23 tháng 8, 2013

Luật sư không nên bào chữa theo kiểu "nước đôi"

Bộ luật tố tụng hình sự đã xác định người bào chữa là người tham gia tố tụng. Người bào chữa không có quyền và lợi ích gì trong vụ án. Họ tham gia để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người buộc tội.

Theo quy định tại khoản 1 điều 56 BLTTHS 2003: Người bào chữa có thể là:         
- Luật sư
- Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
- Bào chữa viên nhân dân.

Trong nhóm bào chữa nói trên, luật sư là người bào chữa chuyên nghiệp nhất. Luật sư là người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng. Luật sư tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự để bào chữa, bảo vệ cho thân chủ của mình để chống lại sự buộc tội của Công tố viên hoặc giúp làm giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ của họ. Đồng thời qua đó cũng có thể giúp cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ các tình tiết vụ án.

Hình minh họa trên internet

Thế nhưng trên thực tiễn chúng ta cũng gặp không ít trường hợp một số luật sư chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, bản lĩnh nghề nghiệp của mình khi bào chữa theo kiểu nước đôi. Vừa bào chữa theo hướng vô tội, vừa “thòng” thêm trường hợp nếu có tội thì xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ.

Cụ thể là trên số báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/04/2013 có bài viết “Luật sư yếu mới bào chữa nước đôi” của tác giả Dương Hằng với nhận định “Việc bào chữa nước đôi thể hiện là luật sư sự không tin tưởng vào các lý lẽ, lập luận của mình. Chính luật sư còn không tin vào mình thì thuyết phục được ai?”. Việc bào chữa nước đôi không chỉ thể hiện sự yếu kém của luật sư mà còn gây khó khăn cho Hội đồng xét xử để đến mức chủ tọa phiên tòa buộc phải chất vấn để làm rõ: “Tóm lại quan điểm của luật sư là bị cáo vô tội hay có tội nhưng xin giảm nhẹ?”. Luật sư đáp: “Tôi nêu các luận cứ chứng minh bị cáo vô tội nhưng nếu khi nghị án, tòa không tuyên bị cáo vô tội thì tòa phải xem xét tới phần giảm án cho bị cáo như những tình tiết giảm nhẹ mà tôi đã tranh luận trên”.

Sau vài tháng kể từ khi có bài viết trên thì vào ngày 12/8/2013 cũng trên báo Pháp luật Tp.Hồ Chí Minh cũng có bài viết với tiêu đề “Bị nhắc vì bào chữa nước đôi” của tác giả TB-Hoàng Yến. Lúc này không phải chủ tọa phiên tòa chất vấn mà là Công tố viên đã “nhắc nhở” và không đồng tình với cách bào chữa nước đôi của luật sư.

            Tuy tôi hành nghề luật sư cũng chưa nhiều, số lượng tham gia vụ án cũng chưa được bao nhiêu. Tuy nhiên, thiết nghĩ khi đã mang danh là luật sư bào chữa cho thân chủ thì mình phải thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp. Một là xác định thân chủ mình vô tội hay không? Nếu không thì bào chữa theo hướng xin giảm nhẹ hình phạt. Luật sư phải thống nhất trước với thân chủ của mình hướng bào chữa vì ngoài luật sư ra, bị cáo còn quyền tự bào chữa.

            Nếu luật sư yếu bản lĩnh thì không chì Công tố viên, Hội đồng xét xử mà cả thân chủ và những người dự kháng sẽ “xem thường” mình.


            Ở đây tôi không chỉ trích hay có ý “lên lớp” ai nhưng theo tôi, luật sư phải có bản lĩnh của mình khi tham gia tố tụng.

Xem thêm bài viết khác:

Đừng "đóng khung" Luật sư khi tranh luận

Các yếu tố cơ bản của luật sư giỏi

- Giới thiệu về Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét