Vụ trộm chó vừa xảy ra ở Củ Chi (TP.HCM) một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng vì 3 người truy đuổi đã bị chính những kẻ trộm chó dùng súng kích xung điện bắn lại làm thiệt mạng. Có lẽ không đâu việc trộm chó lại ngang nhiên đến thế và chua xót hơn có đến 3 người bị thiệt mạng vì con chó.
Hành vi trộm chó ngày càng gây phẫn nộ trong dư luận, nhất là khi bọn trộm chỉ bị xử lý hành chính là xong. Không chỉ gọi là “cẩu tặc” mà người dân còn sẵn sàng “xử” bọn trộm chó thích đáng. Chính vì vậy, bọn trộm cũng liều lĩnh đáp trả, đánh người truy đuổi bằng hung khí để thoát mạng. Và chỉ vì con chó mà đã xảy ra những vụ cố ý gây thương tích, thậm chí giết người. Thật là chua chát!
Nói cho cùng thì luật pháp được xây dựng để giữ gìn an ninh trật tự, bình an cho cuộc sống người dân. Nhưng để dân bức xúc tự xử, tức là chế tài xử lý loại tội phạm này chưa nghiêm. Hành vi trộm chó thường diễn ra lén lút vào ban đêm, tang vật các vụ trộm chó thường chưa đến 2 triệu đồng, nhưng mỗi tên trộm chó nếu trót lọt có thể kiếm vài triệu mỗi đêm, trong khi có “sa lưới” cũng chỉ bị phạt như phủi bụi. Song song đó, những kẻ tiêu thụ chó trộm cũng chẳng ai sờ đến. Vậy nên, trộm chó cứ thế hoành hành và người dân càng căm ghét, sống mái với kẻ trộm chó.
Điều này không chỉ gây mất trật tự trị an trong xã hội mà còn gây xói mòn niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, vào chính quyền địa phương trong việc bảo vệ an ninh, trật tự cho người dân trước vấn nạn trộm chó.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã ban hành đạo luật về bảo vệ động vật như luật Animal welfare của Mỹ vào năm 1966; Sắc lệnh 2004-416 của Pháp… Ngay Hàn Quốc, nước có số người dân có thói quen ăn thịt chó lớn, cũng ban hành những quy định như buộc phải nuôi chó riêng để làm thịt… Còn ở nước ta, việc “trộm chó chỉ bị xử hành chính” và “kẻ mua chó trộm hầu như vô can”, dẫn đến việc xử lý nạn trộm chó vô cùng khó khăn và là một nghịch lý cần sớm khắc phục.
Đã đến lúc, nhà nước cần có văn bản pháp luật quy định về việc bảo vệ động vật (không phải là động vật hoang dã, quý hiếm) với nội dung là xây dựng một kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ vật nuôi; thiết lập quyền sở hữu vật nuôi (có giấy phép sở hữu vật nuôi, chứng nhận tiêm chủng hoặc đơn thuốc thú y để giúp chứng minh là họ sở hữu những vật nuôi đó); vật nuôi phải đăng ký để có mã số quản lý; quy định những trường hợp nào được giết động vật là vật nuôi làm thịt (như quy định phải nuôi chó riêng để làm thịt)... Đồng thời, xây dựng chế tài hình sự đối với hành vi vi phạm việc bảo vệ động vật thật nghiêm khắc cho tất cả đối tượng. Từ đó, những kẻ kinh doanh chó “lậu” sẽ không còn đất sống.
Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc thì mới có thể giảm bớt và tiến đến chấm dứt tình trạng trộm chó đang xảy ra khắp nơi ở nước ta. Đồng thời, nó giúp pháp luật lấy lại niềm tin từ người dân và không còn việc dân phải “tự xử”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh(Đoàn luật sư TP.HCM)
Nguồn: thanhnien.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét