Bộ GTVT khẳng định việc trả lương cũng như quyết định buộc thôi việc gần đây đối với Dương Chí Dũng là đúng pháp luật, trong khi các luật sư cho rằng Bộ này dường như "quên" quy định tại Nghị định 34.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công trả lời báo chí, xác nhận việc Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện việc cho trả 50% lương cho cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng từ khi bị bắt đến khi có bản án phúc thẩm.
Trong nội dung trả lời khẳng định khoảng thời gian bốn tháng Dương Chí Dũng bỏ trốn (từ ngày bị khởi tố 17/5/2012 đến ngày bị bắt 5/9/2012), Cục Hàng hải không thực hiện việc trả lương cho cựu Cục trưởng. Việc Cục Hàng hải Việt Nam chi trả lương đối với ông Dương Chí Dũng và Bộ GTVT ra quyết định buộc thôi việc với ông là đúng với các quy định hiện hành của pháp luật.
Tuy nhiên, dư luận không đồng tình với cách trả lời của Bộ GTVT. Phóng viên báo Đời sống và pháp luật ghi lại một số ý kiến của luật sư làm sơ sở để bạn đọc hiểu hơn về sự việc.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên. |
Ngày 10/06/2014, Bộ GTVT ban hành quyết định buộc thôi việc đối với ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT. Điều dư luận quan tâm là trong thời gian hơn 2 năm bị khởi tố, điều tra, truy, xét xử ông Dũng vẫn được hưởng lương và chưa bị buộc thôi việc.
Trước đó, khi biết thông tin mình bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra thì ngày 17/05/2012, Dương Chí Dũng chạy trốn sang nước ngoài. Cơ quan điều tra phát lệnh truy nã, sau gần 4 tháng truy nã, bắt được Dũng khi đang trốn ở nước ngoài. Căn cứ hành vi như vậy đủ thấy Dương Chí Dũng vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ của một cán bộ, công chức, tự ý bỏ việc, khi biết bị khởi tố thì cố tình bỏ trốn, cản trở quá trình điều tra vụ án. Có thể nói, đạo đức công chức có nghĩa vụ bắt buộc, có tính tự nguyện rất cao, đòi hỏi người cán bộ, công chức khi đã dấn thân vào sự nghiệp thì phải tuân thủ và phụng sự.
Tuy nhiên, Dũng đã không làm trọn được việc này, hành vi tự ý nghỉ việc của Dũng có thể bị buộc thôi việc ngay tại thời điểm tự ý bỏ việc để trốn lệnh truy nã của cơ quan điều tra.
Khoản 4, điều 14, Nghị định 34/2011/NĐ-CP, ngày 17/05/2011 quy định xử lý kỷ luật đối với công chức. Công chức bị buộc thôi việc khi “Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp”. Khi xác định đúng bản chất vấn đề như trên thì việc buộc thôi việc, giải quyết lương và chế độ của ông Dương Chí Dũng được rõ ràng.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty Luật Đức Chánh, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh):
Luật sư Nguyễn Đức Chánh. |
Vấn đề đặt ra ở đây là ngày 17/05/2012 sau khi biết tin Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam mình về hành vi tham ô, thì Dũng đã bỏ trốn, mặc dù trước đó lịch công tác ngày 18/05/2012 của Dũng tại Cục Hàng hải vẫn làm việc bình thường.
Trong thời gian bỏ trốn, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an truy nã thì rõ ràng Dũng đã tự ý bỏ việc, không đến Cục Hàng hải làm việc theo đúng chức danh, nhiệm vụ của mình.
Như vậy, việc tự ý nghỉ việc trong khoản thời gian gần 4 tháng (từ lúc khởi tố ngày 17/05/2012 đến lúc bị bắt là ngày 05/09/2012) thì Bộ GTVT có thể thi hành biện pháp kỷ luật là buộc thôi việc đối với ông Dũng theo khoản 4 Điều 14, Nghị định 34/2011/NĐ-CP là “Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp;”
Việc Dũng trốn lệnh truy nã không chỉ là việc trốn tránh trách nhiệm hình sự mà còn lại hành vi tự ý nghỉ việc. Đây không phải là một hành vi mà xử lý 2 lần hay đã áp dụng biện pháp hình sự rồi thì không áp dụng biện pháp hành chính nữa hay phải chờ kết quả hình sự mới xử lý hành chính.
Theo tôi thì ở đây có là 2 mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. Một là trách nhiệm của cá nhân với hành vi vi phạm hình sự do mình gây ra và hai là hành vi vi phạm kỷ luật giữa cán bộ, công chức với cơ quan nhà nước mà mình đang giữ chức vụ, làm việc.
Chính vì sự “thận trọng” hay có thể là hiểu chưa đúng quy định pháp luật nên Bộ Giao thông Vận tải đã không xử lý kỷ luật đối với ông Dương Chí Dũng ngay từ đầu. Hậu quả là Ngân sách nhà nước phải bỏ ra trả cho ông Dũng trong khoảng thời gian ông bị tạm giam, mặc dù ông chẳng làm việc hay đóng góp gì cả.
Luật sư Vũ Văn Lợi (Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội):
Luật sư Vũ Văn Lợi. |
Theo tôi thì Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngoài việc quy định bị buộc thôi việc đối với công chức thì Nghị định cũng quy định rõ, hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi; vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật như không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn; vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng... thì chịu hình thức kỷ luật giáng chức.
Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Qua cách làm của Bộ GTVT thì tôi thấy không phù hợp với quy định pháp luật, nhất là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.
Nguồn: doisongphapluat.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét