24 tháng 8, 2014

Sưu tầm bài viết: Kiện đòi lương, tính thời hiệu nào?

Tranh chấp xảy ra khi luật cũ đang còn hiệu lực nhưng tòa thụ lý vụ kiện sau khi có luật mới. Vậy áp dụng luật nào để tính thời hiệu khởi kiện?
Ông Ian Alexander Jenkins (quốc tịch Úc, thường trú Kuala Lumpur, Malaysia) và Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) ký nhiều hợp đồng lao động thời vụ. Theo đó, ông Jenkins làm chủ nhiệm dự án lô B Ô Môn, mức lương 1.500 USD/ngày (hơn 30.000 USD/tháng). Hai bên thỏa thuận nếu muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn thì người lao động phải báo trước tám tuần bằng văn bản, nếu vi phạm phải bồi thường một tháng lương.
Nghỉ việc, kiện đòi lương
Đến ngày 30-4-2012, hai bên hết hạn ba tháng hợp đồng lao động. Do không thống nhất được mức lương tiếp theo nên hai bên vẫn chưa ký tiếp hợp đồng nhưng ông Jenkins vẫn làm việc đến ngày 30-5. Đến ngày 31-5, ông nghỉ việc. Sau đó ông gửi văn bản yêu cầu PVE thanh toán lương tháng 5.
Ngày 27-11-2012, PVE cho rằng ông nghỉ việc trái luật nên từ chối yêu cầu của ông Jenkins, xem khoản tiền lương của ông là khoản ông phải bồi thường vì vi phạm hợp đồng. Không đồng ý, ông Jenkins đã khởi kiện đòi hơn 700 triệu đồng gồm tiền lương tháng 5 là 30.050 USD (hơn 630 triệu đồng) cộng với khoản tiền chậm thanh toán 11 tháng. Ngày 12-11-2013, TAND TP.HCM đã thụ lý đơn kiện của ông. Ngày 23-7-2014, xử sơ thẩm, tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Jenkins.
Áp dụng luật nào để tính thời hiệu?
Tại phiên tòa trên, có một vấn đề pháp lý đáng chú ý: Đại diện PVE cho rằng phải áp dụng BLLĐ 1994 (được sửa đổi bổ sung các năm 2002, 2006, 2007) để giải quyết vì tranh chấp lao động giữa hai bên xảy ra trước 1-5-2013 (ngày BLLĐ 2012 có hiệu lực).
Theo khoản 4 Điều 167 BLLĐ 1994, tính từ ngày ông Jenkins nghỉ việc đến ngày ông khởi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện (sáu tháng). Nếu tính ngày PVE ra văn bản từ chối yêu cầu trả lương của ông Jenkins (27-11-2012) là ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì đến ngày ông khởi kiện (14-6-2013) cũng đã hết thời hiệu sáu tháng. Hơn nữa, tại quyết định giải quyết khiếu nại của phía nguyên đơn trong quá trình giải quyết án trước đó, chánh án TAND TP.HCM cũng áp dụng Điều 165a BLLĐ 1994 để chấp nhận khiếu nại.
Trong khi đó, theo HĐXX thì vụ án còn thời hiệu khởi kiện “do tòa thụ lý đơn kiện sau 1-5-2013 nên thời hiệu khởi kiện để giải quyết vụ án được áp dụng theo BLLĐ mới, tức một năm từ khi có tranh chấp xảy ra”.
Cần có hướng dẫn
Nhận xét về mặt pháp lý, luật sư Trần Ngọc Quý và luật sư Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho biết trong trường hợp tranh chấp xảy ra khi luật cũ đang có hiệu lực nhưng tòa thụ lý vụ kiện sau khi có luật mới, cả BLLĐ 1994 lẫn BLLĐ 2012 đều không có quy định về việc áp dụng luật nào để giải quyết. Tuy nhiên, hai luật sư này cho rằng một nguyên tắc chung của pháp luật là tranh chấp xảy ra vào lúc nào thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực lúc đó để giải quyết. Tức ở vụ án trên, tranh chấp lao động xảy ra vào thời điểm BLLĐ 1994 đang có hiệu lực thì phải áp dụng bộ luật này để tính thời hiệu.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Việc hồi tố chỉ áp dụng trong luật hình sự, khi ấy việc áp dụng là có lợi cho bị can, bị cáo, còn trong các tranh chấp dân sự, lao động… thì không thể hồi tố vì nếu áp dụng sẽ có lợi cho đương sự này nhưng gây bất lợi cho đương sự kia. Trong trường hợp này, việc áp dụng thời hiệu theo BLLĐ 2012 có lợi cho nguyên đơn nhưng gây bất lợi cho bị đơn.
TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) lại cho rằng trường hợp này cần áp dụng BLLĐ 2012 để xác định thời hiệu vì có lợi cho người lao động.
TS Tiến phân tích: Điều 159 BLTTDS quy định thời hiệu khởi kiện được quy định trong luật nội dung, nếu luật nội dung không quy định thì mới áp dụng thời hiệu của BLTTDS. Như vậy thời hiệu khởi kiện tranh chấp lao động được quy định trong BLLĐ.
Ở đây, Điều 202 BLLĐ 2012 quy định thời hiệu yêu cầu tòa giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là một năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Điểm a khoản 2 Điều 240 BLLĐ 2012 quy định kể từ ngày bộ luật này có hiệu lực thi hành thì các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, những thỏa thuận hợp pháp khác đã giao kết và những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của bộ luật này được tiếp tục thực hiện; những thỏa thuận không phù hợp với quy định của bộ luật phải được sửa đổi, bổ sung… “Rõ ràng luật mới đã bảo vệ quyền của người lao động hơn so với luật cũ nên tòa áp dụng luật mới để xác định thời hiệu khởi kiện là đúng” - TS Tiến nói.
Tuy nhiên, TS Tiến cũng nhìn nhận vấn đề này chưa được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Để áp dụng thống nhất thì TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể.
PHƯƠNG LOAN
PVE phải thanh toán 567 triệu đồng
Tại phiên tòa sơ thẩm, phía nguyên đơn chỉ yêu cầu PVE thanh toán khoảng 567 triệu đồng. HĐXX ghi nhận và buộc PVE có trách nhiệm thanh toán số tiền trên. Theo HĐXX, hợp đồng lao động giữa hai bên vô hiệu vì ông Jenkins vào làm việc tại Việt Nam và ký hợp đồng lao động nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động. Còn lý do không trả lương PVE đưa ra là phạt vì nguyên đơn gây thiệt hại là không phù hợp vì công ty không chứng minh được thiệt hại mà nguyên đơn gây ra.
HOÀNG YẾN
Lý giải của thẩm phán
Tuy hành vi mà ông Jenkins cho rằng quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm xảy ra khi BLLĐ cũ đang còn hiệu lực nhưng khi ông nộp đơn kiện và tòa thụ lý thì lại thuộc thời điểm luật mới có hiệu lực. Nguyên tắc áp dụng pháp luật là vấn đề nào có lợi cho người lao động thì phát huy. Luật cũ có quy định nào có lợi cho người lao động thì mới áp dụng, còn không thì phải áp dụng những điều luật mới để giải quyết. Khi tòa thụ lý vụ án, luật cũ không còn hiệu lực thì phải áp dụng luật mới vì lúc này luật cũ không còn giá trị nữa.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm


Nguồn: plo.vn

Sưu tầm bài viết: ĐH Tôn Đức Thắng đề nghị khởi tố hình sự GS Nguyễn Đăng Hưng

Không chỉ kiện Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng ra TAND quận 9 (TPHCM), Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục tố cáo giáo sư này đến cơ quan cảnh sát điều tra công an quận 7, TPHCM và đề nghị khởi tố hình sự.

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Bảo (SN 1972, ngụ P.Tân Phong, Q.7, TPHCM) đứng đơn tố cáo Giáo sư (GS) Nguyễn Đăng Hưng đến cơ quan CSĐT công an quận 7.
Đơn tố cáo GS Nguyễn Đăng Hưng của ĐH Tôn Đức Thắng
Đơn tố cáo GS Nguyễn Đăng Hưng của ĐH Tôn Đức Thắng.
 
Trong đơn tố cáo, ông Bảo cho biết, căn cứ hợp đồng làm việc được ký giữa ĐH Tôn Đức Thắng và GS Hưng thì GS phải có trách nhiệm xây dựng một tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, GS Hưng đã bế tắc trong công việc này và trợ lý của ông là TS Lê Văn Út đã thuyết phục được nhà xuất bản (NXB) Springer cho ra tạp chí APJCEN.
 
Sau khi tạp chí ra đời, GS Hưng phủ nhận vai trò sáng lập của ĐH Tôn Đức Thắng, tự ý thỏa thuận để NXB Springer và Ban biên tập là nhà sáng lập song hành, Springer là chủ tạp chí.
Khi hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng yêu cầu trả tạp chí về đúng nghĩa như ban đầu trong đề án thì không được GS Hưng chấp thuận. Từ những email qua lại, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng GS Hưng đã có hành vi bịa đặt, phát tán các thông tin sai lệch, có tính vu khống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của trường cũng như lãnh đạo. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng hành vi này của GS Hưng đã đủ yếu tố cấu thành tội vu khống được quy định Điều 122, Bộ luật Hình sự.
Cũng liên quan đến tạp chí APJCEN, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tố cáo GS Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, người đại diện pháp luật của ĐH Tôn Đức Thắng đề nghị Công an quận 7, TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với GS Nguyễn Đăng Hưng về các hành vi vu khống cá nhân, bôi nhọ uy tín cơ quan và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giấy mời của điều tra viên quận 7 gửi GS Nguyễn Đăng Hưng
Giấy mời của điều tra viên quận 7 gửi GS Nguyễn Đăng Hưng.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng xác thực nội dung đơn tố cáo GS Hưng đến công an quận 7. Trong khi đó, GS Hưng cũng xác nhận, không chỉ bị trường này khởi kiện ra TAND quận 9 mà cũng có giấy mời của điều tra viên Cơ quan CSĐT công an quận 7.
“Vì chỉ nhận được giấy mời để làm rõ nội dung đơn tố cáo nên tôi không biết họ (Trường ĐH Tôn Đức Thắng - PV) tố cáo những gì. Vừa rồi, ngày 15/8, điều tra viên mời tôi đến làm việc nhưng sức khỏe không tốt nên tôi không đi. Tôi mới nhận giấy mời lần 2 vào ngày 21/8 tới. Tôi rất bất ngờ trước cách hình sự hóa vấn đề của trường đại học này”, GS Hưng nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) đã chia sẻ với PVDân trí quan điểm về việc “hình sự hóa” khi ĐH Tôn Đức Thắng tố cáo, yêu cầu khởi tố hình sự GS Nguyễn Đăng Hưng. Theo luật sư Chánh, việc trường ĐH Tôn Đức Thắng làm đơn tố cáo, đề nghị Công an quận 7 khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với GS Nguyễn Đăng Hưng là chưa đúng về thẩm quyền. Vì người bị tố cáo, đề nghị là GS Nguyễn Đăng Hưng hiện có quốc tịch vương quốc Bỉ. Theo quy định thì thẩm quyền điều tra vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thuộc về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố. Mặt khác, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự thuộc nơi xảy ra tội phạm, trong trường hợp này phải xác định hành vi vu khống, bôi nhọ uy tín cơ quan và lừa đảo mà như Trường ĐH Tôn Đức Thắng tố cáo GS Nguyễn Đăng Hưng xảy ra ở đâu? Có thuộc địa bàn Quận 7 hay không? Để từ đó, việc xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết cho đúng với quy định pháp luật.
Công Quang
Nguồn: dantri.com.vn

Sưu tầm bài viết: TAND tỉnh Cà Mau sẽ xử... chính mình !

Phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau Trần Trọng Hữu hôm qua (19.8) xác nhận TAND tỉnh này sẽ đưa vụ án dân sự đòi bồi thường oan sai trên 1,2 tỉ đồng ra xét xử phúc thẩm vào tuần tới; trong đó chính TAND tỉnh Cà Mau là bị đơn.

 
Bà Minh tỏ thái độ mệt mỏi khi nhắc đến vụ kiện - Ảnh: Gia Bách
Theo hồ sơ, bà Nguyễn Ánh Minh (nguyên cán bộ Agribank H.Thới Bình, Cà Mau) vay tiền của nhiều người để cho ông Phạm Chí Nguyện (đồng nghiệp tại cơ quan) vay lại hưởng chênh lệch. Khi ông Nguyện bỏ trốn, bà Minh cũng vỡ nợ và bị Cơ quan CSĐT - Công an H.Thới Bình khởi tố, bắt tạm giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó vụ án được chuyển lên cơ quan điều tra cấp tỉnh và bà Minh được Viện KSND tỉnh chuyển tội danh, truy tố ra tòa để xét xử về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 19.10.2007, TAND tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Minh 15 năm tù về tội danh trên.
Không đồng tình với bản án, bà Minh kháng cáo lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25.2.2008, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án của TAND tỉnh Cà Mau để điều tra lại. Đến ngày 24.2.2010, Viện KSND tỉnh Cà Mau ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Minh vì xác định việc bà Minh vay nợ 22 người chỉ là quan hệ dân sự. Bà Minh nhận nợ và không trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nên không cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Sau khi có quyết định đình chỉ điều tra, bà Minh gửi đơn yêu cầu TAND tỉnh Cà Mau phải bồi thường thiệt hại vì kết án oan. Đến tháng 7.2013, TAND tỉnh Cà Mau ra quyết định bồi thường cho bà Minh hơn 364 triệu đồng. Cho rằng số tiền bồi thường này quá thấp so với những tổn thất tinh thần, thiệt hại về tài sản mà mình phải chịu suốt hơn 4 năm trong vòng tố tụng, trong đó hơn 18 tháng bị tạm giam, bà Minh khởi kiện TAND tỉnh Cà Mau ra TAND TP.Cà Mau đòi bồi thường 1,6 tỉ đồng.
Ngày 28.3.2014, TAND TP.Cà Mau đưa ra xét xử vụ kiện mà TAND tỉnh Cà Mau là bị đơn. Tại phiên tòa này, bà Minh đã thay đổi yêu cầu khởi kiện, giảm xuống đòi TAND tỉnh Cà Mau bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, TAND TP.Cà Mau chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà Minh, tuyên buộc TAND tỉnh Cà Mau bồi thường cho bà hơn 386 triệu đồng. Bản án cũng tuyên buộc TAND tỉnh Cà Mau phải tổ chức công khai xin lỗi bà Minh tại địa phương nơi bà cư trú. Không đồng ý với bản án này, bà Minh kháng cáo.
Chiều 19.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Minh cho biết: “Sau khi tại ngoại, tôi đi giám định sức khỏe thì kết quả là tôi mất sức lao động tới 75%, nhiều tài sản tiền tỉ bị thất thoát, bị mất việc ở ngân hàng. Đau lòng hơn, cha tôi hay tin tôi bị bắt đã bị đột quỵ và mất trong thời gian tôi ở tù. Hiện sức khỏe tôi rất tệ, phải nằm viện thường xuyên, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tôi đã quá mệt mỏi, chỉ mong mọi việc sớm kết thúc”.

Liệu có đảm bảo tính khách quan ?
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng theo khoản 1 điều 23 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì việc TAND TP.Cà Mau xét xử sơ thẩm vụ án trên là đúng quy định pháp luật. Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, bà Minh không đồng tình và kháng cáo bản án sơ thẩm nên thẩm quyền giải quyết phúc thẩm là TAND tỉnh Cà Mau. “Về chuyện nghi ngại rằng TAND tỉnh Cà Mau sẽ xét xử chính mình trong phiên tòa phúc thẩm sẽ không khách quan, việc này cũng dễ hiểu nhưng chỉ cần áp dụng đúng nguyên tắc “thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” theo điều 12 của bộ luật Tố tụng dân sự, thì việc giải quyết vụ án sẽ khách quan, công bằng cho dù bị đơn là ai. Còn một khi nguyên tắc trên vì lý do nào đó mà bị vi phạm thì rõ ràng việc giải quyết vụ án sẽ không khách quan và công bằng”, ông Chánh nói.
Hương Giang
Gia Bách
Nguồn: thanhnien.com.vn

16 tháng 8, 2014

Đòi công lý và an toàn cho cháu bị chém

Cháu bé đang ở trong môi trường không an toàn khi người chém cháu đến nứt sọ não chỉ sau một ngày tạm giam đã về ở chung nhà. Bất bình, nhiều tiểu thương đã nghĩ ra các cách, thậm chí bỏ cả công ăn việc làm để đi kêu cứu khắp nơi tìm sự an toàn cho cháu.
Sau khi Pháp luật TP.HCM thông tin bé N. bị “cha dượng” chém nứt sọ vào ngày 5-8, cán bộ bảo vệ và chăm sóc trẻ em TP.HCM phối hợp cùng UBND huyện Bình Chánh đã xuống thăm hỏi cháu N., đồng thời làm việc với ông Kh. Tổ công tác đã đề nghị cơ quan chức năng địa phương sớm có biện pháp giao hai cháu bé cho ông Kh. nuôi dưỡng để bảo vệ an toàn cho hai cháu. Ít ai biết đằng sau những động thái tích cực đó là nhờ rất nhiều tấm lòng của bà con tiểu thương chợ Hưng Long đã che chở, bảo vệ cho cháu N.
Chừng nào ông Sang chưa bị pháp luật xử lý là chúng tôi còn lo lắng, hoang mang cho con bé”; “Ở với Sang không biết con nhỏ sống chết ngày nào”… Đó là lo lắng của những người dân sống và buôn bán ở khu vực chợ Hưng Long (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) sau khi cháu N. bị “cha dượng” chém nứt sọ và hiện cháu vẫn phải ở với mẹ và “cha dượng”. Bỏ cả công ăn việc làm, bỏ cả việc buôn bán, suốt trong những ngày qua, nhiều tiểu thương đã tự nguyện góp tiền bạc, đứng ra giúp đỡ làm đơn, chở cha ruột của cháu bé ngược xuôi đến gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu rốt ráo xử lý đúng người, đúng tội, sớm trả lại công bằng và sự an toàn cho cháu N.
Tâm lý cháu bé thất thường
Ông N.M.Kh. và bà K. kết hôn và sinh được hai cháu N. (15 tuổi), G. (13 tuổi). Năm 2011, vợ chồng ông Kh. nhận Đoàn Thanh Sang (SN 1982, ngụ Long An) vào làm công ở lò bánh mì tại chợ Hưng Long. Ít lâu sau bà K. đòi ly dị với ông Kh. để sống chung với Sang, ông Kh. buộc phải chấp nhận và tòa tuyên bà K. nuôi dưỡng hai con. Ngày 20-7-2014, sau khi đi nhậu về giữa Sang và bà K. xảy ra cãi nhau, Sang cầm dao chém hai nhát vào đầu và tay bà K. Cháu N. đến can ngăn thì bị Sang chém nhiều nhát vào đầu và lưng N. Sang định tiếp tục truy sát bé G. nhưng cháu được người dân cùng khu trọ cứu vào trong nhà nên thoát thân. Sau đó cảnh sát 113 đã đến bắt giữ Sang bàn giao công an địa phương. Tuy nhiên, sau khi bị tạm giữ một ngày thì Sang được thả ra.
Dù chém vào đầu bà K., chém cháu N. đến nứt sọ nhưng gần một tháng qua “cha dượng” Sang vẫn được sống cùng chị em cháu N. Ảnh: HT
Điều trị hơn 10 ngày, cháu N. được xuất viện trong tình trạng vết thương ở đầu dài 10 cm, gây nứt sọ, cùng hai vết thương ở lưng… Điều ngạc nhiên là cháu lại được mẹ cho tiếp tục ở cùng “cha dượng”, kẻ đã chém cháu dã man. Chính vì lo lắng cho hai cháu bé nên bất chấp sự ngăn cản của bà K., sự lo lắng khi phải đối mặt với Sang, nhiều hàng xóm, tiểu thương vẫn thường xuyên ghé qua thăm hỏi cháu N. và tìm cách giúp cháu có cuộc sống tốt nhất có thể.
Chị T., một tiểu thương nói cháu N. trước đây rất khó tính, hỏi gì chỉ gật đầu, kiệm lời nhưng từ hôm xảy ra việc đến nay, chị qua thăm thì cháu cứ cười ngất, khoanh tay cúi đầu sát đất để chào. “Cháu còn nói với tôi con vô máu gì mà không biết sao con ngủ không được, rồi con cười hoài à”. Còn người trong cuộc, bà K. đã làm đơn bãi nại cho Sang, từ chối giám định thương tích của chính mình và từ chối luôn giám định thương tích cho con. Bà lý giải cho điều này là: “Mọi việc xui rủi cho qua, còn sống là tốt rồi…”.
Bỏ công ăn việc làm giúp đòi lại công bằng
Phẫn nộ trước việc bà K. làm đơn bãi nại, từ chối giám định thương tích của con để mong người tình được thoát tội, anh bán trái cây tên X. cùng những tiểu thương chợ Hưng Long đã tìm đến hướng dẫn cha của cháu bé đi đòi công lý. Anh X. tâm sự: “Tôi biết ông Kh. rất hiền, một chữ bẻ đôi không biết và gần như bất lực, buông xuôi hết mọi chuyện. Nếu anh Kh. không làm đơn đề nghị giám định thương tích cho con thì khả năng Sang sẽ thoát tội. Do đó cả tuần nay tôi bỏ luôn việc buôn bán, kệ vợ con ở nhà tự lo cho nhau, nghỉ bán không có tiền thì đói tôi cũng chịu chứ tôi không yên tâm khi đứa bé còn trong tình trạng nguy hiểm như vậy”. Anh X. đã tự nguyện chở ông Kh. đi khắp nơi kêu cứu suốt từ ngày xảy ra sự việc đến nay. Người bán trái cây này đã gọi điện thoại đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em của Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác xã hội (Codes) để kêu cứu.
Sau khi bị chém ở đầu, cháu N. rất dễ bị kích động, lại còn phải tiếp tục sống với “cha dượng” trong môi trường phức tạp. Cháu còn bị mẹ thường xuyên lớn tiếng mắng chửi. Những lúc như thế chủ nhà trọ lại xót xa vào cuộc can thiệp.
Còn chị H., bán hàng ăn gần lò bánh mì của bà K. bày tỏ chị vừa tức vì kẻ gây án vẫn nhởn nhơ, vừa lo lắng cho sự an toàn tính mạng của hai cháu đến mất ăn mất ngủ. “Ngày nào tôi cũng ghé qua thăm cháu, thấy cử chỉ cháu khác trước dữ lắm… Tôi là người ngoài thấy còn phải rơi nước mắt. Ai đời người mẹ nào mà đối xử với con mình như vậy, hằng ngày thấy bà K. vẫn ôm ấp, cười giỡn với Sang mà tôi tức lộn ruột” - chị H. nói. Chính chị H. là người cầm đơn đi đến từng tiểu thương trong chợ vận động ký tên yêu cầu công an đưa cháu N. đi giám định để có cơ sở khởi tố Sang. “Hễ vắng khách lúc nào là tôi đi, tôi đưa đơn đến đâu bà con cũng đồng ý ký đến đó. Thậm chí bà con nói lúc nào anh Kh. cần thì mọi người sẽ hùn tiền để đi đòi công lý. Cô bán rau, chị bán cá nói dù mình có nghèo cũng phải hùn một, hai trăm để lo cho con bé”. Kết quả là trước đơn yêu cầu giám định thương tích của anh Kh. cùng sự ủng hộ của hàng chục tiểu thương, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đã đưa cháu N. đi giám định thương tích.
Qua xem xét giấy chứng nhận thương tích của N., một bác sĩ của Trung tâm Giám định pháp y Đồng Nai nhận định tỉ lệ thương tích của cháu N. khoảng 16%-20%. Tuy nhiên, trước một số biểu hiện khác lạ của cháu, nếu giám định về mặt tâm thần phát hiện cháu bị bệnh gì sau chấn thương thì tỉ lệ thương tích có thể cao hơn rất nhiều.
Nước mắt người cha
Nói về tấm lòng che chở của bà con tiểu thương dành cho con gái mình, ông Kh. đã nhiều lần rớm nước mắt. Ông nói: “Nuôi con từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng đánh cháu cái nào, hôm ở công an cháu nói cha ơi tóc con hư rồi (vì thương tích ở đầu nên phải cắt tóc - NV), tôi phải bước vội ra ngoài để lau nước mắt, thường ngày mái tóc con tôi dài quá lưng, mỗi lần đi cắt tóc cháu đều hỏi ý kiến tôi… Tôi nói với con thậm chí cha phải bán hết gia sản để lo cho con, miễn sao con được sống trong êm ấm, được đi học lại bình thường thì cha cũng cam tâm. Nhưng tôi rối trí quá, không biết phải bảo vệ con bé bằng cách nào. May nhờ còn có bà con ở chợ chung tay giúp. Tôi quá cảm động vì họ coi nó như con”. Ông tha thiết bày tỏ mong muốn giành lại quyền được nuôi hai con để chăm lo cho các con tốt hơn.
MAI KHUÊ

Có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con
Việc bà K. có hành vi ngăn cản việc giám định tỉ lệ thương tật cho cháu N. để cơ quan tiến hành tố tụng xử lý hành vi của Sang đã cho thấy người mẹ không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho con mình… Đây là những căn cứ để cha các cháu khởi kiện tại tòa án nơi cư trú của bà K. để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Tôi tin rằng với lý do nêu trên, tòa án sẽ căn cứ theo Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cha các cháu.
Hành vi của Sang dùng dao chém liên tiếp vào đầu và lưng khiến cháu N. gục ngã tại chỗ. Theo giấy chứng nhận thương tích số 979/YC-BVCR ngày 1-8-2014 của BV Chợ Rẫy thì tình trạng thương tích của cháu Nlà: “Vết thương đính chẩm phải khoảng 10 cm; nứt sọ não, tụ máu ngoài màng cứng trán đính phải, tụ khí nội sọ…” và các vết thương ở vùng lưng trái, lưng phải. Như vậy, với hành vi dùng hung khí chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể cháu N. (vùng đầu)… làm cháu bị nứt sọ và trước đó là hành vi chém vào vùng đầu, vào tay của bà K. thì có cơ sở để khởi tố Sang về hành vi giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
Lần đầu tiên trong hoạt động đường dây nóng, tôi mới thấy tình người được sưởi lên trong không gian đô thị quanh câu chuyện này. Những người buôn bán hằng ngày tưởng là đối tượng thiếu thốn thông tin thì chính họ lại tìm đến đường dây nóng của chúng tôi để cầu cứu. Trong một buổi sáng mà đã có đến gần 20 tiểu thương gọi đến lo lắng cho đứa bé. Khi có thông tin, được sự cho phép của bố nạn nhân, tôi đã chia sẻ thông tin nhờ Pháp Luật TP.HCM can thiệp gấp. Báo đã nhanh chóng kết nối để đưa vụ việc ra công luận nên bà con rất mừng vì họ bất bình trước sự nhởn nhơ của kẻ phạm pháp và lo cho môi trường sống của đứa trẻ không an toàn. Họ mong đợi một kết quả tốt cho đứa trẻ, sớm xử lý người gây ra cái ác.
Ông LÊ THẾ NHÂN, Giám đốc Trung tâm Codes
Ng
Nguồn:plo.vn

8 tháng 8, 2014

Mong có phép màu để con thoát tội chết: Án xử không sai nhưng quá nghiêm khắc

Có thật sự cần thiết phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi xã hội không trong khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chứng tỏ còn có thể cải tạo, giáo dục được?
Trên số báo hôm qua (4-8), chúng tôi đã đăng bài viết “Mong có phép màu để con thoát tội chết” phản ánh chuyện mẹ của tử tù Nguyễn Quốc Trung đang phập phồng vì con mình có thể bị thi hành án tử bất cứ lúc nào. Bà đã được mời lên làm thủ tục để nhận xác con, đồng nghĩa với đơn xin ân xá tội chết của Trung đã bị Chủ tịch nước bác bỏ. Bà đã gửi thư đến Chủ tịch nước để xin tha tội chết cho con mình và đang ngày đêm cầu trời khấn Phật mong có phép màu đến với con bà…
Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc thắc mắc tử tù Trung phạm tội thế nào, có thật sự đáng bị loại vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội hay không… Đặc biệt, có chuyên gia pháp luật phát hiện ra Trung có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chứng tỏ tử tù không hoàn toàn mất nhân tính hay tàn ác mà còn có thể cải tạo được. Từ đó, họ trăn trở liệu có thể nào có một kết cục nhân đạo hơn chăng…
Gây án từ chuyện không đâu
Bản án sơ thẩm ngày 21-4-2011 của TAND TP.HCM xác định chiều 9-1-2010, bị cáo Trung nhậu với bạn cùng làm nghề phụ hồ với mình tại đường Nhất Chi Mai, quận Tân Bình, TP.HCM. Đến 21 giờ, Lê Quang Kiệt đi về trước, trên đường về xảy ra va chạm với anh PTD. Kiệt đem chuyện trên kể lại cho Phạm Xuân Ân nghe rồi cả hai đi kiếm anh D. để trả thù. Trong khi đi tìm anh D., Ân gặp anh PVC (em ruột anh D.), hai bên sinh cự cãi.
Cùng lúc đó, cuộc nhậu của bị cáo Trung cũng tan, Trung về lại công trình xây dựng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Tại đây, Kiệt kể lại việc va chạm rồi rủ Trung đi tìm anh D. để đánh. Cả hai đến nhà anh D. khi Ân đang cãi nhau với anh C. Lúc này, anh D. từ trong nhà bước ra. Cự cãi qua lại, Ân đánh vào mặt anh D. nên anh D. lấy côn nhị khúc ra đánh lại Ân. Trong lúc đó, bị cáo Trung, Kiệt cũng xông vào đánh nhau tay không với anh C.
Trong lúc đánh nhau, bị cáo Trung rút con dao xếp trong túi quần ra đâm anh D. một nhát trúng hông. Trong lúc giằng co, anh C. kéo áo Trung làm cả hai cùng té ngã xuống đường, Trung nằm phía trên đã dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực và bụng anh C. Cùng lúc, Kiệt dùng cây gỗ tròn đánh nhiều cái vào người anh C., Ân chạy đến đá anh C. Sau khi gây án, cả nhóm quăng hung khí bỏ chạy, Trung về nơi ở nhờ chủ nhà đưa ra công an đầu thú, chủ nhà đã nhờ người gọi công an đến.

Hai người anh bị khuyết tật (bên trái) và mẹ bị cáo Trung (thứ hai, bên phải) đang nhờ Văn phòng luật sư Người Nghèo giúp đỡ. Ảnh: ĐT
Kết quả điều tra ban đầu xác định cả Ân và Kiệt đều không biết Trung đã dùng dao đâm anh C. nên cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự Ân và Kiệt về tội gây rối trật tự công cộng.
Kết quả giám định kết luận anh C. tử vong do sốc mất máu cấp do đa vết thương đâm, anh D. thương tật vĩnh viễn 1%. Bản thân bị cáo Trung cũng mang thương tật 3% vĩnh viễn.
Dựa trên kết quả điều tra, đầu năm 2011, VKSND TP.HCM đã ra cáo trạng truy tố Trung về hai tội giết người và cố ý gây thương tích.
Bị cáo đã nhờ người giúp để đầu thú
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21-4-2011, TAND TP.HCM nhận định giữa bị cáo Trung và người bị hại không có mâu thuẫn, chỉ vì bênh bạn mà bị cáo đã dùng dao đâm chết một người, đâm bị thương một người. Theo tòa, nạn nhân trong tư thế nằm dưới, chỉ dùng tay không, bị cáo nằm phía trên và hai người đánh một người. Hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, tình tiết định khung được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS. Mặt khác, nạn nhân thất thế nằm dưới, bị cáo dùng dao đâm nhiều nhát vào phần bụng, ngực là những vùng trọng yếu nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Điều đó thể hiện bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e Điều 48 BLHS. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đó là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 20-7-2011, luật sư bào chữa (chỉ định) cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ là bị cáo tự thú. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng hồ sơ thể hiện sau khi gây án bị cáo bị công an bắt nên không chấp nhận đề nghị của luật sư. Từ đó, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm đúng pháp luật, hình phạt đưa ra là tương xứng, trong khi bị cáo Trung không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên giữ nguyên án sơ thẩm.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Bá Duy, chủ nhà nơi bị cáo Trung ở, nói chính Trung đã nhờ ông đưa ra công an để đầu thú. “Thằng Trung chạy về nói với tôi là đánh nhau làm chết người và nhờ tôi đưa ra công an để đầu thú. Tôi không biết cách làm nên gọi cho ông thầu công trình nơi Trung làm việc nhờ gọi công an đến. Sau đó, công an đến nhà tôi và đưa Trung đi” - ông Duy khẳng định.
Đúng tội nhưng liệu có quá nặng?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét tòa tuyên bị cáo Trung phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo Trung trong trường hợp này dường như quá nặng.
Theo luật sư, sau khi phạm tội, bị cáo đã nhờ người quen giúp ra đầu thú. “Tuy Trung không đến cơ quan có thẩm quyền để trình diện nhưng thực tế cơ quan công an biết nơi Trung đang ở là do Trung yêu cầu người thân đưa ra đầu thú và người thân đã gọi cho công an. Vì vậy, việc cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ đầu thú là hoàn toàn đúng luật” - luật sư Chánh nói.
Mặt khác, luật sư cho rằng hành vi tước đoạt mạng sống nạn nhân của bị cáo xảy ra trong khi bị cáo đánh nhau với nạn nhân. Bản thân Trung không có dự mưu từ trước, hành vi theo luật thì đúng là côn đồ nhưng xét trong hoàn cảnh phạm tội lại mang tính bột phát, nhất thời. Ngoài tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo còn là lao động chính trong gia đình, gia đình bị cáo rất khó khăn, có hai người anh bị câm điếc bẩm sinh, bị cáo có trình độ văn hóa thấp… Đây hoàn toàn có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thứ ba.
“Tử hình là hình phạt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đã mất hết nhân tính, tàn bạo, không thể cải tạo, giáo dục được nữa. Trong khi đó, nhiều tình tiết chứng tỏ bị cáo Trung vẫn còn khả năng cải tạo, giáo dục được. Tôi cho rằng hình phạt chung thân cũng đủ nghiêm khắc đối với bị cáo, đủ sức răn đe, giáo dục chung” - luật sư Chánh trăn trở.
ĐỨC TRÍ

Hình phạt quá nghiêm khắc!
Hình phạt tử hình được áp dụng đối với bị cáo Nguyễn Quốc Trung trong vụ án này là quá nghiêm khắc so với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của bị cáo.
Tử hình chỉ áp dụng đối với người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện tính nguy hiểm cao độ và người phạm tội không còn khả năng cải tạo, giáo dục. Sự tồn tại của người phạm tội trong trường hợp này là một mối nguy hại cho xã hội nên việc áp dụng hình phạt tử hình là sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất để triệt tiêu khả năng phạm tội mới của người phạm tội, bảo vệ trật tự và sự phát triển chung của xã hội.
Tuy nhiên, hành vi của bị cáo Trung trong vụ án này chưa thể hiện một cách rõ ràng rằng bị cáo đã không còn có khả năng cải tạo, giáo dục được nữa. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã thể hiện rõ sự ăn năn hối cải về hành vi của mình nên đã nhờ người đưa mình đi đầu thú, sau đó là thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội. Đồng thời, bị cáo đã không có hành động khác nhằm trốn tránh tội phạm do mình thực hiện.
Cạnh đó, bị cáo chỉ bị áp dụng duy nhất tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng. Tuy vậy, việc áp dụng tình tiết này có phần chưa hợp lý. Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng được hiểu là việc người phạm tội quyết tâm thực hiện ý định phạm tội của mình mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Để áp dụng tình tiết này, đòi hỏi hành vi phạm tội của bị cáo phải bị người khác can ngăn hoặc cản trở nhưng bị cáo vẫn cố tình loại bỏ đi sự can ngăn, cản trở đó để thực hiện bằng được tội phạm. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi giết người trong vụ án này, bị cáo không bị can ngăn, cản trở nào nên việc cho rằng bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng là không hợp lý.
ThS TRẦN THANH THẢO
giảng viên Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM

Nguồn: plo.vn