31 tháng 10, 2014

Sưu tầm bài viết: Dịch vụ 'taxi Uber' có hợp pháp?

Dịch vụ gọi "taxi" qua ứng dụng Uber ở TP.HCM vi phạm như thế nào trong hoạt động kinh doanh?
Gọi “taxi” qua Uber hoạt động thế nào?

Mới đây sở Giao thông Vận tải TP.HCM có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tảivà Tổng cục đường bộ để có chỉ đạo là rõ tính pháp lý của loại hình dịch vụ tạm gọi là “taxi” thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại di động. Xung quanh loại hình dịch vụ có vẻ mới mẻ này lộ diện những nghi vấn về mặt pháp luật.

Dịch vụ 'taxi Uber' có hợp pháp?
Dùng dòng điện thoại Smartphone gọi “taxi” thông qua ứng dụng Uber – là loại hình mới tại TP.HCM, có nhiều tiện lợi nhưng lộ diện nhiều vấn đề pháp lý 

Được biết, tính cho đến thời điểm hiện nay, loại hình kinh doanh tạm gọi là taxi thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại di động đã có mặt ở TP.HCM và đang ý định phát triển ra các tỉnh thành khác? 

Nhiều nước trên thế giới loại hình cho thuê xe dưới hình thức kinh doanh taxi “chui” này đã bị cấm. Nhưng ở Việt Nam, cụ thể thì ở TP.HCM thì đang phát triển, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng không ít đến hoạt động của các hãng taxi, vốn từ trước đến nay hoạt động theo kiểu truyền thống.

Hiệp hội taxi TP.HCM mới đây cũng có kiến nghị gửi đến UBND TP.HCM đề nghị xem xét tính hợp pháp của dịch vụ “taxi Uber". 

Theo tìm hiểu, người có nhu cầu đi xe có thể dùng ứng dụng Uber trên điện thoại di động để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với 1 chủ xe gần đó. Uber sẽ phản hồi cho khách biết về lộ phí cũng như đặc điểm, thông tin chiếc xe sẽ sắp có mặt đón khách.

Hành khách phải thanh toán phí cho chuyến đi thông qua thẻ tín dụng quốc tế như: Visa, Mastercard… Ở TP.HCM cũng như loại hình “taxi” qua ứng dụng Uber thì số tiền này chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy hoa hồng 20%.

Có thể nói cách đây vài tháng sự phát triển chóng mặt của loại hình dịch vụ mới mẻ này đã làm cho các hàng taxi hoạt động theo kiểu truyền thống phải quan ngại. Cùng với việc tiện lợi của khách hàng cách gọi “taxi” nhanh hiệu quả, được đi xe sang thì việc người Việt ngày càng sử dụng phổ biến dòng điện thoại thông minh (tức Smartphone) và thẻ tín dụng thanh toán quốc tế thì dịch vụ gọi “taxi” thông qua ứng ụng Uber càng trở nên phổ biến hơn

Ý tưởng tốt nhưng vi phạm pháp luật

Qua tìm hiểu, loại hình xe hoạt động theo kiểu “taxi Uber" là xe cá nhân, không hề có bảng hiệu, logo… Có thể gọi đây là loại hình kinh doanh, nhưng không cần trụ sở, không tổng đài như các hãng taxi truyền thống.

Chưa bàn đến 80% lợi nhuận mà chủ xe được hưởng khi tham gia hoạt động dịch vụ, chỉ nói đến 20% mà nhà cung cấp Uber được hưởng có thể nói đây là đồng tiền được chuyển ra nước ngoài. Và khi lượng xe tham gia dịch vụ gọi “taxi” Uber càng nhiều thì đồng tiền chuyển ra quốc tế càng lớn.

Dịch vụ 'taxi Uber' có hợp pháp?
Tại nhiều thành phố trên thế giới, các hãng taxi truyền thông đã phản ứng quyết liệt với loại hình “taxi Uber” 

Hiện tại “taxi Uber" ở TP.HCM không được chính quyền tại đây cấp phép. Và hoạt động như đề cập thì loại hình gọi “taxi” qua ứng dụng Uber như là kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách nhưng Nhà nước hoàn toàn không thu được đồng tiền thuế nào.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, theo quy định tại điều 67 luật Giao thông đường bộ thì kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện.
 
Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình muốn kinh doanh phải đăng ký kinh doanh ngành “vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành”  tại sở Kế hoạch & Đầu tư và sau đó phải tiến hành thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải tại sở Giao thông Vận tải.

Như vậy, nếu “taxi Uber” kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký kinh doanh và không có giấy phép kinh doanh vận tải là trái pháp luật, là hành vi này là kinh doanh trái phép. 

Chính hành vi kinh doanh trái phép này có thể dẫn tới hành vi trốn thuế với khoản tiền mà “taxi Uber” thu của khách hàng 20% hoa hồng. Mặt khác, người chủ xe thu được 80% lợi nhuận được hưởng mà không khai báo thuế thu nhập cá nhân là vi phạm pháp luật về thuế.

Ngoài ra, “taxi Uber” hoàn toàn không đáp ứng theo đúng điều 35 Thông tư 18/2013/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 23/2014/TT-BGTVT) quy định đối với xe taxi như: không có tên, điện thoại doanh nghiệp, hợp tác xã, trong xe không bảng giá cuốc phí, không đồng hồ tính cước; không phù hiệu, hộp đèn; không logo… 

Vậy nếu trong quá trình vận chuyển xảy ra tranh chấp với khách hàng về tiền cước, mất mát tư trang, hành lý… thì khách hàng sẽ khó bảo vệ quyền lợi cho mình và cũng khó cho cơ quan chức năng giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho hành khách. 

“Rõ ràng, xét về góc độ kinh doanh việc ứng dụng phần mềm Uber trên smartphone cộng với việc sử dụng “xe sang” để vận tải là ý tưởng kinh doanh tốt, nó đang đáp ứng nhu cầu “sang trọng” của một lượng khách hàng khi sử dụng Taxi. Nhưng xét về góc độ pháp lý thì “taxi Uber” chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải taxi…", luật sư Chánh nhận định.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với hành vi không đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam về loại hình hoạt động kinh doanh vận tải như thế này và việc thỏa thuận ăn chia theo tỷ lệ công ty Uber 20%, chủ xe 80% mà không phải trích một khoản tiền nào để đóng thuế cho nhà nước thì rõ ràng hành vi này đã bị vi phạm về tội trốn thuế theo điều 161 Bộ luật Hình sự. 

Do đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ và phải xử lí triệt để đối với loại hình kinh doanh như thế này để đảm bảo sự tuân thủ đúng qui định pháp luật đối với tất cả các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời cũng là một cách để bảo hộ đối với các doanh nghiệp taxi đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được kinh doanh và hoạt động một cách công bằng”.

Đ.Đ - S.H 
Nguồn: vtc.vn

30 tháng 10, 2014

Sưu tầm bài viết: Ly hôn vì vợ nói... ‘bán chồng’

Tòa bác lý do này bởi đó chỉ là lời nói bâng quơ của người vợ khi hàng xóm trêu chọc rằng chồng bỏ đi theo tình nhân.
Theo đơn xin ly hôn của ông Th. (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), ông và bà B. sống với nhau được hơn 30 năm, có sáu con chung thì phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm. Tình cảm vợ chồng không còn nên ông bà đã ly thân gần hai năm nay.
“Tôi bán ổng cho người ta đó”
Ông Th. viết trong khoảng thời gian đó, tình cảm giữa ông bà không thể nào hàn gắn được. Có những điều tế nhị làm ông khổ tâm như bà B. đi “rêu rao bán chồng với giá 20 triệu đồng” nên ông không thể nào chấp nhận và sống chung với bà B. được nữa. Vì vậy, ông cương quyết yêu cầu TAND huyện Mỏ Cày Bắc cho ly hôn bà B. Về con chung, sáu người con đều đã trưởng thành nên không ai phải nuôi con. Nợ chung không có, còn tài sản chung thì ông bà tự thỏa thuận.
Bà B. thì không đồng ý ly hôn, khai rằng giữa ông bà không hề có mâu thuẫn gì lớn. Gần đây, ông Th. đi theo người đàn bà khác lên sống ở tận TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Mấy chị bạn trong xóm hay trêu chọc bà rằng ông Th. đã bỏ bà đi theo người ta rồi. Bà bực nên mới trả lời: “Đi thì đi, tôi bán ổng cho người ta đó. Miễn sao trả cho tôi hai chục triệu đồng là được”.
Sơ thẩm cho ly hôn, phúc thẩm bác
Xử sơ thẩm, TAND huyện Mỏ Cày Bắc đã chấp nhận cho ông Th. ly hôn. Bà B. kháng cáo.
Trong phiên phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định: Ông Th. đưa ra lý do ông bà B. mâu thuẫn và đã ly thân hai năm nay. Tuy nhiên, qua xem xét lời khai giữa các bên thì việc ly thân là do ông Th. tự bỏ đi theo người đàn bà khác, trong khi tình cảm của bà B. không hề thay đổi. Bà B. vẫn còn tình nghĩa vợ chồng với ông Th., luôn mong muốn ông Th. quay về sống với vợ con. Việc ông Th. cho rằng bà B. rêu rao “bán chồng” thực chất đó chỉ là lời nói bâng quơ của bà B. trong lúc tức giận bị hàng xóm trêu chọc. Ông Th. muốn ly hôn nhưng không chứng minh được mâu thuẫn vợ chồng nên tòa không chấp nhận.

