26 tháng 10, 2014

Sưu tầm bài viết: Vụ nổ tang thương ở TP.HCM: Giật mình với quy trình pha trộn hóa chất!

Liên quan điến việc khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm tại xưởng sản xuất phân bón “chui” gây nổ, các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường đã có báo cáo bước đầu về vụ việc.
Sơ ý khi bào chế?
Ngày 20/10, Phòng Pháp chế điều tra và xử lý về cháy nổ, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã có báo cáo công tác khám nghiệm hiện trường và điều tra bước đầu về nguyên nhân vụ nổ hóa chất kinh hoàng tại chi nhánh Công ty Công ty TNHH sản xuất thương mại Đặng Huỳnh (địa chỉ số 66/2 đường Lê Thị Riêng, khu phố 5, phường Thới An, quận 12) vào chiều 17/10.
Theo đó, cơ quan chức năng nhận định nhiều khả năng trong lúc làm việc công nhân tại đây bất cẩn gây nổ các hàng trăm ký hóa chất. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bào chế thuốc pháo sơ ý gây nổ.
Vị trí phát nổ tạo hố hình phễu đường kính 4,9 mét, sâu 1,2 mét. Cơ quan điều tra thu giữ 1 bếp gas hiệu NAMILUX bị biến dạng và 2 vỏ bình gas mi ni gần đó. Kiểm tra đường dây điện tại cửa ra vào công ty không cho thấy có dấu hiệu của sự cố chập điện.
Theo thông tin điều tra của công an, hằng ngày tại chi chánh trên có 3 công nhân (đã tử vong) làm việc từ sáng đến chiều. Nơi đây sản xuất phân bón lá và thuốc xịt bảo vệ hoa. Nguyên liệu là các hóa chất và cũng là tiền chất tạo thuốc nổ như Kali Nitrat (KNO3),  Kali Clorat (KClO3), Napthalen Acetic Axit (NAA), Amoniac (NH3)…
Khám nghiệm hiện trường vụ nổ (Ảnh: Phương Nguyễn)
Đáng nói quá trình sản xuất đều được công nhân thực hiện bằng tay, ngay cả việc pha trộn hóa chất. Quá trình đóng nắp, dán nhãn chai, lọ được thực hiện như sau: Sau khi pha trộn hóa chất theo tỷ lệ nhất định từng loại sản phẩm công nhân sẽ cho vào các chai, lọ đóng nắp lại. Màng co ở nắp chai, lọ được nhúng vào nước đun sôi (bằng bếp gas mi ni) cho dính ở nắp rồi sau đó dán nhãn hàng.
Cơ quan chức năng đã phát hiện lượng lớn hóa chất dùng làm nguyên liệu sản xuất được đặt trong bao chất thành đống để trước cửa phòng pha trộn phân bón. Gần đó còn có nhiều thùng phuy, can nhựa chứa dung dịch.
Đại tá Lê Phước Tường, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM cho biết đang chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra, khi đó sẽ xem xét khởi tố vụ án hay tạm giữ giám đốc Công ty Đặng Huỳnh là ông Huỳnh Văn Hải (SN 1970).
Trách nhiệm bồi thường
Đến nay, nguyên nhân chính gây ra vụ nổ vẫn chưa làm sáng tỏ, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra nên để xác định dấu hiệu hình sự là chưa rõ ràng.
Liên quan đến những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Công ty Đặng Huỳnh cũng như việc bồi thường thiệt hại cho người dân sau vụ nổ, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định:
Qua thông tin có được thì với hành vi sản xuất phân bón tại trụ sở chi nhánh trong khi trong giấy phép kinh doanh của Công ty Đặng Huỳnh và giấy phép hoạt động của chi nhánh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp đều không được sản xuất tại trụ sở. Đây là hành vi có dấu hiệu hình sự của Tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ thì những chất dùng để sản xuất phân bón vô cơ gồm Kalinitrat (KNO3), Kali Clorat (KClO3)...là “tiền chất thuốc nổ”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 76/2014/NĐ-CP ngày 29/07/2014 của Chính phủ về trách nhiệm tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ thì: “Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về tiền chất thuốc nổ; về phòng cháy, chữa cháy; về an ninh, trật tự, an toàn cho xã hội; về bảo vệ môi trường.”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM
Để xảy ra một vụ cháy nổ lớn như vậy, không thể không nghi ngờ về các biện pháp PCCC của công ty Đặng Huỳnh này có đúng với quy định của nhà nước hay không? Nếu như có sự vi phạm các quy tắc an toàn về PCCC thì những người có trách nhiệm của công ty này, cũng như chi nhánh công ty còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 240 Bộ luật hình sự:“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”. Nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, Công ty Đặng Huỳnh nếu có mua bảo hiểm cháy nổ thì trách nhiệm bồi thường đầu tiên do đơn vị bảo hiểm chi trả, nếu vượt quá phạm vi bảo hiểm thì Công ty Đặng Huỳnh phải bồi thường phần còn lại. Nếu không có bảo hiểm cháy nổ thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm thiệt hại do cháy nổ, là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 và mục III của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường của Công ty Đặng Huỳnh vẫn phải chịu ngay cả khi không có lỗi.
Phương Nguyễn
Nguồn: infonet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét