29 tháng 5, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Vụ tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân Việt Nam: Có thể khởi tố vụ án giết người

Các vụ tàu Trung Quốc đâm phá tàu ngư dân Việt Nam gần đây đã gây thiệt hại về người và tài sản. Theo các chuyên gia pháp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, xử lý theo pháp luật Việt Nam.



Ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên, thuyền viên tàu cá ĐNa 90152 bị thương tích đầy mình do tàu Trung Quốc gây ra - Ảnh: Phạm Văn
Hàng loạt tàu cá ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm
Các diễn biến liên tiếp gần đây cho thấy có nhiều tàu cá của Viêt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm gây thiệt hại.
Cụ thể, chiều 26.5, tàu cá ĐNa 90152 của vợ chồng anh Trần Văn Vốn (39 tuổi) và chị Huỳnh Thị Như Hoa (37 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) làm chủ đang hành nghề tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu cá của Trung Quốc số 11209 đâm trực diện, khiến tàu bị vỡ và chìm.

10 ngư dân tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm được tàu của lực lượng kiểm ngư chở vào đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào chiều 29.5 - Ảnh: Phạm Văn
Vị trí tàu cá Đna - 90152 bị đâm chìm ở khu vực nam tây nam giàn khoan Hải Dương-981, cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 10 ngư dân trên tàu đã được các tàu cá của Việt Nam kịp thời cứu vớt và cứu hộ an toàn, trong đó có 2 ngư dân bị thương. Tuy nhiên, tàu bị chìm nên toàn bộ số cá đánh được và ngư cụ trên tàu cũng bị chìm theo, ước tính thiệt hại khoảng 5 - 6 tỉ đồng.
Đây không phải vụ duy nhất mà tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm. Trước đó, ngày 7.5, một tàu cá của Quảng Ngãi cũng bị tàu Trung Quốc số hiệu 1241 bắn đạn lửa; dùng vòi rồng phun nước; dùng búa, chai lọ, bu lông ném sang tàu; dùng câu liêm cắt đứt dây và hệ thống liên lạc, định vị. Sau đó, 1 tàu ngư chính Trung Quốc đâm thẳng vào tàu gây vỡ mạn phải và toàn bộ kính ca bin, hỏng nhiều thiết bị và tài sản trên tàu. Thiệt hại ước tính khoảng 890 triệu đồng.
Vào các ngày 16.5 và 17.5 tàu Trung Quốc cũng đâm các tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi. Vào ngày 16.5, lực lượng Trung Quốc đã lên tàu cá đập phá hầu hết tài sản trên tàu, đánh và gây thương tích nặng đối với hai ngư dân Việt Nam.
Có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra
Liên quan đến vụ việc này nhiều ngư dân cho rằng Trung Quốc phải bồi thường khi nước này làm thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên không chỉ là bồi thường mà theo nhiều chuyên gia vụ việc đã có dấu hiệu hình sự.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định nhữn vụ việc vi phạm nêu trên xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nên Việt Nam có quyền tài phán. Cũng như các nước khác, tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của quốc gia đó là họ có quyền bắt giữ chứ không cần phải xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Trong vụ việc các tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân Việt Nam, luật sư Hà Hải cho rằng các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và nếu phát hiện ra các tàu thuyền dân sự khác xâm hại quyền lợi của công dân Việt Nam thì có quyền xử lý, ngăn chặn, thậm chí bắt giữ.
Việc tàu Trung Quốc đâm tàu của ngư dân Việt Nam, luật sư Hà Hải phân tích: "Nếu họ cố tình đâm vào tàu cá Việt Nam gây ra nguy cơ chết người, chìm tàu thiệt hại tài sản là đã vi phạm Luật Hình sự của Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền bắt giữ và khởi tố vụ án để điều tra, xử lý”.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm, rõ ràng các tàu cá và ngư dân Việt Nam đều đang đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành vi của các cá nhân là thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân Việt Nam và vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng biển Việt Nam.
Hành vi này là vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, được quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam. Theo đó, hành vi của những người này đã có dấu hiệu của tội giết người (theo Điều 93, Bộ luật Hình sự), tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo theo Điều 143, Bộ luật Hình sự và tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo Điều 172, Bộ luật Hình sự.
Trước đây, liên ngành: TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Nội vụ có ban hành Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/06/1992 hướng dẫn xử lý một số hành vi xâm phạm đến việc quản lý thị trường ở vùng biên giới Việt - Trung, trong đó có tội "vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong lòng đất, trong các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam” theo Điều 172, Bộ luật Hình sự.
Theo đó, những tổ chức của Trung Quốc và cá nhân là người sinh sống ở Trung Quốc, nếu có hành vi khai thác trái phép hải sản và các tài nguyên khác trong nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của Việt Nam, thì phải bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Trong trường hợp những người vi phạm không thuộc một trong trong các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5, Bộ luật Hình sự và phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ thì khởi tố, truy tố, xét xử về tội "vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong lòng đất, trong các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam”.
Cũng theo luật sư Chánh, với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi tố vụ án để điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam.
Ngoài ra, Tòa án Việt Nam có quyền buộc chủ tàu Trung Quốc và người thực hiện hành vi phạm tội bồi thường cho chủ tàu, ngư dân Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam.
"Họ mặc cho chúng tôi vùng vẫy, kêu la giữa dòng nước dữ"
Sau hải trình kéo dài nhiều ngày, lúc 15 giờ ngày 29.5, tàu VT 57 của lực lượng kiểm ngư đã lai dắt tàu cá ĐNa 90152 cùng 10 ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa về đảo Lý Sơn.