Bác đơn là đúng

Đồng tình với tòa phúc thẩm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích người đơn phương xin ly hôn như ông Th. phải chứng minh được tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Ở đây, ông Th. không có gì chứng minh, chỉ vịn vào cớ vợ rêu rao “bán chồng” nhưng câu nói ấy chỉ như lời nói đùa giữa những phụ nữ cùng lối xóm, không phải là sự xúc phạm ghê gớm gì khiến ông phải khổ tâm.
Tuy nhiên, luật sư Chánh cũng lưu ý thêm: Việc vợ chồng ông Th. có chung sống hạnh phúc lại hay không thì không chỉ bằng bản án của tòa mà còn là từ tình cảm yêu thương thật lòng giữa hai người.
Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Tòa phúc thẩm bác đơn của ông Th. tức đã tạo điều kiện cho ông bà có một khoảng thời gian suy nghĩ lại. Còn nếu thật sự ông Th. cương quyết dứt tình thì theo luật, một năm sau ông Th. có quyền xin ly hôn tiếp và lúc đó các cấp tòa sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết.

Hướng dẫn của TAND Tối cao
a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau như thường xuyên đánh đập hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
(Theo điểm a Mục 8 Nghị quyết 02/2000 của
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)
VĂN TÂM - NGÂN NGA
Nguồn: 

27 tháng 10, 2014

Sưu tầm bài viết: Kiện đòi lương, tòa không giải quyết

Đương sự kiện đòi lương, tòa nói đương sự là công chức nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Người này bèn kiện hành chính thì cũng bị tòa từ chối…
Bà Phạm Thị Hồng Vinh vốn là cán bộ thuộc biên chế của Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) từ tháng 5-1987. Bà Vinh được phân công làm việc tại Trại thực nghiệm nuôi cá nước ngọt Ninh Phụng thuộc khoa Nuôi trồng thủy sản của trường. Đến tháng 11-2010, bà Vinh được điều động về nhận nhiệm vụ tại phòng Quản trị thiết bị của Trường ĐH Nha Trang.
Kiện kiểu gì cũng bị tòa từ chối
Đầu năm 2011, bà Vinh khởi kiện Trường ĐH Nha Trang ra TAND TP Nha Trang vì cho rằng nhà trường đã không trả đủ lương và phụ cấp, dù bà đã liên hệ nhiều lần nhưng không được nhà trường giải quyết. Theo đơn khởi kiện, tổng số tiền lương và phụ cấp công việc mà bà Vinh yêu cầu nhà trường thanh toán là gần 115 triệu đồng.
Sau khi thụ lý vụ án, tháng 12-2012, TAND TP Nha Trang đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án”. Không đồng ý, bà V. kháng cáo quyết định này lên TAND tỉnh Khánh Hòa.
Tháng 3-2013, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên họp để xét đơn kháng cáo của bà V. Theo Hội đồng Phúc thẩm, bà Vinh và đại diện Trường ĐH Nha Trang đều thừa nhận bà Vinh thuộc biên chế cán bộ, công chức của trường. Theo các quyết định trước đây của nhà trường và Quyết định số 1300 ngày 18-10-2010 của hiệu trưởng nhà trường thì tại thời điểm này bà Vinh vẫn là công chức, được điều chỉnh theo Luật Công chức năm 2008. Từ đó, Hội đồng Phúc thẩm cho rằng yêu cầu đòi tiền lương của bà Vinh đối với Trường ĐH Nha Trang không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Do vậy, Hội đồng Phúc thẩm đã bác kháng cáo của bà Vinh, quyết định giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND TP Nha Trang.
Nhận được quyết định phúc thẩm, bà Vinh đã khởi kiện Trường ĐH Nha Trang bằng một vụ án hành chính nhưng yêu cầu khởi kiện thì vẫn giữ nguyên như ban đầu. Cuối năm 2013, bà nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện từ TAND TP Nha Trang. Trong thông báo này, tòa đưa ra lý do là vụ kiện cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
Không đồng tình, bà Vinh đã khiếu nại lên TAND tỉnh Khánh Hòa nhưng bị chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa bác đơn.
Án lao động hay hành chính?
Về mặt pháp lý, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp luật. tất cả đều thống nhất rằng vụ kiện của bà Vinh thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Nha Trang (sơ thẩm) và TAND tỉnh Khánh Hòa (phúc thẩm). Tuy nhiên, đây là vụ kiện lao động hay hành chính thì lại có hai luồng quan điểm khác nhau.
Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng đây là vụ án hành chính. Trong luồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Bà Vinh là người thuộc biên chế của Trường ĐH Nha Trang, được đảm bảo từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập nên được xác định là công chức (Điều 2 Nghị định 06/2010 của Chính phủ về căn cứ xác định công chức). Theo quy định, việc trả lương cho bà Vinh được thực hiện theo quy chế trả lương của Trường ĐH Nha Trang, nơi bà Vinh đang làm việc (khoản 1 Điều 8 Nghị định 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Hành vi trả lương, phụ cấp không đầy đủ cho bà Vinh theo quy chế trả lương của Trường ĐH Nha Trang (nếu có) là hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức (khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính). Hành vi hành chính này là đối tượng khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa (khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính). Như vậy, bà Vinh có quyền khởi kiện hành chính với hành vi không trả lương cho công chức theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Luồng quan điểm thứ hai lại cho rằng đây là vụ án lao động. Theo ThS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM), các tranh chấp về tiền lương đều phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động và các bên giải quyết tranh chấp bằng thủ tục khởi kiện án lao động.
Vụ đòi lương, phụ cấp của bà Vinh thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành tòa án hay của cơ quan khác? Nếu thuộc thẩm quyền của tòa thì đây là tranh chấp lao động hay hành chính? Xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi ý kiến của các chuyên gia trên Pháp Luật TP.HCM số ngày mai (24-10).
Một số quy định liên quan
Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
(Theo khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính)
Hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó.
(Theo khoản 4 Điều 3  Luật Tố tụng hành chính)
Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
(Theo khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính)
HỒNG TÚ
Nguồn:plo.vn

26 tháng 10, 2014

Sưu tầm bài viết: Vụ nổ tang thương ở TP.HCM: Giật mình với quy trình pha trộn hóa chất!

Liên quan điến việc khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm tại xưởng sản xuất phân bón “chui” gây nổ, các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường đã có báo cáo bước đầu về vụ việc.
Sơ ý khi bào chế?
Ngày 20/10, Phòng Pháp chế điều tra và xử lý về cháy nổ, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã có báo cáo công tác khám nghiệm hiện trường và điều tra bước đầu về nguyên nhân vụ nổ hóa chất kinh hoàng tại chi nhánh Công ty Công ty TNHH sản xuất thương mại Đặng Huỳnh (địa chỉ số 66/2 đường Lê Thị Riêng, khu phố 5, phường Thới An, quận 12) vào chiều 17/10.
Theo đó, cơ quan chức năng nhận định nhiều khả năng trong lúc làm việc công nhân tại đây bất cẩn gây nổ các hàng trăm ký hóa chất. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bào chế thuốc pháo sơ ý gây nổ.
Vị trí phát nổ tạo hố hình phễu đường kính 4,9 mét, sâu 1,2 mét. Cơ quan điều tra thu giữ 1 bếp gas hiệu NAMILUX bị biến dạng và 2 vỏ bình gas mi ni gần đó. Kiểm tra đường dây điện tại cửa ra vào công ty không cho thấy có dấu hiệu của sự cố chập điện.
Theo thông tin điều tra của công an, hằng ngày tại chi chánh trên có 3 công nhân (đã tử vong) làm việc từ sáng đến chiều. Nơi đây sản xuất phân bón lá và thuốc xịt bảo vệ hoa. Nguyên liệu là các hóa chất và cũng là tiền chất tạo thuốc nổ như Kali Nitrat (KNO3),  Kali Clorat (KClO3), Napthalen Acetic Axit (NAA), Amoniac (NH3)…
Khám nghiệm hiện trường vụ nổ (Ảnh: Phương Nguyễn)
Đáng nói quá trình sản xuất đều được công nhân thực hiện bằng tay, ngay cả việc pha trộn hóa chất. Quá trình đóng nắp, dán nhãn chai, lọ được thực hiện như sau: Sau khi pha trộn hóa chất theo tỷ lệ nhất định từng loại sản phẩm công nhân sẽ cho vào các chai, lọ đóng nắp lại. Màng co ở nắp chai, lọ được nhúng vào nước đun sôi (bằng bếp gas mi ni) cho dính ở nắp rồi sau đó dán nhãn hàng.
Cơ quan chức năng đã phát hiện lượng lớn hóa chất dùng làm nguyên liệu sản xuất được đặt trong bao chất thành đống để trước cửa phòng pha trộn phân bón. Gần đó còn có nhiều thùng phuy, can nhựa chứa dung dịch.
Đại tá Lê Phước Tường, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM cho biết đang chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra, khi đó sẽ xem xét khởi tố vụ án hay tạm giữ giám đốc Công ty Đặng Huỳnh là ông Huỳnh Văn Hải (SN 1970).
Trách nhiệm bồi thường
Đến nay, nguyên nhân chính gây ra vụ nổ vẫn chưa làm sáng tỏ, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra nên để xác định dấu hiệu hình sự là chưa rõ ràng.
Liên quan đến những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Công ty Đặng Huỳnh cũng như việc bồi thường thiệt hại cho người dân sau vụ nổ, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định:
Qua thông tin có được thì với hành vi sản xuất phân bón tại trụ sở chi nhánh trong khi trong giấy phép kinh doanh của Công ty Đặng Huỳnh và giấy phép hoạt động của chi nhánh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp đều không được sản xuất tại trụ sở. Đây là hành vi có dấu hiệu hình sự của Tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ thì những chất dùng để sản xuất phân bón vô cơ gồm Kalinitrat (KNO3), Kali Clorat (KClO3)...là “tiền chất thuốc nổ”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 76/2014/NĐ-CP ngày 29/07/2014 của Chính phủ về trách nhiệm tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ thì: “Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về tiền chất thuốc nổ; về phòng cháy, chữa cháy; về an ninh, trật tự, an toàn cho xã hội; về bảo vệ môi trường.”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM
Để xảy ra một vụ cháy nổ lớn như vậy, không thể không nghi ngờ về các biện pháp PCCC của công ty Đặng Huỳnh này có đúng với quy định của nhà nước hay không? Nếu như có sự vi phạm các quy tắc an toàn về PCCC thì những người có trách nhiệm của công ty này, cũng như chi nhánh công ty còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 240 Bộ luật hình sự:“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”. Nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, Công ty Đặng Huỳnh nếu có mua bảo hiểm cháy nổ thì trách nhiệm bồi thường đầu tiên do đơn vị bảo hiểm chi trả, nếu vượt quá phạm vi bảo hiểm thì Công ty Đặng Huỳnh phải bồi thường phần còn lại. Nếu không có bảo hiểm cháy nổ thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm thiệt hại do cháy nổ, là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 và mục III của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường của Công ty Đặng Huỳnh vẫn phải chịu ngay cả khi không có lỗi.
Phương Nguyễn
Nguồn: infonet.vn

17 tháng 10, 2014

Sưu tầm bài viết: Vì sao tội phạm giết người ngày càng man rợ?

Thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ án giết người máu lạnh, man rợ khiến dư luận hoang mang. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, gốc rễ của nó là do đâu? 

Để dư luận hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM.
Vì sao tội phạm giết người ngày càng man rợ?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM. 
- Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về những vụ án giết người man rợ trong thời gian gần đây, đặc biệt là hành vi chặt xác phi tang gây chấn động?

Thực tế là tội phạm thời nào cũng có, tồn tại trong mọi xã hội. Từ khi con người xuất hiện đã có sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Nó luôn hiện hữu trong đời sống xã hội. Nhưng chúng ta có thể hạn chế tội phạm, hạn chế cái ác và làm xã hội tốt đẹp hơn.

Trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ án giết người mà những kẻ phạm tội thực hiện một cách man rợ, tàn bạo như chặt xác làm ba khúc nhằm phi tang hay giết người tình rồi đốt xác để chiếm đoạt tài sản... 

 

Vì sao tội phạm giết người ngày càng man rợ?Nếu ai đó suy nghĩ rằng áp dụng các biện pháp như án tử hình, tù chung thân có thể là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa hành vi phạm tội man rợ, theo tôi là sai lầm.Vì sao tội phạm giết người ngày càng man rợ?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM. 
 
Nhìn vào những vụ án này thì có thể thấy cách thức thực hiện tội phạm ngày càng man rợ, tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực ngày càng phổ biến…

Nó đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Đằng sau các vụ án đó là nỗi đau của những gia đình, không chỉ là gia đình bị hại mà cả gia đình của những kẻ gây ra tội ác.

- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, gốc rễ của vấn đề là do đâu?

Nguyên nhân xảy ra những vụ án giết người man rợ thì nhiều. Có thể là do kẻ thực hiện tội phạm nghiện ma túy, có thể do họ sinh ra trong gia đình không lành mạnh, sự suy đồi những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, lối sống buông thả… hay có thể xuất phát từ ý nghĩ để nhằm che giấu tội ác, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Nhưng gốc rễ của mọi nguyên nhân vẫn xuất phát từ giáo dục mà ra. Vì giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục có thể mang lại những tiến bộ mà các nhân tố khác như bẩm sinh - di truyền hoặc môi trường, hoàn cảnh không thể có được.

- Có ý kiến cho rằng, pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe khiến kẻ phạm tội giết người “nhờn luật”, bất chấp tất cả để thực hiện hành vi gây án, quan điểm của ông thế nào.

Nếu ai đó suy nghĩ rằng áp dụng các biện pháp như án tử hình, tù chung thân có thể là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa hành vi phạm tội man rợ, theo tôi là sai lầm. 

Bởi lẽ, khi thực hiện tội ác thì tội phạm chưa nghĩ đến hậu quả mà mình sẽ gánh chịu. Mặt khác, việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người thực hiện hành vi phạm tội cũng không thể làm cho người bị hại sống lại. Làm vậy, nó mang nặng tính “nợ máu phải trả bằng máu”. 

Tôi tham gia bào chữa cho Hồ Duy Trúc trong băng cướp “chém trước, cướp sau” chấn động Sài Gòn, nhưng một điều dễ nhận thấy là sau khi tuyên án tử hình với Hồ Duy Trúc, án chung thân với Trần Văn Luông thì vẫn xuất hiện nhiều băng nhóm cũng có thủ đoạn “chém trước, cướp sau”. 

Hay trong vụ án mà bị cáo Đặng Văn Khuyến bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình về hành vi giết người, lúc thực hiện hành vi giết người Khuyến đã chấp nhận hậu quả khi chia sẻ trên facebook là: “chào tạm biệt, ngày mai mình đi tù”. 

Đến khi nhận án tử hình thì trên khuôn mặt của Khuyến không tỏ vẻ có chút hối hận nào, vì bị cáo cho rằng người bị hại đã phản bội mình, chết là đáng.

Ông bà ta thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chúng ta nên xây dựng, tăng cường các biện pháp mang tính phòng ngừa tội phạm hơn là giải quyết hậu quả của nó.

- Ông vừa nhận định giáo dục là gốc rễ nguyên nhân của những vụ giết người rùng rợn. Vậy theo ông giáo dục hiện nay đang tồn tại bất cập gì, thưa ông?
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách con người là yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, yếu tố giáo dục và yếu tố hoạt động cá nhân. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. 
Vì sao tội phạm giết người ngày càng man rợ?
Vụ án giết người, chặt khúc phi tang chấn động Sài Gòn mới đây 
Vì vậy, khi giáo dục còn tồn tại nhiều vấn đề thì rõ ràng nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Nếu một người có nhân cách “xấu” thì đó là mầm mống của những tội ác về sau. 

Khi đi học chúng ta luôn nghe thấy câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng có một điều ai cũng nhận thấy là giáo dục nước ta quá chú trọng vào việc “học văn” hơn là “học lễ”. 

Mặt khác, yếu tố giáo dục ở đây phải trong cả 3 môi trường: Nhà trường – Gia đình – Xã hội. Nhưng tồn tại câu chuyện là một số phụ huynh cứ đẩy trách nhiệm giáo dục lên nhà trường và suy nghĩ rằng cho con đi học thì mình không cần dạy dỗ, giáo dục con. 

Chẳng hạn, hình ảnh phụ huynh chở em học sinh vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi,… không phải hiếm. Nó cho thấy trách nhiệm của phụ huynh trong việc giáo dục nói chung và giáo dục ý thức pháp luật cho con mình là có “vấn đề”.

Gia đình là tế bào xã hội, nếu gia đình tốt thì xã hội tốt và ngược lại. 

Chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để đem lại cuộc sống yên bình cho xã hội, giảm bớt tội ác trong con người?

Bất kỳ vấn đề, hiện tượng xã hội nào thì để giải quyết cũng phải có giải pháp đồng bộ. 

Chúng ta muốn đấu tranh, phòng chống tội phạm có hiệu quả thì phải nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh hiện tượng tội phạm. Vấn đề này thuộc về ngành tội phạm học. 

Chỉ khi tìm hiểu được bản chất tội phạm thì chúng ta mới đấu tranh, phòng chống nó mọi cách có hiệu quả. Vì vậy, cần đầu tư hơn nữa cho ngành khoa học còn non trẻ ở nước ta.

Chúng ta muốn giảm bớt cái ác, cái xấu trong con người thì không có gì ngoài việc xây dựng, phát triển giáo dục theo hướng thiện. 

Tôi xin trích 2 câu thơ trong bài Nửa đêm (trích trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh): 

“Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Xin cảm ơn ông!

Sỹ Hưng (thực hiện)
Nguồn: vtc.vn

Sưu tầm bài viết: Cha ruột bé gái bị đánh chấn thương sọ não xuất hiện

Ngày 15/9, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, một người đàn ông đến xưng nhận là cha ruột của cháu Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, cháu bé bị cha mẹ bạo hành đến chấn thương sọ não).
Anh Tố đến Bệnh viện Đa khoa Bình Dương sau khi nghe thông tin cháu Ngân bị bạo hành. Ảnh: Nguyên HưngAnh Tố đến Bệnh viện Đa khoa Bình Dương sau khi nghe thông tin cháu Ngân bị bạo hành. Ảnh: Nguyên Hưng
Người đàn ông trên được xác định là anh Trần Văn Tố (tên thường gọi Thành, SN 1983, quê Vĩnh Long, tạm trú Đồng Nai).
Theo lời anh Tố, anh và chị Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1988, quê Vĩnh Long, tạm trú Đồng Nai) cưới nhau được hơn 10 năm, giữa hai người có tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn. Đến nay, hai người có 2 đứa con, 1 bé trai (10 tuổi) và bé Ngân (4 tuổi).
Hơn 2 năm trước, chị Trang bế bé Ngân lên Đồng Nai sống với ông bà ngoại. Sau đó, anh có lên thuyết phục Trang về ở cùng nhưng chị này không đồng ý. Còn việc chị Trang sống với anh Đỗ Trọng Minh (SN 1987, quê Đồng Nai), anh Tố hoàn toàn không biết.
Cũng trong ngày, anh Tố có trình một bản photo sổ hộ khẩu (có công chứng) để chứng minh mình là cha ruột của cháu Ngân. Theo đó, tên cháu Ngân trong sổ hộ khẩu là Trần Thị Kim Ngân (SN 2011) và vợ anh Tố là Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1988, quê Vĩnh Long). Khi anh Tố bế cháu Ngân, cháu không tỏ ra xa lạ và ngượng ngùng. Cháu Ngân cũng nhận đó là cha mình.
Bà Nguyễn Thị Loan, người tự xưng là bà ngoại cháu cũng xác nhận anh Tố chính là cha đẻ của cháu Ngân. Theo anh Tố, anh sẽ đem con gái về nuôi chứ không giao cho bà ngoại của cháu. Hiện công an T.X Dĩ An đang làm việc cụ thể với anh Tố để xác minh thông tin phục vụ công tác điều tra.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) về tình tiết mới trong vụ việc trên, nếu đúng là cha ruột của cháu Ngân thì anh Tố là người giám hộ đương nhiên cho con theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, Đỗ Trọng Minh sống chung như vợ chồng với Nguyễn Thị Thùy Trang, không có đăng ký kết hôn nên không phải là cha dượng của cháu Ngân. Vì vậy, đối với hành vi của Minh có dấu hiệu của Tội hành hạ người khác theo điều 110 BLHS, còn Trang có dấu hiệu tội ngược đãi, hành hạ con theo Điều 151 BLHS.
Nếu sau khi có kết quả giám định thương tật, xác định được tỷ lệ thương tích của cháu Ngân thì có thể cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chuyển tội danh của Minh và Trang thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 104 BLHS.
Theo Văn Minh
Nguồn: tienphong.vn

Sưu tầm bài viết: Tạm giữ hình sự vợ chồng đánh con chấn thương sọ não

Liên quan vụ việc cháu Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) bị cha mẹ ruột đánh đập đến chấn thương sọ não, ngày 14/9, Công an TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, đang tạm giữ hình sự Đỗ Trọng Minh (SN 1987, quê Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1988, quê Vĩnh Long, cùng tạm trú phường Bình An, TX Dĩ An, Bình Dương) để điều tra, làm rõ về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Hai vợ chồng Minh và Trang đang bị công an tạm giữ hình sự sau khi có hành vi đánh đập dã man con ruột
Hai vợ chồng Minh và Trang đang bị công an tạm giữ hình sự sau khi có hành vi đánh đập dã man con ruột
Hiện tại, chưa có người thân chăm sóc cho cháu Ngân nên vợ chồng anh Nguyễn Duy Hưng (33 tuổi) và chị Trần Thị Quế Nhàn (22 tuổi, hàng xóm, người đưa cháu Ngân đi cấp cứu) đã tình nguyện tạm thời chăm sóc cháu.
Liên quan đến việc ai sẽ chăm sóc cháu Ngân nếu bố mẹ cháu bị kết án, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết: “Sau khi Minh và Trang bị kết án một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là cháu Ngân, thì người thân thích của cháu Ngân, Viện Kiểm sát, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cá nhân, tổ chức khác,… có quyền yêu cầu tòa án hạn chế và không cho phép Minh, Trang được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Ngân trong thời gian từ 1 đến 5 năm theo quy định tại Điều 41, 42 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000”.
Theo Văn Minh
Nguồn: tienphong.vn

Sưu tầm bài viết: KSV không được uống cà phê với đương sự

Như báo pháp luật đã phản ánh chuyện trước một phiên xử của TAND huyện Châu Thành (Long An), kiểm sát viên giữ quyền công tố đã ngồi uống cà phê với người bị tòa nghi phạm tội. Các chuyên gia đều cho rằng hành vi này đã vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc KSV ngồi uống cà phê chung với đương sự trong vụ án là vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 15 Pháp lệnh về KSV VKSND năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Theo đó, KSV không được tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong các vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
Hoãn xử, yêu cầu VKS đổi KSV?
Ông Trần Minh Sơn (Phó Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thêm điểm g Phần 1 Chỉ thị số 05/2014 của VKSND Tối cao (về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự trong ngành kiểm sát nhân dân) cũng quy định nghiêm cấm KSV tiếp người tham gia tố tụng trong các vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định. Như vậy, việc kiểm sát viên (KSV) giữ quyền công tố tiếp xúc với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - cũng là người bị tòa nghi vấn phạm tội - tại quán cà phê trước khi xét xử là trái chỉ thị trong ngành.
Theo ông Sơn, trong trường hợp này, TAND huyện Châu Thành cần chấp nhận yêu cầu của luật sư, hoãn xử để yêu cầu VKS thay đổi KSV khác. Việc HĐXX vẫn tiếp tục xét xử là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi lẽ điểm a khoản 1 Điều 45 BLTTHS quy định KSV bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 BLTTHS, trong đó có trường hợp “có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”. Ở đây, việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự chính là “căn cứ rõ ràng khác” đó.
Đồng tình, luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích: Vụ án này rất nhạy cảm ở chỗ trước đó tòa đã từng trả hồ sơ yêu cầu VKS xem xét trách nhiệm hình sự của đương sự này nhưng VKS không đồng ý, cương quyết bảo lưu quan điểm đương sự không phạm tội. Nay trước giờ xử, KSV lại ngồi uống cà phê chung với đương sự thì càng làm cho dư luận, gia đình nạn nhân có cơ sở để nghi ngờ về sự thiếu khách quan, không vô tư của phía VKS.
KSV Trương Văn Vũ đang ngồi uống cà phê với ông Sang - người bị tòa yêu cầu VKS khởi tố. Ảnh: N.NGA
“HĐXX đã nhận định việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự là không đúng quy định của pháp luật nhưng lại cho rằng việc này không làm thay đổi nội dung vụ án là chưa ổn. Nếu bản án bị kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm cần hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu do TAND huyện Châu Thành đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi không thay đổi KSV” - luật sư Tám nói.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét: “Chưa cần biết KSV và đương sự ngồi uống cà phê bàn chuyện gì nhưng rất dễ dẫn đến dư luận đàm tiếu. Lẽ ra tòa nên hoãn xử để chờ có KSV mới chứ cứ để KSV này giữ quyền công tố rất dễ tạo nên phản cảm”.
Cứ xử rồi để tòa phúc thẩm xem xét?
Thừa nhận việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự trước giờ xử là sai quy định nhưng một KSV ở Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao tại TP.HCM lại cho rằng về mặt tố tụng, để chứng minh KSV không vô tư, khách quan thì rất khó. Bởi việc ngồi uống cà phê như vậy có ảnh hưởng tới vụ án hay không thì cần phải có kết luận rõ ràng.
“Đôi khi người ta chỉ vô tình gặp nhau tại quán cà phê rồi chào nhau, chỉ ngồi nói đôi ba câu xã giao thì sao? Do đó, việc tòa sơ thẩm không hoãn xử, yêu cầu VKS đổi KSV khác cũng hợp lý bởi không làm chậm tiến độ giải quyết án, hơn nữa sau đó vẫn còn có tòa phúc thẩm. Nếu tòa phúc thẩm cho rằng có việc bỏ lọt tội phạm hay xử không đúng người, đúng tội thì họ sẽ hủy án” - vị KSV này nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh cũng nói để kết luận KSV trong trường hợp này là không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ thì chưa thật sự có căn cứ rõ ràng lắm. Nhưng qua sự việc trên, KSV vẫn cần rút kinh nghiệm bởi hình ảnh ngồi uống cà phê với đương sự có thể đặt ra những nghi vấn về tính vô tư, khách quan của KSV trong vụ án.
NGÂN NGA

“Phải giữ chứ không mang tiếng lắm!”
Hai thẩm phán ở TP.HCM và Đồng Nai (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: Trong nội bộ các cơ quan tố tụng ở địa phương họ, lãnh đạo đều quán triệt là không được mang hồ sơ ra ngoài, không được tiếp xúc với bị can, bị cáo, đương sự ngoài nơi làm việc. Thậm chí một thẩm phán có vợ là luật sư cũng bị nhắc nhở là tránh giao tiếp với nhau bên ngoài trong giờ làm việc bởi người ngoài nhìn vào sẽ không hay. “Chúng tôi đi uống cà phê mà vô tình gặp đương sự thì sẽ tìm cách từ chối không ngồi chung bàn, không giao tiếp riêng, nếu khó xử quá thì tìm lý do để ra về chứ không thì mang tiếng lắm. Cho dù mình vô tư không có gì nhưng người Việt Nam có thói quen là đã ngồi chung bàn thì một trong hai sẽ giành trả tiền chứ hiếm khi của ai nấy trả lắm” - một thẩm phán kể.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 26-8 vừa qua, TAND huyện Châu Thành (Long An) đã phạt Võ Văn Quốc tám năm tù tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, Đặng Ngọc Thanh bảy năm tù về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Điều đáng chú ý là tòa còn yêu cầu VKS phải khởi tố thêm ông Phạm Thanh Sang (chủ sà lan gây tai nạn) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy dù trước đó VKS đã từng nhiều lần từ chối, cương quyết cho rằng ông Sang không phạm tội.
Một điều gây chú ý khác là ngay đầu phiên tòa này, luật sư của gia đình nạn nhân đã yêu cầu HĐXX phải dừng phiên tòa để thay đổi KSV Trương Văn Vũ, người giữ quyền công tố. Theo luật sư, trước giờ xử ông Vũ đã ngồi uống cà phê với ông Sang tại một quán cà phê cách tòa án vài căn nên sẽ dễ dẫn đến không khách quan. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị của luật sư với lý do “Xét thấy việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự Sang là không đúng quy định của pháp luật nhưng việc này không làm thay đổi nội dung vụ án”.


Nguồn: plo.vn