30 tháng 6, 2014

Sưu tầm bài báo: Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương: Bộ GTVT "lờ" Nghị định 34?

Bộ GTVT khẳng định việc trả lương cũng như quyết định buộc thôi việc gần đây đối với Dương Chí Dũng là đúng pháp luật, trong khi các luật sư cho rằng Bộ này dường như "quên" quy định tại Nghị định 34.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công trả lời báo chí, xác nhận việc Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện việc cho trả 50% lương cho cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng từ khi bị bắt đến khi có bản án phúc thẩm.
Trong nội dung trả lời khẳng định khoảng thời gian bốn tháng Dương Chí Dũng bỏ trốn (từ ngày bị khởi tố 17/5/2012 đến ngày bị bắt 5/9/2012), Cục Hàng hải không thực hiện việc trả lương cho cựu Cục trưởng. Việc Cục Hàng hải Việt Nam chi trả lương đối với ông Dương Chí Dũng và Bộ GTVT ra quyết định buộc thôi việc với ông là đúng với các quy định hiện hành của pháp luật. 
Tuy nhiên, dư luận không đồng tình với cách trả lời của Bộ GTVT. Phóng viên báo Đời sống và pháp luật ghi lại một số ý kiến của luật sư làm sơ sở để bạn đọc hiểu hơn về sự việc.   
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương: Bộ GTVT "lờ" Nghị định 34? - Ảnh 1
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên.
Ngày 10/06/2014, Bộ GTVT ban hành quyết định buộc thôi việc đối với ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT. Điều dư luận quan tâm là trong thời gian hơn 2 năm bị khởi tố, điều tra, truy, xét xử ông Dũng vẫn được hưởng lương và chưa bị buộc thôi việc.
Trước đó, khi biết thông tin mình bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra thì ngày 17/05/2012, Dương Chí Dũng chạy trốn sang nước ngoài. Cơ quan điều tra phát lệnh truy nã, sau gần 4 tháng truy nã, bắt được Dũng khi đang trốn ở nước ngoài. Căn cứ hành vi như vậy đủ thấy Dương Chí Dũng vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ của một cán bộ, công chức, tự ý bỏ việc, khi biết bị khởi tố thì cố tình bỏ trốn, cản trở quá trình điều tra vụ án. Có thể nói, đạo đức công chức có nghĩa vụ bắt buộc, có tính tự nguyện rất cao, đòi hỏi người cán bộ, công chức khi đã dấn thân vào sự nghiệp thì phải tuân thủ và phụng sự.
Tuy nhiên, Dũng đã không làm trọn được việc này, hành vi tự ý nghỉ việc của Dũng có thể bị buộc thôi việc ngay tại thời điểm tự ý bỏ việc để trốn lệnh truy nã của cơ quan điều tra.
Khoản 4, điều 14, Nghị định 34/2011/NĐ-CP, ngày 17/05/2011 quy định xử lý kỷ luật đối với công chức. Công chức bị buộc thôi việc khi “Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp”. Khi xác định đúng bản chất vấn đề như trên thì việc buộc thôi việc, giải quyết lương và chế độ của ông Dương Chí Dũng được rõ ràng.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty Luật Đức Chánh, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh):
Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương: Bộ GTVT "lờ" Nghị định 34? - Ảnh 2
Luật sư Nguyễn Đức Chánh.
Vấn đề đặt ra ở đây là ngày 17/05/2012 sau khi biết tin Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam mình về hành vi tham ô, thì  Dũng đã bỏ trốn, mặc dù trước đó lịch công tác ngày 18/05/2012 của Dũng tại Cục Hàng hải vẫn làm việc bình thường.
Trong thời gian bỏ trốn, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an truy nã thì rõ ràng Dũng đã tự ý bỏ việc, không đến Cục Hàng hải làm việc theo đúng chức danh, nhiệm vụ của mình.
Như vậy, việc tự ý nghỉ việc trong khoản thời gian gần 4 tháng (từ lúc khởi tố ngày 17/05/2012 đến lúc bị bắt là ngày 05/09/2012) thì Bộ GTVT có thể thi hành biện pháp kỷ luật là buộc thôi việc đối với ông Dũng theo khoản 4 Điều 14, Nghị định 34/2011/NĐ-CP là “Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp;”
Việc Dũng trốn lệnh truy nã không chỉ là việc trốn tránh trách nhiệm hình sự mà còn lại hành vi tự ý nghỉ việc. Đây không phải là một hành vi mà xử lý 2 lần hay đã áp dụng biện pháp hình sự rồi thì không áp dụng biện pháp hành chính nữa hay phải chờ kết quả hình sự mới xử lý hành chính.
Theo tôi thì ở đây có là 2 mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. Một là trách nhiệm của cá nhân với hành vi vi phạm hình sự do mình gây ra và hai là hành vi vi phạm kỷ luật giữa cán bộ, công chức với cơ quan nhà nước mà mình đang giữ chức vụ, làm việc.
Chính vì sự “thận trọng” hay có thể là hiểu chưa đúng quy định pháp luật nên Bộ Giao thông Vận tải đã không xử lý kỷ luật đối với ông Dương Chí Dũng ngay từ đầu. Hậu quả là Ngân sách nhà nước phải bỏ ra trả cho ông Dũng trong khoảng thời gian ông bị tạm giam, mặc dù ông chẳng làm việc hay đóng góp gì cả.
Luật sư Vũ Văn Lợi (Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội):
Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương: Bộ GTVT "lờ" Nghị định 34? - Ảnh 3
Luật sư Vũ Văn Lợi.
Theo tôi thì Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngoài việc quy định bị buộc thôi việc đối với công chức thì Nghị định cũng quy định rõ, hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi; vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật như không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn; vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng... thì chịu hình thức kỷ luật giáng chức.
Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Qua cách làm của Bộ GTVT thì tôi thấy không phù hợp với quy định pháp luật, nhất là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.
 
Nguồn: doisongphapluat.com

SƠN HÙNG

28 tháng 6, 2014

Sưu tầm bài viết: Kẻ đánh gãy chân người yêu con gái bị đề nghị truy tố

Nghi ngờ Toàn đã "hại đời" con gái mình, ông Trung cùng vợ và con trai đã còng tay, đánh gãy chân, khiến thanh niên này bị thương tật 20%.
Ngày 28/6, cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã chuyển kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 3 bị can Lê Tấn Trung (44 tuổi), Lê Thị Phương Lan (42 tuổi, vợ Trung), Lê Tấn Trí (20 tuổi, con trai Trung) cùng ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc tội Cố ý gây thương tích.

Bắt hung thủ đánh gãy chân người yêu của con gái

Nghi ngờ Toàn đã "hại đời" con gái mình, ông Trung cùng những người trong gia đình đã còng tay, đánh gãy chân nam thanh niên này.
Theo kết luận điều tra, nghe con gái là Lê Ngọc Kim Quyên (17 tuổi) nói lại đã bị anh Trần Minh Toàn (23 tuổi) ở cùng ấp có hành vi hiếp dâm, Lan yêu cầu con trai là Trí gọi Toàn đến nhà để nói chuyện.
Không thừa nhận hành vi hiếp dâm Quyên, nam thanh niên 23 tuổi bị mẹ con Trí   dùng còng số 8 còng tay và dùng dây nịt đánh vào người.
Anh Toàn bị gia đình người yêu bị 20% tỉ lệ thương tật.
Anh Toàn bị gia đình người yêu bị 20% tỉ lệ thương tật.
Đi chơi về và được nghe lại câu chuyện, ông Trung đã hành hung Toàn. Sau đó, 2 cha con Trí dùng ống hơi bọc đầu sắt đánh nam thanh niên này.
Khi anh Toàn bỏ chạy, Trung dùng đây điện trói lại. Trí cùng nửa viên gạch ném vào chân Toàn.
Theo kết quả giám định thương tích tạm thời, Toàn thương tật 20%.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng kết luận điều tra của công an huyện Xuân Lộc chỉ khởi tố, điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự mà không khởi tố, điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật Hình sự là có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội.
Luật sư Chánh phân tích, với các tình tiết như: “Bị can Lan đã xông vào dùng tay đánh vào mặt và ôm Toàn lại. Đồng thời bảo bị can Trí vào phòng lấy còng số 8 ra còng anh này lại. Sau đó còn khóa cổng không cho nam thanh niên chạy khỏi.
Chưa hết, khi lực lượng công an xã đến trước cổng nhà thì 3 bị can này vẫn không mở khóa cửa cổng cho anh Toàn ra mà buộc công an  leo cổng vào cởi trói cho anh Toàn và đưa anh này đi cấp cứu…”
Với những hành vi mà kết luận điều tra đã nêu cho thấy bị can Lan, Trí có dấu hiệu của tội Bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Vì rõ ràng, bằng hành vi dùng còng số 8, hay khóa cổng lại đã hạn chế quyền tự do thân thể của anh Toàn. Sự hạn chế tự do thân thể này không thuộc bất kỳ quy định nào tại Bộ luật Tố tụng Hình sự hoặc tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Và việc bắt, giữ người trái pháp luật chỉ cần có hành vi, không quan trọng là bắt, giữ trong bao lâu thì đã đủ cấu thành tội phạm.


