìm, xử lý những đối tượng khủng bố bằng điện thoại đối với dân thường thì hầu như các cơ quan chức năng chưa làm rốt ráo.
Hình Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Ành: tác giả
Trong vụ việc này, còn có trách nhiệm của nhà mạng. Đã có Thông tư 04 và 14 về quản lý khuyến mãi đối với thuê bao trả trước chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Tuy nhiên, hiện vẫn có thể dễ dàng tìm thấy sim rác đã kích hoạt trước thời gian trên còn tồn tại, để dẫn đến tình trạng không truy tìm được “hung thủ” khủng bố điện thoại rõ ràng là trách nhiệm của nhà mạng. Vậy xử lý nhà mạng như thế nào vẫn còn là ẩn số.
Có thể thống kê có vô vàn các kiểu khủng bố điện thoại: nhá máy, gọi liên tục, nhắn tin hăm dọa, chửi bới, nói xấu, khiêu khích… triền miên. Nạn nhân bực tức, bất an, nhiều trường hợp khốn khổ vì bị khủng bố tinh thần hằng năm trời. Cuộc sống và sinh hoạt bị đảo lộn trong khi nhờ nhà mạng can thiệp thường chậm trễ xử lý và thiếu các biện pháp ngăn chặn dứt điểm. Còn nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật truy tìm kẻ quấy rối để xử lý theo pháp luật thì cũng chẳng đi đến đâu vì các số điện thoại quấy rối hầu như toàn là thuê bao… không xác định được danh tính.
Cuối cùng, nếu không muốn bỏ sim, thay số điện thoại, người bị khủng bố đành cắn răng chấp nhận vì im lặng là vàng để kẻ quấy rối sẽ “rủ lòng thương” hay “chán” mà “tha” cho. Trong khi không ít cuộc họp xử lý vấn nạn này vẫn lơ lửng, không cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng trên.
Đã đến lúc chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn “sim rác” và hành vi “khủng bố” điện thoại bị “bỏ ngỏ” trong thời gian qua.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM)
Nguồn: thanhnien.com.vn

14 tháng 9, 2013

Sửa luật "chết" Luật phá sản bằng dự thảo quy định nực cười

Có thể nói rằng Luật Phá sản năm 2004 là một sản phẩm luật “tồi”, bởi vì sau 9 năm kể từ ngày có hiệu lực ban hành thì nó không áp dụng được cho các Doanh nghiệp có nhu cầu được phá sản. Nói như cách nói của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nhiều Doanh nghiệp “chết nhưng không thể chôn được”.

Luật phá sản năm 2004 thật sư đã "phá sản" ngay khi nó được ban hành. Vì một văn bản pháp luật chỉ có 95 điều luật, nhưng có đến 57 điều được các tòa án, cơ quan, tổ chức liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Luật phá sản năm 2004 không chỉ là sự lãng phí về tiền bạc mà còn gây khó khăn cho việc giải quyết tình trạng các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không biết phải như thế nào. Con số thống kê cho thấy mỗi năm có hàng chục ngàn Doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể, chỉ riêng năm 2012 có 54.261 Doanh nghiệp, nhưng tổng cộng 9 năm, Tòa án chỉ mở thủ tục phá sản cho 236 trường hợp, tuyên bố phá sản được 83 trường hợp.

Ảnh minh hoại - Nguồn: internet

Tất cả chúng ta đều thấy những bất cập này khi đem luật phá sản ra bàn thảo và quyết tâm sửa đổi nó để nó có thể đi vào đời sống xã hội, để có thể mở đường cho sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp.

Và thật sư bất ngờ khi một đề xuất trong dự thảo do Tòa án nhân dân Tối cao đưa ra quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. 

Dự thảo về hạn mức phá sản này làm cho ngay cả nguyên Chánh án Tòa án Tối cao - hiện đang là Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc Hội: Ông Nguyễn Văn Hiện phải dùng đến từ "thật nực cười" để nói về dự thảo này. Vì như ông Hiện nói thì không thể có chuyện các tập đoàn, tổng công ty quy mô hàng nghìn tỉ đồng mà nợ quá hạn có 200 triệu đồng cũng bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì trong thực tế, hiện nay có những Doanh nghiệp hoạt động vốn chủ sở hữu 15 - 20% trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, còn lại phần lớn đi vay nợ lẫn nhau, vay nợ ngân hàng. Nếu cứ chiếu theo tiêu chí này chắc chắn sẽ có tới 99% DN của VN nằm trong diện phá sản.

Đến đây thì chúng ta mới hiểu được tại sao một văn bản pháp luật ban hành nhưng lại không đi vào thực tiễn cuộc sống vì ngay từ đầu, với kỹ thuật lập pháp như vầy thì làm sao có sản phẩm luật "tốt". Làm luật theo tư duy kiểu "trên trời" thì chỉ tốn thêm tiền của, thời gian và gây khó khăn cho các quan hệ xã hội mà thôi.

Đừng để Luật phá sản "phá sản" thêm một lần nữa!