Một ngư dân trên tàu cá ĐNa 90152 được chào đón khi về đến bờ - Ảnh: Phạm Văn
Vừa cập đảo Lý Sơn, 10 ngư dân bị nạn vui mừng trước sự chào đón của chính quyền và người dân địa phương. Trong số 10 ngư dân bị nạn, ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên (thuyền viên đi trên tàu cá ĐNa 90152) bị thương nặng nhất.
Ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên, kể lại: Chiều 26.5, khi tàu cá ĐNa 90152 đang thả lưới để đánh bắt hải sản phía nam đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì 4 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc hung hăng rượt đuổi. Thấy tình hình căng thẳng, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90152 đã cho tàu vòng tránh.
Sau hơn một giờ quần thảo, lại xuất hiện thêm 3 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc chạy phía trước cản phá. Bất ngờ tàu cá số hiệu 11209 của Trung Quốc chuyển hưởng tăng tốc đâm trực diện vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Cú đâm mạnh, bất ngờ đã khiến đuôi bánh lái tàu cá rách toạc. Không dừng lại ở đó, tàu cá Trung Quốc này lại tiếp tục đâm cú thứ hai.
“Sau cú đâm thứ hai, 7 ngư dân đi trên tàu cá bị lộn nhào xuống biển; số còn lại đều ở trong khoang máy và ca bin. Riêng tôi, lúc tàu chìm không kịp nhảy xuống biển nên bị các mảnh kính ca bin gây thương tích đầy mình. Cũng may, ngư dân trên tàu được một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng thả lưới gần đó đến ứng cứu kịp thời”, ngư dân Biền kể.
Sau khi 10 ngư dân đi trên tàu cá Đna 90152 được một tàu cá khác cứu sống, các tàu chấp pháp của Việt Nam đang làm nhiệm vụ gần đó tiếp cận và đưa lên tàu để chăm sóc y tế.
Ngư dân Đặng Văn Nhân, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90152 nhớ lại: Trước khi bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm, anh thấy tàu cá Trung Quốc hung hăng uy hiếp. Cứ nghĩ rằng họ ỷ tàu to, máy lớn dọa nạt ngư dân như thường ngày nên anh em vẫn bình thản thả lưới bình thường. Không ngờ, họ lại ngang ngược và hung hăng đến thế, coi thường tài sản và mạng sống của ngư dân ta ngay trên vùng biển Việt Nam.
“Thấy tàu mình bị đâm chìm. Họ không mảy may có hành động cứu giúp, mặc cho chúng tôi vùng vẫy kêu la giữa dòng nước dữ…”, thuyền trưởng Nhân nói.
Ông Nguyễn Huy Chiến, đại diện Cục Kiểm ngư cho biết vì bị đâm nát, chìm hoàn toàn cộng với thời tiết biển không thuận lợi nên việc lai dắt tàu cá gặp nạn vào đất liền gặp không ít khó khăn.
“Để tàu không bị vỡ chúng tôi đã thống nhất với chủ tàu lai dắt tàu cá này về đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, để sửa chữa và khắc phục tàu cá này còn mất nhiều thời gian và tiền bạc, bởi thân tàu cá và các trang thiết bị trên tàu bị hư hỏng hoàn toàn”, ông Chiến cho biết. (Phạm Văn)
Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn

18 tháng 5, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Vụ công nhân đập phá tài sản: Khung hình phạt cao nhất là chung thân

Mấy ngày qua, lợi dụng công nhân diễu hành phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, nhiều đối tượng đã kích động đốt phá, cướp tài sản. Theo luật sư, hành vi này có thể xử chung thân vì tài sản bị hủy hoại lớn và nhiều tình tiết tăng nặng.

Theo thông cáo báo chí của UBND tỉnh Bình Dương, cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc của công nhân Bình Dương bắt đầu từ ngày 13/5. Ban đầu, các công nhân tuần hành rất ôn hòa. Nhưng sau đó một số đối tượng đã kích động công nhân đập phá cổng, tường rào và tài sản của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự. Thậm chí, có đối tượng lợi dụng tình hình hỗn loạn để cướp tài sản, đốt nhà xưởng, hành hung bảo vệ và các chuyên gia.
Lòng yêu nước cần được thể hiện đúng cách
Lòng yêu nước cần được thể hiện đúng cách
Đến chiều ngày 14/5, Công an các tỉnh thành đã bắt hàng trăm đối tượng phá hoại có hành vi kích động công nhân, đốt phá nhà xưởng, hành hung người và cướp tài sản. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật Đức Chánh, về hành vi phá hoại của những đối tượng nói trên:
Thưa luật sư, hành vi xông vào đốt phá nhà xưởng, hành hung bảo vệ và chuyên gia của các đối tượng đã vi phạm điều luật nào? Bị xử lý ra sao?
Việc phản đối Trung Quốc diễn ra tại Bình Dương, Đồng Nai hai ngày gần đây đã bị một số kẻ xấu lợi dụng để mưu cầu lợi ích riêng nào đó. Người dân yêu nước không nên bị lôi kéo vào những hành động quá khích này. Vì nó không chỉ làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn đi ngược lại đường lối, chính sách của Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. 
Nó có thể còn mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Không những thế, chúng ta có thể bị bêu xấu là một quốc gia “hiếu chiến”, làm giảm đi tính chính nghĩa mà Việt Nam đang có.
Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông cáo báo chí của UBND tỉnh Bình Dương, một số đối tượng đã kích động công nhân đập phá cổng, tường rào, tài sản của doanh nghiệp và hậu quả là có hàng trăm doanh nghiệp bị đột nhập, phá hoại tài sản, thiệt hại nhiều tỉ đồng, dẫn đến nguy cơ hàng ngàn công nhân mất việc làm.
Hành vi này có dấu hiệu của Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra sẽ xác định cụ thể hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng của các cá nhân cụ thể, cũng như xác định giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi này gây ra để truy cứu hình sự theo khung hình phạt tương ứng.
Khả năng những đối tượng này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 143 BLHS với khung hình phạt cao nhất là chung thân, vì số tài sản bị thiệt hại cao hơn nhiều lần so với định lượng 500 triệu đồng theo điểm a khoản 4 Điều 143 BLHS.
Mặc khác, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 25/12/2001 thì với số tài sản bị thiệt hại hàng tỉ đồng cùng với hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... được xem là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” theo điểm b khoản 4 Điều 143 BLHS.
Còn hành vi một số đối tượng quá khích hành hung các bảo vệ, chuyên gia và người nước ngoài đã xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Tùy vào tỉ lệ thương tật và việc sử dụng hung khí để xác định việc hành vi này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 BLHS hay không. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ bị xử lý theo Điều 104 BLHS. Thậm chí, nếu xảy ra hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu về tội giết người theo Điều 93 BLHS.
Ngoài ra, đối với hành vi tập trung đông người ở nơi công cộng, gây náo động, làm mất trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản ở các nơi có đông người… có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS.
Còn hành vi các đối tượng lợi dụng tình hình hỗn loạn để “hôi của”, ăn cắp hàng hóa, tài sản của doanh nghiệp?
Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 BLHS, hoặc tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 138 BLHS.
Trường hợp chủ sở hữungười quản lý tài sản có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt nhưng không có điều kiện ngăn cản vì lý do nào đó, như nhìn thấy việc bị chiếm đoạt tài sản nhưng sợ không dám ngăn cản… thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Trường hợp chủ sở hữungười quản lý tài sản không có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”.
Nếu những hành vi của người “hôi của” chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Mức xử phạt hành chính là bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Thông điệp của nhóm bạn trẻ Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Đồng Nai là điều mà hầu hết thanh niên Việt
Thông điệp của nhóm bạn trẻ Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Đồng Nai là điều mà hầu hết thanh niên Việt Nam đồng tình (ảnh: báo Đồng Nai)
Nhiều thông tin cho biết, ban đầu anh em công nhân diễu hành phản đối Trung Quốc một cách ôn hòa, nhưng sau đó có một số đối tượng không phải là công nhân đã kích động anh em đập phá rồi nhân cơ hội “hôi của”… Những đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào?
Nếu hành vi của những người này là đã có âm mưu từ trước hoặc thực hiện kế hoạch của các đối tượng, tổ chức phản động để kích động, gây thù hằn dân tộc, phá hoại chính sách kinh tế của Việt Nam, chính sách đại đoàn kết dân tộc… thì cần phải xử lý hành vi này theo nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia theo Chương XI BLHS. Điều này mới tương xứng với hành vi và hậu quả gây ra nêu trên.
Nếu hành vi này chỉ là bộc phát, tức thời thì những người này có dấu hiệu đồng phạm tội Hủy hoại tài sản theo Điều 143 BLHS và/hoặc Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS với vai trò “xúi giục” (không trực tiếp thực hiện hành vi hủy hoại tài sản, gây thương tích…), hoặc “thực hành” (nếu trực tiếp thực hiện hành vi hủy hoại tài sản, gây thương tích…).
Ý kiến cá nhân của luật sư về diễn biễn vụ việc ở Bình Dương?
Khi nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược, hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép nẳm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lc địa của Việt Nam, nhân dân trong nước cũng như công luận quốc tế đều lên án Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Trong số đó, cũng có một bộ phận nhân dân Trung Quốc có lương tri lên tiếng phản đối chính hành động của nhà cầm quyền nước mình.
Hành động xuống đường phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc diễn ra trong các ngày 10/5, 11/5 và sau đó đều gây được tiếng vang trong dư luận quốc tế. Trên các phương tiện truyền thông quốc tế đều đánh giá cao thái độ “ôn hòa” và “cao đẹp” của nhân dân Việt Nam.
Nhưng việc phản đối Trung Quốc diễn ra tại Bình Dương, Đồng Nai hai ngày gần đây đã bị một số kẻ xấu lợi dụng để mưu cầu lợi ích riêng nào đó. Người dân yêu nước không nên bị lôi kéo vào những hành động quá khích này. Vì nó không chỉ làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn đi ngược lại đường lối, chính sách của Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nó có thể còn làm mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Không những thế, chúng ta có thể bị bêu xấu là một quốc gia “hiếu chiến”, làm giảm đi tính chính nghĩa mà Việt Nam đang có.
Yêu nước là một tinh thần đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng chúng ta hãy yêu nước và thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những hành động thông minh và thiết thực, bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh, để phân biệt đâu là việc làm đúng hay sai, đừng để mình trở thành nạn nhân của một số kẻ lợi dụng lòng yêu nước để mưu đồ riêng.
Tùng Nguyên (thực hiện)
Nguồn: dantri.com.vn