28 tháng 8, 2013

Nhận lương "khủng" nhưng đã làm được gì?

Những ngày gần đây, tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước đều “bức xúc” trước thông tin về việc lãnh đạo 4 công ty công ích tại Tp.Hồ Chí Minh nhận mức lương “khủng”. Nếu so sánh với mức lương của Thủ tướng chính phủ có hệ số 12,5 với mức lương 17tr/tháng thì các vị này lãnh lương gấp hơn 11 lần và so với lương thứ trưởng như tiết lộ của ông Nguyễn Sĩ Dũng – Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thì cao gấp 18 lần. Đúng là có người phải thốt lên: “ăn gì mà ăn dữ vậy”.

            Khi dư luận phẫn nộ về mức lương này thì lãnh đạo của 4 công ty này lên tiếng thanh minh rằng lương cao vì họ tạo ra lợi nhuận, nên xứng đáng được hưởng lương khủng này. Đến đây thì quả thật càng giải thích càng thấy rõ cái sai của họ vì công ty công ích, sử dụng vốn nhà nước thì lợi nhuận ấy có từ đâu? Từ vốn là ngân sách nhà nước hay đúng hơn là tiền thuế mà người dân đóng … Đâu thể nào có chuyện lời thì chia nhau, còn lỗ thì Ngân sách nhà nước chịu. Chưa nói xưa nay trong dư luận vẫn râm ran câu chuyện một số cán bộ công ty công ích lợi dụng tài chính, tài sản và con người “công ích” để làm lợi cho cá nhân mình.

            Nếu họ là lãnh đạo công ty tư nhân, sử dụng nguồn vốn của cá nhân hoặc vốn vay ngân hàng để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp hoặc cho người góp vốn, cổ đông thì mức lương này là quyền của doanh nghiệp. Đó mới đúng là xứng đáng công sức bỏ ra để điều hành, quản lý doanh nghiệp.

            Nếu họ cho rằng họ xứng đáng nhận khoản lương “khủng” đó thì họ hãy nhìn lại những gì mình đóng góp cho xã hội. Thực trạng TP.Hồ Chí Minh mưa là ngập, hết mưa cũng ngập, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng…Chúng ta cũng chưa thể nào quên vụ tai nạn năm 2009 làm em Cồ Quốc Duy, học sinh lớp 8A3, THCS Lý Phong, quận 5, tử vong do rò điện tại ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo… Và còn nhiều vấn đề khác đến nay vẫn chưa giải quyết được.


Trong ảnh là một đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) thường xuyên bị ngập nước khi có mưa lớn hoặc triều cường – Nguồn: Báo Thanh Niên
           
Nếu họ là những nhà lãnh đạo có lương tâm thì không thể nhận mức lương mà tính trung bình họ nhận là 8,3tr/ngày, trong khi công nhân vất vả với mức thu nhập 5-6tr/tháng. Chưa nói đến việc số tiền trên có 1 phần “ăn chặn” một số lượng lớn hợp đồng lao động của công nhân. Họ vi phạm quy định pháp luật lao động “hàng loạt” khi ký hợp đồng thời vụ với thời hạn dưới 3 tháng với 163 người lao động thường xuyên và 355 người lao động ký hợp đồng dưới 1 năm.

Hình ảnh lao động vất vả của công nhân



Có thể nhận xét rằng họ đã “ngồi mát hưởng bát vàng” trên công sức của công nhân và trên tiền đóng thuế của người dân.

27 tháng 8, 2013

Những quy định "trên trời" và sự phản ứng của dư luận - phần 1

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành rất nhiều quy định, chính sách gây "bức xúc", "phản ứng" trong xã hội. Nhân đây tôi xin tổng hợp lại các quy định này cũng như nêu ra nguyên nhân và kết quả giải quyết của sự việc nêu trên. Để từ đó chúng ta đúc kết lại kinh nghiệm trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và ban hành chính sách "hợp lòng dân".

1. “Hồi sinh” quy định cấm “ngực lép” lái xe
Nguyên nhân phản ứng của dư luận: Ngày 30 tháng 9 năm 2008, Bộ Y tế ban hành 02 quyết định đó là: Quyết định 33/2008/QĐ-BYT ngày 30/9/2008 về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và Quyết định 34/2008/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển mô tô, xe ba bánh. 02 quyết định này đã gây “cơn bão” trong dư luận phản đối quy định này vì tiêu chuẩn sức khỏe mà Bộ Y Tế đưa ra đối với người lái xe theo hướng “ngực lép” không được lái xe, ngực to được lái xe lớn.
Sau đó, vào ngày 08 tháng 11 năm 2008, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4392/QĐ-BYT hủy bỏ 02 quyết định 33 và 34 nêu trên.

Nguồn: internet


Ấy vậy mà gần 5 năm sau, theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe (dự thảo) đề ngày 7 tháng 8 năm 2013, người dân muốn đủ điều kiện lái ô tô và xe máy phải đáp ứng được 83 tiêu chuẩn về sức khỏe. Trong đó có tiêu chuẩn về vòng ngực trung bình không dưới 72 cm, cân nặng không được dưới 40 kg và có chiều cao không thấp hơn 1,45 m…

Kết quả: Đến thời điểm hiện nay các quan chức của 02 Bộ GTVT và Bộ Y Tế phủ nhận và đùn đẩy trách nhiệm khi đứng trước phản ứng quyết liệt của dư luận về việc “hồi sinh” quy định đã từng bị Bộ Tư Pháp “tuýt còi” và dư luận “ném đá” tơi tả này.

2. Đánh thuế “bà đẻ” 
Nguyên nhân phản ứng của dư luận: Ngày 19 tháng 6 năm 2012, Tổng cục Thuế có văn bản số 2139/TCT-TNCN trả lời Công ty TNHH Điện tử Việt Tường (tỉnh Đồng Nai) do bà Lê Hồng Hải, phó tổng cục trưởng, ký hướng dẫn các DN phải tính thuế TNCN đối với “khoản tiền lương chế độ thai sản do BHXH chi trả thay lương”.
Đây là văn bản Tổng cục Thuế ban hành đã gây nhiều bức xúc trong dư luận vì đánh thuế “bà đẻ”.
Nguồn: internet

Kết quả: Trước sự phản ứng của dư luận, ngày 24 tháng 9 năm 2012, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Bùi Văn Nam đã ký văn bản số 3367/TCT-TNCN khẳng định mức hưởng chế độ thai sản mà người lao động nhận được từ quỹ BHXH “được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN”.

3. CMND ghi tên cha mẹ trong đó. 
Nguyên nhân phản ứng của dư luận Từ tháng 9/2012, Bộ Công an triển khai thí điểm cấp mẫu CMND có ghi tên cha mẹ trên địa bàn quận Tây Hồ, Hoàng Mai và huyện Từ Liêm (Hà Nội). Việc triển khai này vấp phải những phản ứng trái chiều từ Bộ, ngành và đặc biệt là người dân.
Trước phản ứng trái chiều này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã được giao xem xét tính hợp pháp, hợp lý về Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND. Sau khi nghiên cứu, Cục phát hiện quy định cho phép đưa tên cha mẹ vào CMND là trái với Bộ luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia từ năm 1989. Sau đó, Bộ Tư pháp cũng có văn bản kiến nghị với thủ tướng về việc bãi bỏ quy định này.
Nguồn: internet


Kết quả: Ngày 11 tháng 04 năm 2013, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tư pháp và yêu cầu Bộ Công an nhanh chóng soạn thảo nghị định mới thay thế Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND.
Việc xử lý hậu quả của khoảng 35.000 CMND có tên cha mẹ đã được cấp theo hướng người dân có quyền xin cấp đổi lại nếu không muốn có tên cha mẹ mình trên đó.

4. Xe phải “chính chủ” 
Nguyên nhân phản ứng của dư luận: Việc quy định xử phạt đối với chủ phương tiện thực hiện hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” (còn gọi là xe không chính chủ) được quy định tại điểm a khoản 1 và  điểm đ khoản 4 Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;
4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
đ) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;”

Nguồn: internet

Tuy nhiên, quy định này chưa nhiều người “biết đến”, mãi cho đến khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP ban hành ngày 19 tháng 9 năm 2012 với việc tăng mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô và Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô. Thì lúc này chữ “xe chính chủ” bắt đầu “tấn công” khắp nơi. Trên các báo giấy, mạng thông tin điện tử, mạng xã hội (đặc biệt là facebook) đã tạo ra “cơn bão” dư luận về chủ đề nêu trên. Sự phản ứng quyết liệt của người dân đến mức hiện nay từ “chính chủ” không chỉ dùng cho xe mà còn cả nhà như bán nhà “chính chủ”, dép “chính chủ”….

Sự việc càng đẩy lên cao trào khi Bộ Công an ban hành Thông tư 11/2013/TT-BCA ngày 01/03/2013, có hiệu lực ngày 15/04/2013, cương quyết xử phạt hành chính lỗi “xe không hính chủ” theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, trong khi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị dừng thi hành quy định này.

Kết quả: Sau 7 lần công bố dự thảo Nghị định 71 sửa đổi và tiếp thu các ý kiến, thẩm định và giải trình, Ban soạn thảo và các Bộ ngành liên quan vẫn không thống nhất được vấn đề “xe không chính chủ”. Bộ GTVT làm tờ trình để Thủ tướng Chính phủ quyết định phạt hay không phạt.

5. Thịt phải bán trong 8 giờ đồng hồ
Nguyên nhân phản ứng của dư luận: Ngày 20 tháng 07 năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành 02 Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm và Thông tư số 34/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Cả 02 văn bản này đều do thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 3 tháng 9 năm 2012.
Nguồn: internet

Theo đó, điểm đáng chú ý trong quy định này là thịt và phụ phẩm tươi sống để ở nhiệt độ thường chỉ được bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Trong trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ 0-5OC, thịt được bán trong vòng 72 giờ, phụ phẩm như dạ dày, lòng non chỉ được bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ, không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống. 

Kết quả: Ngay sau khi ban hành và chưa có hiệu lực thi hành thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 2090/QĐ-BNN-TY ngày 30 tháng 8 năm 2012 cũng do chính Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần ký quyết định ngừng thi hành đối với Thông tư 33, 34 quy định chỉ được phép bán thịt sống trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ.


23 tháng 8, 2013

Luật sư không nên bào chữa theo kiểu "nước đôi"

Bộ luật tố tụng hình sự đã xác định người bào chữa là người tham gia tố tụng. Người bào chữa không có quyền và lợi ích gì trong vụ án. Họ tham gia để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người buộc tội.

Theo quy định tại khoản 1 điều 56 BLTTHS 2003: Người bào chữa có thể là:         
- Luật sư
- Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
- Bào chữa viên nhân dân.

Trong nhóm bào chữa nói trên, luật sư là người bào chữa chuyên nghiệp nhất. Luật sư là người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng. Luật sư tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự để bào chữa, bảo vệ cho thân chủ của mình để chống lại sự buộc tội của Công tố viên hoặc giúp làm giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ của họ. Đồng thời qua đó cũng có thể giúp cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ các tình tiết vụ án.

Hình minh họa trên internet

Thế nhưng trên thực tiễn chúng ta cũng gặp không ít trường hợp một số luật sư chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, bản lĩnh nghề nghiệp của mình khi bào chữa theo kiểu nước đôi. Vừa bào chữa theo hướng vô tội, vừa “thòng” thêm trường hợp nếu có tội thì xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ.

Cụ thể là trên số báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/04/2013 có bài viết “Luật sư yếu mới bào chữa nước đôi” của tác giả Dương Hằng với nhận định “Việc bào chữa nước đôi thể hiện là luật sư sự không tin tưởng vào các lý lẽ, lập luận của mình. Chính luật sư còn không tin vào mình thì thuyết phục được ai?”. Việc bào chữa nước đôi không chỉ thể hiện sự yếu kém của luật sư mà còn gây khó khăn cho Hội đồng xét xử để đến mức chủ tọa phiên tòa buộc phải chất vấn để làm rõ: “Tóm lại quan điểm của luật sư là bị cáo vô tội hay có tội nhưng xin giảm nhẹ?”. Luật sư đáp: “Tôi nêu các luận cứ chứng minh bị cáo vô tội nhưng nếu khi nghị án, tòa không tuyên bị cáo vô tội thì tòa phải xem xét tới phần giảm án cho bị cáo như những tình tiết giảm nhẹ mà tôi đã tranh luận trên”.

Sau vài tháng kể từ khi có bài viết trên thì vào ngày 12/8/2013 cũng trên báo Pháp luật Tp.Hồ Chí Minh cũng có bài viết với tiêu đề “Bị nhắc vì bào chữa nước đôi” của tác giả TB-Hoàng Yến. Lúc này không phải chủ tọa phiên tòa chất vấn mà là Công tố viên đã “nhắc nhở” và không đồng tình với cách bào chữa nước đôi của luật sư.

            Tuy tôi hành nghề luật sư cũng chưa nhiều, số lượng tham gia vụ án cũng chưa được bao nhiêu. Tuy nhiên, thiết nghĩ khi đã mang danh là luật sư bào chữa cho thân chủ thì mình phải thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp. Một là xác định thân chủ mình vô tội hay không? Nếu không thì bào chữa theo hướng xin giảm nhẹ hình phạt. Luật sư phải thống nhất trước với thân chủ của mình hướng bào chữa vì ngoài luật sư ra, bị cáo còn quyền tự bào chữa.

            Nếu luật sư yếu bản lĩnh thì không chì Công tố viên, Hội đồng xét xử mà cả thân chủ và những người dự kháng sẽ “xem thường” mình.


            Ở đây tôi không chỉ trích hay có ý “lên lớp” ai nhưng theo tôi, luật sư phải có bản lĩnh của mình khi tham gia tố tụng.

Xem thêm bài viết khác:

Đừng "đóng khung" Luật sư khi tranh luận

Các yếu tố cơ bản của luật sư giỏi

- Giới thiệu về Luật sư Nguyễn Đức Chánh

22 tháng 8, 2013

Thắng kiện ... thì sao

Cách đây vài hôm, mình cùng 1 nhân viên công ty tư vấn cho 1 khách hàng là người Venezuela sang Việt Nam đầu tư. Câu chuyện xảy ra vào năm 2012, khi người đàn ông trung niên này gặp 1 người phụ nữ Việt Nam bàn việc hợp tác kinh doanh với nhau.

Người đàn ông này đã cho người phụ nữ kia vay 50.000USD và cuối năm 2012 phải hoàn trả lại số tiền trên cho ông. Không chỉ dừng ở đó đầu năm 2013, ông này còn góp thêm 95.000USD cùng với cty do chính người phụ nữ này đứng làm đại diện theo pháp luật, để đầu tư nhà máy sản xuất dừa ở Bến Tre trong thời hạn 7 năm. Hợp đồng hợp tác kinh doanh do VPLS ở Bến Tre soạn thảo và làm chứng.

Việc kinh doanh triển khai chưa được bao lâu thì xung đột xảy ra, người phụ nữ kia kêu nhiều người xông vào văn phòng công ty hợp tác để chuyển toàn bộ máy móc ra khỏi văn phòng trong sự bất lực của người đàn ông ngoại quốc này. Theo lời ông kể thì lúc bà này đến có cả công an địa phương, bên cạnh đó có 1 người đàn ông đi cùng đe dọa tính mạng của cha, con ông.

Chúng tôi tư vấn cho ông nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc trên.

Khi ông đặt câu hỏi: Nếu tôi khởi kiện vụ án thì thời hạn giải quyết bao lâu? Tôi có thể lấy lại tiền không? Với tin nhắn hăm dọa, tôi có thể thưa công an không? Họ có bảo vệ tôi không?

Có lẽ ông là người ngoại quốc nên không hiểu rằng vấn đề thời gian giải quyết 1 vụ án ở Việt Nam là câu khó nhất mà luật sư có thể đưa ra. Theo luật thì án dân sự 4-5 tháng, án kinh doanh - thương mại: 2-3 tháng nhưng có bao giờ có thời gian lý tưởng vậy đâu. Có những vụ án tưởng chừng đơn giản nhưng kéo dài đến vài năm... chưa nói vụ phức tạp thì còn chưa biết đường ra.

Còn chuyện tôi có lấy được tiền không? Cũng là câu hỏi khá nan giải vì ở VN chuyện thắng bằng bản án "trên giấy" là khá nhiều. Tòa tuyên người cho vay tiền thắng đấy nhưng còn chuyện có lấy lại tiền được không thì phải xem "con nợ" của mình có tài sản không? Có điều kiện thi hành án không? Nói chung mình phải phụ thuộc vào "con nợ".

Nghe đến đây là ông khách hàng không muốn nhờ luật sư nữa, đành phải đi về. Họ lúc nào cũng hỏi sao kỳ cục vậy? Giá trị bản án của Tòa Việt Nam chẳng hiểu nỗi.

Tôi nghĩ trong đầu, nhiều lúc tôi còn "nản" huống hồ gì...

18 tháng 8, 2013

Các yếu tố cơ bản của luật sư giỏi

Để trở thành luật sư giỏi thì yếu tố đầu tiên mà tất cả các ngành nghề đều yêu cầu đó là "Đạo đức nghề nghiệp". Không có đạo đức nghề nghiệp thì không thể bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật



Yếu tố thứ 2: Phải có nền tảng kiến thức tương đối tốt trong lĩnh vực mình cung cấp, thực hiện cho khách hàng. Ở nước ta thực trạng đào tạo và hành nghề thì 1 luật sư cái gì cũng biết, cũng làm nhưng không chuyên sâu.

Yếu tố thứ 3:Có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề. Một luật sư mà không có kỹ năng thuyết phục, giải quyết vấn đề thì không thể bào chữa hay bảo vệ cho thân chủ của mình được. 

Yếu tố thứ 4: Có óc tư duy phân tích, logic: Một sự việc điều có 2 mặt của 1 vấn đề, vì vậy nếu 1 luật sư không phân tích được nhiều mặt của vấn đề thì chỉ là kẻ phiếm diện, không có óc tư duy logic thì sẽ "lộn xộn", không đầu, không đuôi, không trình tự...

Yếu tố thứ 5: Ngoại ngữ tốt. Một luật sư không thể tự vỗ ngực xưng tên mình giỏi khi mình không có khả năng giao tiếp, tiếp cận với vụ việc có sự tham gia của người nước ngoài, thậm chí cả tranh tụng vượt khỏi biên giới quốc gia.


Và còn nhiều yếu tố phụ khác nữa...

10 tháng 8, 2013

Sưu tầm bài báo về mình: Làm khó báo chí tại tòa

Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng nếu dự thảo pháp lệnh này được thông qua chẳng khác nào tòa “trói tay” báo chí.

Cấp giấy phép “con” cho phóng viên tác nghiệp ?
Hoạt động nghề nghiệp của nhà báo đã nằm trong khuôn khổ luật Báo chí và các văn bản khác thì không nên bày ra thêm quy định mang nặng tính xin - cho, cản trở nhà báo tác nghiệp
LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM)
Cụ thể, tại điểm e khoản 1 điều 17 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của tòa án nơi giải quyết vụ án”.
Nếu có tình tiết tăng nặng như có tổ chức, tái phạm; lôi kéo, xúi giục người chưa thành niên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án... thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung như buộc rời khỏi phòng xử án, tịch thu tang vật, phương tiện...
Như vậy với quy định này, nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa (người sử dụng phương tiện để ghi âm, ghi hình nhiều nhất tại phiên tòa) bị quản lý gắt gao, gây phiền toái trong tác nghiệp.
Trả lời Thanh Niên, luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM) nói thẳng, dự thảo quy định của Pháp lệnh trái luật Báo chí và nghị định. Cụ thể, theo khoản 3 điều 8 Nghị định số 51 ngày 26.4.2002 (quy định chi tiết thi hành luật Báo chí, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Báo chí), nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, LS để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm này, LS Lưu Văn Tám (Đoàn LS Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ lo lắng quy định cấp “giấy phép con” cho phóng viên (PV) tác nghiệp như dự thảo sẽ làm thẩm phán chủ tọa phiên tòa và chánh án quá tải, đồng thời “trói” cơ quan báo chí. Theo LS Tám, hoạt động tác nghiệp (lấy tin, chụp ảnh...) của nhà báo ở tòa là hoạt động tức thời theo diễn biến của phiên tòa. Nếu muốn thực hiện như dự thảo quy định, tòa phải lập hẳn một bộ phận chuyên cấp giấy cho nhà báo tác nghiệp mới kịp.
LS Tám phân tích, mỗi ngày ở tòa án diễn ra hàng chục phiên tòa, thậm chí mỗi thẩm phán cũng có khi ngồi xử 3 - 5 vụ/ngày, một tháng như TAND TP.HCM có cả trăm vụ án được xử. Có phiên tòa có cả trăm PV tác nghiệp (như vụ hoa hậu Mỹ Xuân chẳng hạn), hay thường thì có cả chục PV tham dự. Đó là chưa nói PV còn bị động vì tòa lên lịch rồi còn bị hoãn xử tới hoãn xử lui mà thực hiện theo dự thảo thì ngày nào tòa cũng phải cấp vài chục giấy cho các PV tham dự. Do đó, nếu không có bộ phận riêng thì chánh án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa khó mà đảm đương công việc này.
Làm khó báo chí tại tòa
Phóng viên tác nghiệp ở tòa - Ảnh: Lê Nga
“Chẳng khác nào hạn chế hoạt động báo chí”
Đáng chú ý, điều 25 dự thảo Pháp lệnh cũng quy định: cảnh cáo đối với hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của tòa án; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng nếu đưa tin sai sự thật mà có tình tiết tăng nặng hoặc đã bị cảnh cáo về hành vi đó mà còn vi phạm.
Theo LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), quy định trên đã lấn sân sang hoạt động khác và nếu không khéo thì tòa án - nơi thực hiện hoạt động xét xử sẽ thành cơ quan hành chính và việc xử phạt sẽ giẫm chân lên nhau, bởi lẽ luật Báo chí đã có quy định xử lý hành vi đưa tin sai sự thật phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân. Nếu cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.
“Hoạt động nghề nghiệp của nhà báo đã nằm trong khuôn khổ luật Báo chí và các văn bản khác thì không nên bày ra thêm quy định mang nặng tính xin - cho, cản trở nhà báo tác nghiệp”, ông Chánh nêu ý kiến.
Tương tự, LS Tám cũng cho rằng, hoạt động của báo chí là thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống tội phạm qua các phiên tòa, nhưng tòa không tạo điều kiện thông thoáng cho PV tác nghiệp mà “đụng đâu cũng thấy vướng, thì chẳng khác nào hạn chế hoạt động báo chí”.
Ảnh hưởng lớn đến hoạt động báo chí
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, cho biết Hội Nhà báo chưa được tham gia lấy ý kiến. Tuy nhiên ông nói: “Việc đưa ra một số quy định liên quan đến hoạt động báo chí, tôi cho rằng cần phải đối chiếu, so sánh để phù hợp với quy định của luật Báo chí. Mặt khác, hoạt động của tòa án có những quy định riêng song cũng cần phải tính đến những tính chất đặc thù, cần tạo điều kiện để báo chí đưa tin phản ánh cho xã hội nhanh hơn, tốt hơn. Việc đưa ra quy định ghi âm chụp ảnh tại tòa mà cần phải có văn bản của chánh án hay chủ tọa sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những hoạt động này”.
Thái Sơn
Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn

Sưu tầm bài báo về mình: Luật sư vung tay tranh luận, được không?

Xung quanh chuyện một luật sư bị chủ tọa phiên phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn cấm không cho vung tay khi tranh luận, một vấn đề được đặt ra: Quy định về chuyện này ra sao?


Tại phiên phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn ngày 30-7 có một tình tiết đáng chú ý về mặt tố tụng: Trong lúc tranh luận, luật sư Đoàn Hữu Bền (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng, bào chữa chỉ định cho bị cáo Vươn) đã nhiều lần vung tay nhằm diễn tả ý tứ của mình. Thấy vậy, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu luật sư không được vung tay và nói: “Luật sư không được cái kiểu “chém gió”. Nếu còn vung tay thì sẽ bắt ngồi xuống không cho nói nữa”.

Mô tả chứ không “chém gió”

Sáng 31-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho biết: BLTTHS có quy định mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Trong quá trình xét xử, khi trình bày mà luật sư vung tay, chỉ trỏ này nọ thì tùy mức độ mà chủ tọa phiên tòa có thể cho rằng đó là thái độ xem thường HĐXX và viện dẫn quy định không tôn trọng HĐXX để nhắc nhở, thực hiện các biện pháp cần thiết ngăn chặn, chấm dứt hành vi ấy. Đó thuộc về thẩm quyền điều khiển phiên tòa của chủ tọa. Tuy nhiên, việc xác định những động tác mang tính biểu cảm (vung tay, chỉ trỏ) đến mức độ nào thì được xem là hành vi không tôn trọng HĐXX lại chưa có quy chuẩn định tính, định lượng cụ thể mà do chủ tọa điều khiển phiên tòa đánh giá.


Các luật sư trong phiên phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn. Ảnh: TTXVN

Ở tình huống trên, ông Độ chia sẻ: “Do không trực tiếp chứng kiến nên tôi rất khó đánh giá có sự không tôn trọng HĐXX hay không. Nhưng theo tôi, luật sư khi bào chữa không nên có hành động vung tay, chỉ trỏ vì không phù hợp với phép lịch sự của văn hóa Á Đông. Dù rằng phiên tòa nước ngoài, luật sư có thể đi lòng vòng, khoa tay, vung chân… nhưng ở nước ta thì không nên. Không phải là bên ta quá khắt khe đâu. Nhưng thử nghĩ xem, trong những phiên tòa hiện giờ có ai hành xử vậy đâu, từ công tố viên, thẩm phán, hội thẩm, đến ngay cả chủ tọa khi điều khiển phiên tòa hay tuyên án thì thái độ đều rất nghiêm túc, chừng mực. Vậy tại sao luật sư lại có thể hành xử như vậy? Nên công bằng trong thái độ ứng xử để thể hiện sự tôn trọng với mọi người có mặt trong phòng xử, tôn trọng sự trang nghiêm của pháp đình”.

Trong khi đó, luật sư Đoàn Hữu Bền khẳng định: “Việc tôi vung tay khi tranh luận không hề có ý không tôn trọng HĐXX mà chỉ nhằm mục đích mô tả chiếc khiên chống đạn của nhóm cán bộ thứ nhất vào cưỡng chế khác với nhóm thứ hai. Cụ thể, nhóm thứ nhất sử dụng khiên màu đen, có lỗ nhỏ để nhìn, còn nhóm thứ hai khiên màu trắng trong suốt, nhìn thấu toàn bộ. Tôi giơ tay mô tả hình chiếc khiên và chỉ tay để thể hiện cái lỗ của chiếc khiên. Chủ tọa nhắc nhở không vung tay, tôi chấp hành ngay và bỏ tay xuống. Tuy nhiên, vì đang mô tả chiếc khiên nên theo thói quen, tôi tiếp tục giơ tay lên. Ngay lập tức chủ tọa nói: “Ông luật sư không được cái kiểu “chém gió””.

Theo luật sư Bền, vì tôn trọng chủ tọa phiên tòa nên ông chấp hành và không phản ứng lại. Tuy nhiên, ông vẫn bức xúc vì ông giơ tay chỉ nhằm làm rõ về chiếc khiên nên việc chủ tọa phiên tòa nhận xét ông “chém gió” là “chưa đúng chuẩn mực ứng xử tại phiên tòa, cần phải rút kinh nghiệm”.

Chuyện bình thường!

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) và luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho biết các bộ luật, luật tố tụng cũng như Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đều không có điều khoản nào bắt buộc luật sư không được vung tay khi phát biểu tại phiên tòa.

“Các động tác vung tay, nhún vai… của luật sư là biểu hiện ngôn ngữ của cơ thể nhằm giúp luật sư mô tả, nhấn mạnh ý tứ, lập luận của mình. Nó không phải là hành vi xem thường HĐXX, cũng không hề làm ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa. Chỉ khi nào các động tác ấy được diễn tả một cách thái quá nhằm ám chỉ, xúc xiểm rõ rệt ai đó trong phòng xử thì mới cần lưu tâm. Người điều khiển phiên tòa cũng chỉ cần đảm bảo tính nghiêm trang, nghiêm túc của phiên tòa chứ không nên máy móc hạn chế tất cả động tác ấy” - TS Hưng nhận xét.

Còn luật sư Tâm phân tích: “Vung tay là biểu lộ tình cảm, đôi khi để thu hút sự chú ý của người khác là chuyện bình thường. Đôi khi những hành động ấy còn thể hiện nghệ thuật hùng biện của luật sư trước tòa. Tranh luận công khai là lúc luật sư có thể cung cấp chứng cứ mới để chứng minh cho luận cứ của mình thì họ có quyền dùng cả ngôn ngữ cơ thể diễn tả chứng cứ đó. Lúc này những cử chỉ cơ thể biểu hiện cảm xúc sẽ mang lại hiệu quả, thuyết phục người nghe và có giá trị chứng minh trước mặt hội đồng xét xử, sao lại phải cấm?”.

“Tại nhiều phiên xử, tôi cũng dùng ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ bàn tay để diễn đạt ý tứ mình muốn nói và chưa có ai phản đối cả” - luật sư Tâm cho biết.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) thì cho rằng các động tác trên thuộc về phong cách bào chữa của từng luật sư. Phải phân biệt làm hai loại: Loại thứ nhất là động tác vung tay có thể làm cho người khác hiểu lầm thì chủ tọa nhắc nhở khéo léo để phiên tòa diễn ra bình thường. Loại thứ hai là phong cách ấy không tạo ra hiệu ứng xúc phạm người khác thì chủ tọa không nên nhắc nhở. Còn nếu muốn áp dụng biện pháp chế tài như “bắt ngồi xuống không cho nói nữa” thì chủ tọa phải chứng minh được hành động, lời nói nào của luật sư vi phạm nội quy phiên tòa chứ không nên “dọa chung chung”.

Luật không cấm
Luật không cấm luật sư thể hiện trạng thái tình cảm khi tranh luận. Hiện nay khái niệm “văn hóa pháp đình” chưa được luật hóa nên mỗi người còn nhận định cảm tính. Chủ tọa lấy đánh giá chủ quan để nhắc nhở “cái không ảnh hưởng đến ai” thì có khi lại chính là người vi phạm văn hóa pháp đình.
Luật sư TRẦN HẢI ĐỨCĐoàn Luật sư TP.HCM
Hà cớ gì cấm
Động tác vung tay chỉ đơn thuần mô tả ý tứ, không xúc xiểm ai, không gây náo loạn phiên tòa thì hà cớ gì phải cấm?
Luật sư HOÀNG KIM VINH,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước
Đừng “đóng khung” người tranh luận
Trong lúc tranh luận không thể cứ cầm tờ giấy lên đọc một lèo xong bài bào chữa mà phải là hùng biện bao gồm lời nói kèm theo điệu bộ, cử chỉ. Đừng nên “đóng khung” người tranh luận khi họ đang hùng biện. Như vậy thì chẳng bao giờ có người hùng biện giỏi cả.
Không nên lạm dụng
Chủ tọa có quyền hạn chế hành vi thái quá nhưng không có nghĩa là lạm dụng quyền điều khiển phiên tòa để hạn chế tác nghiệp của luật sư. Nhiều thẩm phán khi đến phần luật sư tranh luận là có thái độ hằn học, định kiến ngay mà không chú ý luật sư muốn diễn tả điều gì.
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
NHÓM PV
Nguồn: phapluattp.vn

7 tháng 8, 2013

Đừng "đóng khung" Luật sư khi tranh luận

Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án "Giết người", "Chống người thi hành công vụ" xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng do Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử. Vụ án có nhiều vấn đề mà báo chí, cũng như dư luận quan tâm.

Còn riêng tôi với tư cách là 1 luật sư thì quan tâm nhiều đến thông tin về việc Hội đồng xét xử đề nghị luật sư không được “chém gió”. Lý do khi tranh luận Luật sư Đoàn Hữu Bền liên tục vung tay. Thành viên Hội đồng xét xử  còn nói “Nếu ông cứ vung chân, vung tay sẽ không cho bào chữa nữa”.

Khi nói đến tranh tụng tức là nói đến kỹ năng hùng biện của luật sư. Một luật sư giỏi là người có tài hùng biện và thực tiễn cho thấy kỹ năng hùng biện được xem là một trong các kỹ năng cơ bản của luật sư, đó chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên uy tín, danh tiếng của luật sư.

Theo Wikipedia thì "Thuật hùng biện (tiếng Latin eloquentia) là nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng sao cho trôi chảy, sinh động, trang nhã và đầy sức thuyết phục, thể hiện sức mạnh biểu cảm được bộc lộ qua vẻ đẹp của ngôn ngữ, nhờ đó mà thu hút và thuyết phục người nghe."

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2005 đã định nghĩa về hùng biện như sau : “ Hùng biện : Nói hay, nói giỏi, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục”.

Khi bào chữa để thuyết phục được người nghe (Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, ....) thì luật sư không những cần phải có lý lẽ chặt chẽ, sắc bén, tư duy logic và linh hoạt mà còn cần phải có những kỹ năng bổ trợ khác. Những kỹ năng bổ trợ đó là giọng nói và hình ảnh khi luật sư hùng biện để bào chữa cho thân chủ của mình. Về giọng nói thì phải có các yếu tố như: Chất giọng tốt, nói phải có ngữ điệu, chất giọng, tốc độ nói vừa phải, lúc nhanh, lúc chậm.. và về hình ảnh thì bao gồm những gì mà người khác nhìn thấy như: Điệu bộ, nét mặt, ánh mắt, tay... thông qua hình ảnh này tác động đến người nghe để truyền đạt thông tin hiệu quả nhất.

Và nhìn ra thế giới thì chúng ta thấy rõ rằng các nhà hùng biện nổi tiếng thế giới như Franklin D. Roosevelt, Winston Churchill, Joseph Stalin, Adolf Hitler,... và sau này có Fidel Castro, Bill Clinton... Ngoài kiến thức uyên bác, giọng nói tốt còn có cử chỉ, dáng điệu khi hùng biện thu hút hàng nghìn, hàng triệu người nghe. Trong đó không thể thiếu những động tác "vung tay" khi hùng biện.

Và qua phim ảnh, sách báo chúng ta cũng nhìn thấy hình ảnh các luật sư ở các nước theo mô hình tranh tụng được quyền đi lại, vung tay, vung chân hoặc sử dụng nhiều điệu bộ khác nhau để trình bày, diễn đạt luận cứ bào chữa của mình để thuyết phục bồi thẩm đoàn. 

Còn ở nước ta, hình ảnh luật sư tại Tòa đã ít, hình ảnh luật sư có tài hùng biện điếm trên đầu ngón tay như Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, ... Còn lại các luật sư cũng cố gắng thể hiện khả năng hùng biện của mình khi xuất hiện trong các phiên tòa. Nhưng đâu đó cũng có không ít luật sư chỉ biết đứng lên đọc bài bào chữa hoặc gửi bài bào chữa là xong. Thế thì làm gì có hùng biện.

Và nay, với quyền điều khiển phiên tòa của mình, Hội đồng xét xử còn hạn chế luật sư không được "chém gió" khi bào chữa, thì đồng nghĩa với việc yêu cầu Luật sư "đứng nghiêm" khi bào chữa. Lúc này không biết đang hùng biện hay đang "chào cờ" để đọc bài cho Hội đồng xét xử nghe.

Để nâng tầm chất lượng luật sư thì không thể thiếu việc nâng cao kỹ năng hùng biện cho họ, đặc biệt là các luật sư trẻ. Nếu tình trạng "đóng khung" khi luật sư bào chữa thì khó mà có luật sư giỏi. Lúc này nền tư pháp nước ta khó mà nâng cao chất lượng tranh tụng trong vụ án hình sự như mong muốn của Đảng, Nhà nước đang cải cách.

Bài viết của Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Đầu tháng cô hồn, xui quá đi!

Giật mình khi nhớ là hôm nay là ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch và nghĩ lại câu chuyện chiều nay đúng là xui xẻo.
Khách hàng làm dịch vụ tư vấn, nhờ Luật sư soát xét lại hợp đồng thuê cao ốc. Hợp đồng thì dài 23 trang, chứ ít gì. Thế là em í cứ điện hối báo giá, mình cũng cố gắng đọc qua và báo giá rất hữu nghị vì tương lai là đối tác lâu dài. Qua 22 cuộc trao đổi bằng email, gần 10 cuộc điện thoại. Sửa hợp đồng dịch vụ pháp lý ít nhất 3 lần. Cuối cùng 02 bên thống nhất với nhau tất cả, chỉ chờ chiều là khách hàng chuyển tiền đợt 1.
Mình cũng hăm hở đọc hợp đồng vì sáng thứ 6 bàn giao công việc. Khốn nạn thay hơn 16h thay vì nhận tiền từ khách hàng, thì lại nhận email nói anh thông cảm, bên em sợ không kịp tiến độ nên hủy hợp đồng.
Ô hay, chuyện tiến độ là mình chịu trách nhiệm mà, lý do thật chẳng hợp lý tí nào. Mình chỉ ấm ức là anh đã nhiệt tình tư vấn cho em nhiều lần rồi mà giờ dám "chơi khăm" anh.
Khách hàng đúng là thượng đế thật, nhưng lần này thì quá quắt lắm rồi. Lần sau mà nhờ anh tư vấn thì đừng có mơ nhé. Xài hàng chùa hoài không tốt đâu.
Mình ít có bực ai, đặc biệt là khách hàng nhưng lần này thì xin 1 lần nhé.
Đầu tháng cô hồn, xui quá đi!

5 tháng 8, 2013

Nhiêu khê thủ tục giấy chứng nhận bào chữa

Hôm nay đọc bài viết trên báo  "Một giấy bào chữa xuyên suốt tố tụng" trên www.phapluattp.vn, ngẫm nghĩ lại mà thấy buồn cho giới luật sư Việt Nam. Vì đây không phải là chuyện mới mà đã tồn tại nhiều năm qua. Rất nhiều hội nghị, hội thảo và rất bài viết, bài báo nêu lên thực trạng này nhưng đến nay vấn đề có được giải quyết thấu đáo đâu. 
Tình trạng luật sư bị làm khó trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa như đòi thêm giấy tờ ngoài quy định, cấp không đúng thời hạn, chờ sếp ký quyết định... như là rào cản để Luật sư không thể tiếp cận với thân chủ của mình một cách sớm nhất. Và trong thời gian ấy không biết thân phận của thân chủ mình như thế nào trong tình trạng "đói luật".
Đã nhiều lần đọc bài viết của Luật sư Phan Trung Hoài kêu gọi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa vì duy chỉ có Việt Nam là còn tồn tại thủ tục hành chính như vầy. Nhưng đâu dễ để các cơ quan công quyền chấp nhận điều này, vì như vậy làm sao họ "quản lý". Cái tư tưởng "quản lý" ấy còn lâu mới "cải cách" ở nước ta mà.
Thôi thì hi vọng rằng sau nhiều lần kêu gọi, gào thét ấy sẽ có thay đổi, nhưng tiêu đề bài báo nêu đó là chỉ cần 1 giấy chứng nhận bào chữa thôi cho suốt quá trình tố tụng từ giai đoạn điều tra - truy tố - xét xử. Nếu khi nào khách hàng không đồng ý để Luật sư tiếp tục tham gia tố tụng thì có quyền từ chối bất kỳ lúc nào và khi ấy Giấy chứng nhận không còn giá trị nữa.