26 tháng 6, 2014

Sưu tầm bài viết: “Điểm yếu” trong vụ khám tiệm vàng chấn động

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích rõ hơn tính pháp lý của vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai gây chấn động mà VietNamNet thông tin.
Khám xét lẫn lập biên bản quả tang đều… không đúng
P.VMới đây, UBND TP.HCM ra quyết định phạt 400 triệu đồng với ông Dương Công Kiên vụ tiệm vàng Hoàng Mai, được xác định dựa trên quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, số 2446 ngày 23/4/2014 của Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh. Ông nhận xét gì về quyết định 2446?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Có thể khẳng định, quyết định 2446 của Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh là chưa đúng quy định pháp luật.
Theo khoản 1 điều 129 luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ, ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”. Rõ ràng khi khám xét tiệm vàng Hoàng Mai, trước đó chưa hề có biên bản vi phạm hành chính nào được lập, nhằm xác định hành vi vi phạm hành chính để ra quyết định khám xét.
Cũng tại khoản 2 điều luật này, thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp quận, huyện chỉ là cho phép khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở. Còn việc khám xét này là tiệm vàng Hoàng Mai thuộc công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai.
Quyết định khám xét ghi ngày 23/4/2014, trước 1 ngày khám xét, cũng không đúng.
tiệm vàng, Hoàng mai, khám xét
Vụ khám xét tiệm vàng Hoàng Mai đến nay vẫn gây tranh cãi
PVQuyết định xử phạt 400 triệu đồng với ông Kiên cũng căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số 26 do CA Q.Bình Thạnh lập ngày 19/5. Trước đó, CA Q.Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/4 với ông Kiên về hành vi mua bán ngoại tệ trái phép? Theo giải thích của đại diện CA TP.HCM, biên bản lập ngày 19/5 là để lập lại cho đúng với lỗi hoạt động ngoại hối trái phép của ông Kiên?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Luật xử lý vi phạm hành chính không có quy định nào về việc người có thẩm quyền có quyền lập lại biên bản vi phạm hành chính cho phù hợp với lỗi vi phạm.
Theo khoản 1 điều 58 luật xử lý vi phạm hành chính, “khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản…”. Còn theo khoản 3 điều 6 nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần…”
Dù CA Q.Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/4 hay lập lại biên bản vi phạm hành chính ngày 19/5 thì cũng đảm bảo quy định pháp luật. Nếu đúng như ông Kiên nói, CA lập biên bản vi phạm hành chính không giao cho ông 1 bản nào thì cũng không đúng quy định.
Như vậy, việc lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/4 (nếu có) và biên bản số 26 ngày 19/5 của CA Q.Bình Thạnh là chưa đúng quy định pháp luật.
PVÔng Dương Công Kiên nói, mình không phải là nhân viên tiệm vàng Hoàng Mai. Trong khi quyết định xử phạt ông 400 triệu đồng của UBND TP.HCM lại khẳng định điều này?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Nếu cho rằng ông Kiên là nhân viên của công ty Hoàng Mai thì phải có thỏa thuận thử việc hoặc hợp đồng lao động giữa ông Kiên (người lao động) với công ty Hoàng Mai (người sử dụng lao động). Nếu không có căn cứ như trên và ông Kiên, công ty Hoàng Mai không thừa nhận thì không thể khẳng định như vậy được.
Mua bán ngoại tệ hay hoạt động ngoại hối?
PVÔng Kiên cho rằng số tiền 100 USD mà CA Q.Bình Thạnh thu giữ không phải là tiền thu đổi ngoại tệ trái phép mà là tiền trong két sắt của giám đốc công ty Hoàng Mai. Ông ý kiến gì?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Về nguyên tắc việc chứng minh thuộc về cơ quan hoặc người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính.
tiệm vàng, Hoàng mai, khám xét
UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt ông Dương Công Kiên số tiền 400 triệu đồng. Hiện tại ông Kiên đang khiếu nại và có khả năng khởi kiện quyết định này.
PVCó luồng dư luận cho rằng, hành vi vi phạm (nếu có) của ông Kiên là hành vi mua, bán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật. Còn luồng quan điểm khác cho rằng hành vi vi phạm (nếu có) của ông Kiên là hoạt động ngoại hối không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Ông nhận định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Hiện nay trong điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) về giải thích từ ngữ thì không có một giải thích nào về thế nào là mua, bán ngoại tệ. 
Nếu căn cứ vào Pháp lệnh ngoại hối thì khó có thể xác định được hành vi thu đổi ngoại tệ là mua, bán ngoại tệ hay đó là hoạt động ngoại hối. Vì vậy, việc này cần phải có sự giải thích từ ngữ trong Pháp lệnh và thẩm quyền giải thích pháp lệnh là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PVNhưng thưa luật sư, thực tiễn thì rất ít khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật hay pháp lệnh. Vậy giải quyết việc này, có cách nào khác không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Căn cứ ra quyết định xử phạt hành chính là Nghị định 202/2004/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 95/2011/NĐ-CP). Vì vậy, trong quá trình giải quyết tại vụ kiện hành chính (nếu có) thì tòa án thụ lý giải quyết có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản nêu ý kiến. Trên cơ sở này tòa án sẽ tham khảo để ra phán quyết. Hiện nay chỉ có thể giải quyết như nói trên.
Thực tế cần có sự giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 202/2004/NĐ-CP, Nghị định 95/2011/NĐ-CP để thống nhất hình thức xử lý vi phạm hành chính.
PVTheo phía ông Kiên cung cấp thì quyết định 327 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 5/6 về việc xử phạt hành chính ông số tiền 400 triệu đồng, có đóng dấu “tối mật”. Vậy có đúng không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo quy định từ khoản 1 đến khoản 7 của điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước thì quyết định 327 này không thuộc đối tượng nào. Đồng thời, tôi cũng không tìm thấy quy định việc một quyết định xử phạt hành chính thuộc “tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ tối mật.” Theo tôi việc đóng dấu “tối mật” với văn bản cá biệt như quyết định xử phạt hành chính là chưa đúng.
Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính thì, “việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;”. Thậm chí một số trường hợp còn được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính.
PV: Hiện ông Kiên đang khiếu nại quyết định do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký, xử phạt ông 400 triệu đồng; trong trường hợp UBND TP.HCM bác đơn khiếu nại thì ông Kiên có thể làm gì trong trường hợp này?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Trong trường hợp ông Kiên bị bác đơn khiếu nại thì ông hoàn toàn có quyền khởi kiện quyết định nói trên tại TAND TP.HCM theo quy định của luật tố tụng hành chính.
P.VXin cám ơn luật sư

Đàm Đệ(thực hiện)
Nguồn: vietnamnet.vn

24 tháng 6, 2014

Sưu tầm bài viết: Con chó, mạng người

Vụ trộm chó vừa xảy ra ở Củ Chi (TP.HCM) một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng vì 3 người truy đuổi đã bị chính những kẻ trộm chó dùng súng kích xung điện bắn lại làm thiệt mạng. Có lẽ không đâu việc trộm chó lại ngang nhiên đến thế và chua xót hơn có đến 3 người bị thiệt mạng vì con chó.

Hành vi trộm chó ngày càng gây phẫn nộ trong dư luận, nhất là khi bọn trộm chỉ bị xử lý hành chính là xong. Không chỉ gọi là “cẩu tặc” mà người dân còn sẵn sàng “xử” bọn trộm chó thích đáng. Chính vì vậy, bọn trộm cũng liều lĩnh đáp trả, đánh người truy đuổi bằng hung khí để thoát mạng. Và chỉ vì con chó mà đã xảy ra những vụ cố ý gây thương tích, thậm chí giết người. Thật là chua chát!
Nói cho cùng thì luật pháp được xây dựng để giữ gìn an ninh trật tự, bình an cho cuộc sống người dân. Nhưng để dân bức xúc tự xử, tức là chế tài xử lý loại tội phạm này chưa nghiêm. Hành vi trộm chó thường diễn ra lén lút vào ban đêm, tang vật các vụ trộm chó thường chưa đến 2 triệu đồng, nhưng mỗi tên trộm chó nếu trót lọt có thể kiếm vài triệu mỗi đêm, trong khi có “sa lưới” cũng chỉ bị phạt như phủi bụi. Song song đó, những kẻ tiêu thụ chó trộm cũng chẳng ai sờ đến. Vậy nên, trộm chó cứ thế hoành hành và người dân càng căm ghét, sống mái với kẻ trộm chó.
Điều này không chỉ gây mất trật tự trị an trong xã hội mà còn gây xói mòn niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, vào chính quyền địa phương trong việc bảo vệ an ninh, trật tự cho người dân trước vấn nạn trộm chó.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã ban hành đạo luật về bảo vệ động vật như luật Animal welfare của Mỹ vào năm 1966; Sắc lệnh 2004-416  của Pháp… Ngay Hàn Quốc, nước có số người dân có thói quen ăn thịt chó lớn, cũng ban hành những quy định như buộc phải nuôi chó riêng để làm thịt… Còn ở nước ta, việc “trộm chó chỉ bị xử hành chính” và “kẻ mua chó trộm hầu như vô can”, dẫn đến việc xử lý nạn trộm chó vô cùng khó khăn và là một nghịch lý cần sớm khắc phục.
Đã đến lúc, nhà nước cần có văn bản pháp luật quy định về việc bảo vệ động vật (không phải là động vật hoang dã, quý hiếm) với nội dung là xây dựng một kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ vật nuôi; thiết lập quyền sở hữu vật nuôi (có giấy phép sở hữu vật nuôi, chứng nhận tiêm chủng hoặc đơn thuốc thú y để giúp chứng minh là họ sở hữu những vật nuôi đó); vật nuôi phải đăng ký để có mã số quản lý; quy định những trường hợp nào được giết động vật là vật nuôi làm thịt (như quy định phải nuôi chó riêng để làm thịt)... Đồng thời, xây dựng chế tài hình sự đối với hành vi vi phạm việc bảo vệ động vật thật nghiêm khắc cho tất cả đối tượng. Từ đó, những kẻ kinh doanh chó “lậu” sẽ không còn đất sống.
Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc thì mới có thể giảm bớt và tiến đến chấm dứt tình trạng trộm chó đang xảy ra khắp nơi ở nước ta. Đồng thời, nó giúp pháp luật lấy lại niềm tin từ người dân và không còn việc dân phải “tự xử”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh(Đoàn luật sư TP.HCM)
Nguồn: thanhnien.com.vn

22 tháng 6, 2014

Sưu tầm bài viết: Sức mạnh tống tiền của các diễn đàn “đen”

Từ những sân chơi chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, khi có đông thành viên không ít diễn đàn lại bắt đầu trở thành công cụ để tống tiền doanh nghiệp, phô diễn quyền lực đen đủi của admin.
Không còn là sân chơi lành mạnh của các thành viên, một số diễn đàn trên Internet bắt đầu có nhiều hoạt động biến tướng. Đặc biệt là việc nói xấu, ép doanh nghiệp (DN) phải quảng cáo sản phẩm trên diễn đàn đang ngày càng lộ liễu. Trong khi đó, đáng lo ngại là các cơ quan chức năng hầu như không có giải pháp để quản lý các tổ chức tự phát này.
Suýt chết vì bị cộng đồng “ném đá”
Anh T., giám đốc một công ty phân phối xe máy ở TP.HCM, đã hoạt động hơn 10 năm nay. Đến một ngày anh lang thang trên mạng thì phát hiện tên DN của mình bị bêu xấu trên một diễn đàn. Ban đầu chỉ là một bài viết của một thành viên trong diễn đàn than phiền và chê bai thậm tệ chính sách bảo hành của công ty. Ngay sau đó các thành viên khác nhảy vào “ném đá”, bình phẩm rất sôi nổi và đưa ra những bình luận xấu về công ty của anh. Không lâu sau đó doanh thu của công ty ngày càng sụt giảm nghiêm trọng.
Do ảnh hưởng đến hình ảnh công ty nên anh T. đã nhiều lần liên hệ chủ diễn đàn này để gỡ bài thì đơn vị này từ chối và liên tục ra điều kiện phải quảng cáo trên website này thì mới đóng lại diễn đàn. Sau nhiều lần không có kết quả, anh T. đã tự mình đi thu thập và xác minh thông tin người đưa nội dung bài viết lên trên diễn đàn nhưng tên tác giả và các địa chỉ liên hệ đều ảo. Về phía website chủ của diễn đàn thì đơn vị này tiếp tục gửi bảng giá quảng cáo trên website về công ty và yêu cầu công ty của anh T. quảng cáo.
Tình cờ anh T. kể câu chuyện này với một người bạn. Bạn anh T. mới ra tay giúp đỡ bằng cách nhờ thêm một người quen gọi điện thoại cho chủ của website của diễn đàn kia thì ngay lập tức bài viết trên diễn đàn đã được gỡ bỏ.
Anh K., từng là trưởng ngành hàng của một hãng điện thoại. Hãng điện thoại của anh mới vào thị trường Việt Nam thời gian ngắn thì có một diễn đàn công nghệ chào mời quảng cáo. Do xét thấy việc quảng cáo trên diễn đàn này chưa phù hợp với kế hoạch kinh doanh nên công ty anh từ chối. Tuy nhiên, sau đó khi sản phẩm của công ty anh mới ra mắt thì bị các thành viên trong diễn đàn tấn công chê bai liên tục thông qua các bài test sản phẩm. Những đợt tấn công cứ dồn dập theo các bài viết, đặc biệt là các bình luận phía sau chê bai sản phẩm thậm tệ. Đến lúc cảm thấy quá ảnh hưởng đến thương hiệu, công ty anh K. quyết định phải trả tiền làm quảng cáo cho sản phẩm của mình trên diễn đàn này.
Cướp cạn giữa ban ngày
Không chỉ riêng công ty anh K. lâm vào trường hợp này mà rất nhiều những công ty, DN đã rơi vào tình trạng bị cộng đồng mạng nói xấu không thương tiếc. Có DN âm thầm chịu đựng hứng chịu dư luận, tìm các mối quan hệ để gỡ rối nhưng cũng có DN mạnh tay tìm mọi cách để nhờ cơ quan quản lý can thiệp. Gần đây nhất là sự kiện Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia đã bị một diễn đàn về ô tô bêu xấu chất lượng dịch vụ sửa chữa ô tô của công ty này trong bốn năm liền. Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia đã bị thiệt hại về doanh thu khoảng 30% so với trước đó. Sau đó Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia đã khiếu nại lên các cơ quan chức năng và diễn đàn ô tô trên chỉ bị xử phạt... 25 triệu đồng. Diễn đàn này bị phạt vì chưa có giấy phép thành lập mạng xã hội và không quản lý, kiểm soát thông tin đăng tải dẫn đến xuất hiện những bài viết vô căn cứ, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia.
Theo giám đốc một DN kinh doanh ngành hàng công nghệ ở quận 5, “quyền lực” hiện nay của các diễn đàn rất lớn và nó ảnh hưởng nhiều đến DN nên ai cũng sợ. Đơn cử với một sản phẩm công nghệ, chỉ cần admin cho đăng những bài test sản phẩm theo hướng bất lợi sẽ rất dễ gây ra phản ứng dây chuyền công kích, chê bai. “Về phía DN thì họ cũng sợ, bởi một sản phẩm mới ra mắt nhưng bị chê bài nhiều chắc chắn doanh thu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó nếu tấn công lại các diễn đàn cũng là chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt là các khâu xử lý dài dòng phức tạp cho nên các DN đành chấp nhận chịu thiệt đăng quảng cáo o bế các admin” - DN trên cho hay.
Được biết hiện nay bên cạnh việc muốn quảng cáo thực sự cho các sản phẩm, để chiều lòng một vài diễn đàn các DN đã phải xem admin hay ban quản trị diễn đàn ngang hàng, đôi lúc còn được ưu tiên hơn các cơ quan báo chí. Đơn cử như các cuộc họp báo trong mảng công nghệ thông tin, các diễn đàn đều có “phóng viên” riêng đến đưa tin.
NAM TRÂN
Đội “lính đánh thuê” đáng gờm
Theo một giám đốc công ty điện tử (giấu tên), trong giới công nghệ hiện nay có một đội “lính đánh thuê” chuyên viết bài trên các diễn đàn nổi tiếng ở Việt Nam để hạ bệ các sản phẩm công nghệ mới ra của các công ty khác. Khi các công ty có nhu cầu đánh bại sản phẩm của đối thủ cạnh tranh thì ngay lập tức đội “lính đánh thuê” này sẽ đồng loạt lên các diễn đàn để viết bài chê bai và lôi kéo cộng đồng “ném đá” sản phẩm đó. Do những bài viết này mà sản phẩm của DN bị khách hàng hiểu sai và từ chối sản phẩm và lựa chọn một sản phẩm khác.
Thực sự là kiểu làm ăn thất đức
Có một thời gian khá dài tôi đóng vai trò mod (người điều hành) của một diễn đàn về mẹ và bé. Đây là một diễn đàn khá nổi tiếng với cả triệu thành viên trên cả nước và không ít thành viên là người Việt ở nước ngoài.
Thời gian đầu diễn đàn này hoạt động rất lành mạnh với mục đích là nơi để các thành viên (chủ yếu là các ông bố, bà mẹ, những người trẻ sắp lập gia đình…) vào cùng trao đổi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ… Nhưng theo thời gian, số lượng thành viên càng nhiều, web càng nổi tiếng, được nhiều người biết đến thì hoạt động của web lại càng trở nên thương mại hóa. Mất đi mục đích cao cả đã đặt ra ban đầu.
Vẫn biết rằng chẳng ai làm không công hoặc cho không ai cái gì cả. Đơn giản nhất là để duy trì hoạt động của một trang web thì cũng phải có tiền để chi phí cho việc vận hành server, nhân sự…
Tuy nhiên, việc mà tôi muốn nói tới ở đây là từ chỗ tạo được tiếng tăm, một số trang web - trong đó có website tôi cộng tác - lại dùng uy tín mà mình đã rất khó khăn mới tạo được để kiếm tiền theo cái cách mà nhiều người gọi là “vô cùng rẻ mạt và vô đạo đức”.
Nhìn trên trang web thấy khá nhiều quảng cáo nhấp nháy, banner hoành tráng, nhiều người nghĩ rằng chắc diễn đàn này có khoản thu rất khủng từ quảng cáo. Nhưng xin thưa, những quảng cáo hay banner đó 2/3 là miễn phí hoặc lên web do quan hệ quen thân, rồi ngoại giao.
Để kiếm thêm thu nhập, admin, smod và các mod ngoài việc chính của mình còn được giao thêm việc câu kéo quảng cáo về diễn đàn (nói văn hoa một tí là khuyến khích, mời gọi DN). Tệ hơn phải kể đến việc chính diễn đàn đã cho đăng các thông tin mạo danh để bôi nhọ DN hay cơ sở kinh doanh. Khi các DN, cơ sở gọi tới diễn đàn đề nghị rút tin xuống thì sau vài ba câu vòng vo, bao giờ DN cũng nhận được gợi ý rất ngọt: “Bên anh (chị) có thể hỗ trợ cho bên mình một hợp đồng quảng cáo không? Giá cả rất ưu đãi. Bên mình sẽ xem xét rút tin xuống một cách sớm nhất”. Nếu DN đồng ý, tin bêu xấu sẽ mất tích nhanh không ngờ. Còn nếu chần chừ thì tin bêu xấu đó nó cứ on top hoài. Rồi một đội quân chẳng hiểu từ đâu chui ra cứ thế ném đá DN, bôi cho nó đã nhọ lại nhọ thêm. Một vài thành viên khơi mào, rồi sau đó tâm lý số đông, mọi người cứ thả sức ném đá trong khi không hiểu bản chất vấn đề khiến gạch đá đủ để xây một lâu đài đen xì xì.
Nhưng không phải DN cứ ấm ức chi tiền mua bình yên mà được yên thật sự mãi về sau đâu. Điển hình như vụ một studio áo cưới năm ngoái, DN đã bấm bụng nuốt cục tức vào trong để chi 5 triệu đồng quảng cáo trong thời gian ba tháng. Nhưng sau ba tháng, thông tin bôi nhọ lại xuất hiện (cứ gõ Google là thấy nó chình ình hiện lên hàng đầu). DN gọi điện thoại chất vấn ban quản trị, ban quản trị trả lời vòng vo nhưng cuối cùng vẫn cứ là: Có thể ký quảng cáo với bên mình không?
Cứ thế, lâu lâu lại thấy trên các diễn đàn rùm beng chuyện bị diễn đàn này tống tiền. Kêu bị diễn đàn này đưa quảng cáo ra làm điều kiện trao đổi mỗi khi DN gặp tai tiếng hoặc bị sao quả tạ tự nhiên rớt trúng đầu.
Bất bình trước cách quản lý và làm ăn chụp giật của diễn đàn, rất nhiều smod, mod có tâm, có trách nhiệm với cộng đồng đến rồi lại đi. Tôi cũng vậy, dù rất muốn gắn bó lâu dài với diễn đàn nhưng vì muốn đầu óc mình thanh thản nên tôi cũng bỏ cuộc. Làm ăn kiểu đó, nếu là người biết suy nghĩ thì thấy rằng đó thực sự là kiểu làm ăn thất đức.
Mẹ Bim Chiu

Ông VÕ ĐỖ THẮNG, ủy viên Chi hội An toàn Thông tin phía Nam (VNISA):
Diễn đàn không có quyền đánh giá sản phẩm

 
Hiện nay nếu bị nói xấu trên các diễn đàn, DN hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, việc xử lý này căn cứ theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đầu tiên DN nên thông tin đến các admin diễn đàn thông báo về tình trạng bị nói xấu. Nếu các admin không xử lý thì DN có thể gửi thông báo đến Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, đơn vị này sẽ xử lý rất nhanh chóng. Riêng với các trường hợp test các sản phẩm hàng công nghệ hiện nay, thực tế muốn chứng minh một sản phẩm dở hay hay thì cần phải có một cơ quan có chuyên môn kiểm định độc lập, đặc biệt phải được sự đồng ý của DN. Thế nên nếu một diễn đàn tự ý test sản phẩm rồi đưa ra nhận định theo hướng xấu gây ảnh hưởng đến DN thì DN có thể chứng minh thiệt hại và yêu cầu xử lý.
Ông NGUYỄN KHOA HỒNG THÀNH, Phó Giám đốc công ty Emerald Digital Marketing:
Minh định thông tin trên các kênh truyền thông uy tín

 
Các diễn đàn do các cá nhân tổ chức tạo ra là nơi các thành viên có thể khen, chê, bày tỏ bức xúc của mình về một quan điểm nào đó. Họ có thể tỏ thái độ không hài lòng hoặc than phiền về một sản phẩm hoặc một dịch vụ của DN đưa ra. Thông tin đó có thể chưa tìm hiểu rõ vấn đề, chưa được kiểm chứng kỹ. Đôi lúc diễn đàn là nơi để đối thủ cạnh tranh của các DN lợi dụng để nói xấu, “chơi bẩn” với DN khác. Hoặc chủ diễn đàn tạo ra nhằm mục đích thu lợi cá nhân.
“Khi tên công ty hoặc DN bị “chơi xấu” trên diễn đàn, tốt nhất ngay lập tức bạn phải xác minh người đưa ra thông tin xấu đó trên diễn đàn và tìm hiểu nội dung kia đã chính xác hay chưa. Nếu đây không phải là ý kiến của thành viên diễn đàn đó và sai sự thật thì hãy gửi công văn đến chủ diễn đàn đó để yêu cầu gỡ bài. Sau đó công ty nên có chiến lược quảng bá và minh định thông tin trên các kênh truyền thông khác uy tín hơn. Không đâu tốt bằng chính công ty nói về vấn đề đó trên truyền thông chính thức. Đối với các diễn đàn ý kiến của một cá nhân có thể làm cho một nhóm cộng đồng thuyết phục chứ không thể thuyết phục mọi người.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNHĐoàn Luật sư TP.HCM:
DN nên đi kiện

 
Với những hành vi lợi dụng trang mạng xã hội, các diễn đàn, website nói xấu hay có hành vi vu khống,… mang tính xúc phạm, làm mất hoặc giảm uy tín, thương hiệu và gây thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cá nhân, tổ chức thì tùy vào trường hợp cụ thể mà bị áp dụng các biện pháp, chế tài hành chính, hình sự hay khởi kiện dân sự để giải quyết. Đối với tổ chức, DN cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây: “Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo điểm a khoản 4 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Đối với cá nhân, tổ chức lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin nếu có một trong các hành vi sau đây: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Nếu cá nhân, tổ chức nào đó bị bêu xấu, xúc phạm, vu khống… và bị thiệt hại do hành vi xâm phạm này gây ra thì có thể tiến hành một vụ kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với chủ trang website hay người đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống lên diễn đàn, trang mạng xã hội. Cá nhân, tổ chức khởi kiện phải chứng minh được có hành vi, chứng minh thiệt hại mà DN mình gánh chịu, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại và lỗi của cá nhân, tổ chức bị kiện gây ra.

N
Nguồn: phapluattp.vn