Trong phiên tòa phúc thẩm
vụ án "Giết người", "Chống người thi hành công vụ" xảy ra ở
Tiên Lãng, Hải Phòng do Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử.
Vụ án có nhiều vấn đề mà báo chí, cũng như dư luận quan tâm.
Còn riêng tôi với tư
cách là 1 luật sư thì quan tâm nhiều đến thông tin về việc Hội đồng xét xử đề nghị luật sư không được
“chém gió”. Lý do khi tranh luận Luật sư Đoàn Hữu Bền liên tục vung tay. Thành viên Hội đồng xét xử còn nói “Nếu ông cứ vung chân, vung tay sẽ
không cho bào chữa nữa”.
Khi nói đến tranh tụng
tức là nói đến kỹ năng hùng biện của luật sư. Một luật sư giỏi là người có tài
hùng biện và thực tiễn cho thấy kỹ năng hùng biện được xem là một trong các kỹ
năng cơ bản của luật sư, đó chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên
uy tín, danh tiếng của luật sư.
Theo Wikipedia thì
"Thuật hùng biện (tiếng Latin eloquentia) là nghệ thuật diễn
thuyết trước công chúng sao cho trôi chảy, sinh động, trang nhã và đầy sức
thuyết phục, thể hiện sức mạnh biểu cảm được bộc lộ qua vẻ đẹp của ngôn ngữ, nhờ
đó mà thu hút và thuyết phục người nghe."
Theo Từ điển Tiếng Việt
của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2005 đã định nghĩa về hùng biện như sau : “
Hùng biện : Nói hay, nói giỏi, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục”.
Khi bào chữa để thuyết
phục được người nghe (Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, ....) thì luật sư không
những cần phải có lý lẽ chặt chẽ, sắc bén, tư duy logic và linh hoạt mà còn cần
phải có những kỹ năng bổ trợ khác. Những kỹ năng bổ trợ đó là giọng nói và
hình ảnh khi luật sư hùng biện để bào chữa cho thân chủ của mình. Về giọng
nói thì phải có các yếu tố như: Chất giọng tốt, nói phải có ngữ điệu, chất
giọng, tốc độ nói vừa phải, lúc nhanh, lúc chậm.. và về hình ảnh thì bao gồm những
gì mà người khác nhìn thấy như: Điệu bộ, nét mặt, ánh mắt, tay... thông
qua hình ảnh này tác động đến người nghe để truyền đạt thông tin hiệu quả nhất.
Và nhìn ra thế giới thì
chúng ta thấy rõ rằng các nhà hùng biện nổi tiếng thế giới như Franklin D. Roosevelt, Winston
Churchill, Joseph Stalin, Adolf Hitler,... và sau này có Fidel
Castro, Bill Clinton... Ngoài kiến thức uyên bác, giọng nói tốt còn có cử chỉ,
dáng điệu khi hùng biện thu hút hàng nghìn, hàng triệu người nghe. Trong đó
không thể thiếu những động tác "vung tay" khi hùng biện.
Và qua phim ảnh, sách
báo chúng ta cũng nhìn thấy hình ảnh các luật sư ở các nước theo mô hình tranh
tụng được quyền đi lại, vung tay, vung chân hoặc sử dụng nhiều điệu bộ khác nhau để
trình bày, diễn đạt luận cứ bào chữa của mình để thuyết phục bồi thẩm
đoàn.
Còn ở nước ta, hình ảnh
luật sư tại Tòa đã ít, hình ảnh luật sư có tài hùng biện điếm trên đầu ngón tay
như Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, ... Còn lại các luật sư
cũng cố gắng thể hiện khả năng hùng biện của mình khi xuất hiện trong các phiên
tòa. Nhưng đâu đó cũng có không ít luật sư chỉ biết đứng lên đọc bài bào chữa hoặc gửi bài bào
chữa là xong. Thế thì làm gì có hùng biện.
Và nay, với quyền điều
khiển phiên tòa của mình, Hội đồng xét xử còn hạn chế luật sư không được
"chém gió" khi bào chữa, thì đồng nghĩa với việc yêu cầu Luật sư
"đứng nghiêm" khi bào chữa. Lúc này không biết đang hùng biện hay
đang "chào cờ" để đọc bài cho Hội đồng xét xử nghe.
Để nâng tầm chất lượng
luật sư thì không thể thiếu việc nâng cao kỹ năng hùng biện cho họ, đặc biệt là
các luật sư trẻ. Nếu tình trạng "đóng khung" khi luật sư
bào chữa thì khó mà có luật sư giỏi. Lúc này nền tư pháp nước ta khó mà nâng cao chất lượng tranh tụng trong
vụ án hình sự như mong muốn của Đảng, Nhà nước đang cải cách.
Bài viết của Luật sư Nguyễn Đức Chánh
Văn phòng luật Hồ Chí Minh"
Trả lờiXóa