17 tháng 10, 2014

Sưu tầm bài viết: KSV không được uống cà phê với đương sự

Như báo pháp luật đã phản ánh chuyện trước một phiên xử của TAND huyện Châu Thành (Long An), kiểm sát viên giữ quyền công tố đã ngồi uống cà phê với người bị tòa nghi phạm tội. Các chuyên gia đều cho rằng hành vi này đã vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc KSV ngồi uống cà phê chung với đương sự trong vụ án là vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 15 Pháp lệnh về KSV VKSND năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Theo đó, KSV không được tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong các vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
Hoãn xử, yêu cầu VKS đổi KSV?
Ông Trần Minh Sơn (Phó Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thêm điểm g Phần 1 Chỉ thị số 05/2014 của VKSND Tối cao (về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự trong ngành kiểm sát nhân dân) cũng quy định nghiêm cấm KSV tiếp người tham gia tố tụng trong các vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định. Như vậy, việc kiểm sát viên (KSV) giữ quyền công tố tiếp xúc với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - cũng là người bị tòa nghi vấn phạm tội - tại quán cà phê trước khi xét xử là trái chỉ thị trong ngành.
Theo ông Sơn, trong trường hợp này, TAND huyện Châu Thành cần chấp nhận yêu cầu của luật sư, hoãn xử để yêu cầu VKS thay đổi KSV khác. Việc HĐXX vẫn tiếp tục xét xử là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Bởi lẽ điểm a khoản 1 Điều 45 BLTTHS quy định KSV bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 BLTTHS, trong đó có trường hợp “có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”. Ở đây, việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự chính là “căn cứ rõ ràng khác” đó.
Đồng tình, luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích: Vụ án này rất nhạy cảm ở chỗ trước đó tòa đã từng trả hồ sơ yêu cầu VKS xem xét trách nhiệm hình sự của đương sự này nhưng VKS không đồng ý, cương quyết bảo lưu quan điểm đương sự không phạm tội. Nay trước giờ xử, KSV lại ngồi uống cà phê chung với đương sự thì càng làm cho dư luận, gia đình nạn nhân có cơ sở để nghi ngờ về sự thiếu khách quan, không vô tư của phía VKS.
KSV Trương Văn Vũ đang ngồi uống cà phê với ông Sang - người bị tòa yêu cầu VKS khởi tố. Ảnh: N.NGA
“HĐXX đã nhận định việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự là không đúng quy định của pháp luật nhưng lại cho rằng việc này không làm thay đổi nội dung vụ án là chưa ổn. Nếu bản án bị kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm cần hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu do TAND huyện Châu Thành đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi không thay đổi KSV” - luật sư Tám nói.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét: “Chưa cần biết KSV và đương sự ngồi uống cà phê bàn chuyện gì nhưng rất dễ dẫn đến dư luận đàm tiếu. Lẽ ra tòa nên hoãn xử để chờ có KSV mới chứ cứ để KSV này giữ quyền công tố rất dễ tạo nên phản cảm”.
Cứ xử rồi để tòa phúc thẩm xem xét?
Thừa nhận việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự trước giờ xử là sai quy định nhưng một KSV ở Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao tại TP.HCM lại cho rằng về mặt tố tụng, để chứng minh KSV không vô tư, khách quan thì rất khó. Bởi việc ngồi uống cà phê như vậy có ảnh hưởng tới vụ án hay không thì cần phải có kết luận rõ ràng.
“Đôi khi người ta chỉ vô tình gặp nhau tại quán cà phê rồi chào nhau, chỉ ngồi nói đôi ba câu xã giao thì sao? Do đó, việc tòa sơ thẩm không hoãn xử, yêu cầu VKS đổi KSV khác cũng hợp lý bởi không làm chậm tiến độ giải quyết án, hơn nữa sau đó vẫn còn có tòa phúc thẩm. Nếu tòa phúc thẩm cho rằng có việc bỏ lọt tội phạm hay xử không đúng người, đúng tội thì họ sẽ hủy án” - vị KSV này nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh cũng nói để kết luận KSV trong trường hợp này là không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ thì chưa thật sự có căn cứ rõ ràng lắm. Nhưng qua sự việc trên, KSV vẫn cần rút kinh nghiệm bởi hình ảnh ngồi uống cà phê với đương sự có thể đặt ra những nghi vấn về tính vô tư, khách quan của KSV trong vụ án.
NGÂN NGA

“Phải giữ chứ không mang tiếng lắm!”
Hai thẩm phán ở TP.HCM và Đồng Nai (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: Trong nội bộ các cơ quan tố tụng ở địa phương họ, lãnh đạo đều quán triệt là không được mang hồ sơ ra ngoài, không được tiếp xúc với bị can, bị cáo, đương sự ngoài nơi làm việc. Thậm chí một thẩm phán có vợ là luật sư cũng bị nhắc nhở là tránh giao tiếp với nhau bên ngoài trong giờ làm việc bởi người ngoài nhìn vào sẽ không hay. “Chúng tôi đi uống cà phê mà vô tình gặp đương sự thì sẽ tìm cách từ chối không ngồi chung bàn, không giao tiếp riêng, nếu khó xử quá thì tìm lý do để ra về chứ không thì mang tiếng lắm. Cho dù mình vô tư không có gì nhưng người Việt Nam có thói quen là đã ngồi chung bàn thì một trong hai sẽ giành trả tiền chứ hiếm khi của ai nấy trả lắm” - một thẩm phán kể.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 26-8 vừa qua, TAND huyện Châu Thành (Long An) đã phạt Võ Văn Quốc tám năm tù tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, Đặng Ngọc Thanh bảy năm tù về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Điều đáng chú ý là tòa còn yêu cầu VKS phải khởi tố thêm ông Phạm Thanh Sang (chủ sà lan gây tai nạn) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy dù trước đó VKS đã từng nhiều lần từ chối, cương quyết cho rằng ông Sang không phạm tội.
Một điều gây chú ý khác là ngay đầu phiên tòa này, luật sư của gia đình nạn nhân đã yêu cầu HĐXX phải dừng phiên tòa để thay đổi KSV Trương Văn Vũ, người giữ quyền công tố. Theo luật sư, trước giờ xử ông Vũ đã ngồi uống cà phê với ông Sang tại một quán cà phê cách tòa án vài căn nên sẽ dễ dẫn đến không khách quan. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị của luật sư với lý do “Xét thấy việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự Sang là không đúng quy định của pháp luật nhưng việc này không làm thay đổi nội dung vụ án”.


Nguồn: plo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét