Nhiều tiểu thương tại Trung tâm thương mại Hải Dương cho rằng Ban quản lý trung tâm thương mại và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm vì để cho họ kinh doanh trong môi trường có độ rủi ro cao về cháy nổ hơn chục năm qua.
Trung tâm thương mại Hải Dương sau vụ cháy - Ảnh: Phạm Hải Sâm
|
5 ngày sau khi vụ cháy xảy ra tại Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương, hơn 500 tiểu thương vẫn chưa hết bàng hoàng vì sau một đêm đã trở nên trắng tay.
Phớt lờ phòng hỏa
Năm 2002, tỉnh Hải Dương đã dồn các tiểu thương đang kinh doanh ổn định ngành hàng công nghệ phẩm (vải, hóa mỹ phẩm, kim khí)... tại chợ Phú Yên sang kinh doanh tại TTTM.
Theo ông Vũ Khắc Quyết, Giám đốc Ban quản lý (BQL) TTTM, do trung tâm xây dựng theo thiết kế nhằm đáp ứng cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh với diện tích sàn lớn nên trước khi chuyển các tiểu thương sang, trung tâm buộc phải thay đổi diện tích kinh doanh của từng hộ. Cụ thể, phải dùng các khung sắt dựng lên thành từng ô nhỏ (9 m2 đến 10 m2/ki ốt), sau đó ốp các vách ngăn, lắp cửa cuốn và phía trên mỗi ki ốt buộc phải lợp tôn để đảm bảo an toàn cho hàng hóa của mỗi hộ. Cũng theo ông Quyết, do chiều cao của các tầng trong trung tâm đều từ 6,5 m đến 7 m nên hệ thống chiếu sáng từ trên trần rọi xuống không đủ sáng phục vụ việc kinh doanh cho bà con, vì vậy buộc phải thiết kế thêm hệ thống điện mới để đấu nối với từng ki ốt. “Sau khi sử dụng hệ thống điện mới, hệ thống điện cũ và PCCC cũ bị bỏ không và hư hại dần”, ông Quyết nói.
Do chia nhỏ diện tích, thay đổi hệ thống điện... so với thiết kế, xây dựng ban đầu của TTTM nên hàng chục năm qua, hơn 500 tiểu thương tại đây bị đặt trong môi trường kinh doanh với độ rủi ro cao về cháy nổ. Tháng 2.2012, sau đợt kiểm tra, rà soát an toàn PCCC, Công an tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu UBND TP.Hải Dương (đơn vị chủ quản của TTTM Hải Dương) phải chấn chỉnh ngay công tác phòng chống cháy nổ của TTTM, đảm bảo an toàn cho hoạt động của bà con tiểu thương. Văn bản này chỉ rõ, hệ thống PCCC của trung tâm đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, bình chữa cháy, nhiều van, vòi và đường ống cấp nước bị hư hại, chưa được sửa chữa…
Về việc này, ông Vũ Tiến Phụng, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Dương, cho rằng 2 năm qua, UBND TP đã trực tiếp làm việc với BQL TTTM nhiều lần về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại đây. Năm 2012, TP cũng chi 500 triệu đồng tiền ngân sách để đơn vị này sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC và cũng yêu cầu BQL sử dụng thêm kinh phí (do đây là đơn vị sự nghiệp có thu) để bổ sung trang thiết bị PCCC. Tuy nhiên việc sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị PCCC ra sao thì ông Vũ Khắc Quyết cho hay, tới tháng 7.2012 TTTM mới đầu tư 20 vòi nước cứu hỏa, 38 bình chữa cháy, gia cố lại các bể chứa nước phòng cháy. Riêng hệ thống báo cháy chưa kịp sửa lại thì đã xảy ra hỏa hoạn.
Bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm
Nhiều tiểu thương khẳng định hơn chục năm kinh doanh tại TTTM, chưa bao giờ họ được bất kỳ cơ quan chức năng nào hướng dẫn, hoặc đề nghị mua bảo hiểm cháy nổ.
Theo quy định, các TTTM thuộc diện bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ. Tuy nhiên, trao đổi với PV sau khi vụ cháy xảy ra, ông Vũ Khắc Quyết khẳng định trung tâm chưa mua bảo hiểm cháy nổ với lý do các đơn vị khảo sát không bán. “Năm ngoái, chúng tôi đã từng mời Công ty bảo hiểm quân đội, Công ty bảo hiểm Bảo Minh (chi nhánh Hải Dương) đến để tham gia bảo hiểm phòng chống cháy nổ cho trung tâm, nhưng khi đến khảo sát tại đây thì các công ty này đều từ chối”, ông Quyết nói.
|
Trả lời việc này, ông Đinh Duy Tuấn, Giám đốc Công ty CP bảo hiểm Bảo Minh - chi nhánh Hải Dương, cho biết theo Thông tư 220 của Bộ Tài chính, TTTM là đơn vị phải tham gia bảo hiểm phòng chống cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, cũng theo thông tư này thì phải có điều kiện an toàn PCCC do cơ quan PCCC cấp mới được bán bảo hiểm. “Cách đây một năm, phía TTTM Hải Dương có đặt vấn đề mua bảo hiểm tại công ty. Tuy nhiên do phía trung tâm không đưa ra được căn cứ chứng minh đủ điều kiện về an toàn PCCC, mặt khác thực tế cho thấy sau khi tiến hành kiểm tra khảo sát hệ thống PCCC và tất cả các quy trình quy phạm, thì Bảo Minh nhận thấy rủi ro quá cao nên đã từ chối”, ông Tuấn nói.
Có thể kiện đòi bồi thường
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, BQL TTTM Hải Dương đã coi thường hàng hóa của người dân và chính tài sản của TTTM khi thay đổi công năng không phù hợp với thiết kế ban đầu. Điều này đã đặt tiểu thương vào môi trường rủi ro cao về cháy nổ. Ngoài ra, BQL TTTM còn vi phạm trong việc chưa thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Thông tư 220/2010 của Bộ Tài chính... Do đó, BQL TTTM phải có trách nhiệm trong vụ việc. “Cụ thể là phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự. Nếu CQĐT khởi tố vụ án, đề nghị truy tố, xử lý những người có liên quan đến vụ cháy thì trách nhiệm bồi thường về dân sự sẽ nhập chung vào giải quyết trong vụ án hình sự. Nếu CQĐT không khởi tố hình sự vụ án thì các tiểu thương cũng có thể khởi kiện vụ kiện dân sự yêu cầu BQL TTTM bồi thường”, luật sư Diệp nói.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Các tiểu thương khi thuê gian hàng, mặt bằng với TTTM để hoạt động kinh doanh, mua bán thì giữa các bên đã hình thành quan hệ giao dịch dân sự và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng thuê mặt bằng, gian hàng. Khi vụ cháy xảy ra gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của các tiểu thương, cần căn cứ xem xét vào các quy định, điều khoản trong hợp đồng để làm cơ sở xem xét giải quyết, khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Phạm Hải Sâm - Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét