24 tháng 10, 2013

Sưu tầm bài viết về mình: Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường sẽ phải nhận khung hình phạt nào?

Liên quan đến vụ bác sĩ vứt bệnh nhân xuống sông Hồng, các chuyên gia pháp lý đều chung một nhận định việc tìm được thi thể của nạn nhân, để xác định chị Huyền chết trước hay sau khi bị vứt xuống sông, sẽ là căn cứ để biết bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phải nhận khung hình phạt nào.

Ông Tường (áo trắng) bị cơ quan công an dẫn giải khỏi Thẩm mỹ viện Cát Tường - Ảnh: Đan Hạ


Trong sáng 23.10, vợ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã được triệu tập tới trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài ra theo quan sát của Thanh Niên Online, một số lượng lớn tân dược cũng được đưa về đây. Theo đại tá Dương Văn Trọng Giáp - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP.Hà Nội), hiện Cơ quan CSĐT đã tiến hành khởi tố với ba tội danh: giết người, che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm; bắt khẩn cấp hai người. Bên cạnh đó, 10 người khác đang làm việc tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường cũng được triệu tập lên để phục vụ công tác điều tra.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, TP.HCM) bác sĩ Tường là bác sĩ chuyên khoa ngoại nên được phép phẫu thuật. Tuy nhiên cơ sở y tế Cát Tường không có chức năng giải phẫu, vì vậy việc giải phẫu của bác sĩ Tường không được xem là đang thực hiện công việc, nghề nghiệp. Hành vi giải phẫu của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường dẫn đến cái chết của nạn nhân là đã có dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về khám chữa bệnh... dịch vụ y tế khác” theo điều 242 bộ luật Hình sự (BLHS).
Để có thể đi đến kết luận khách quan và chính xác cần phải tìm được xác nạn nhân, kết luận nguyên nhân chết cũng như cái chết đến trước hay sau khi bị đẩy xuống sông để quy buộc chính xác tội danh. Nếu nạn nhân chết do giải phẫu khi cơ sở Cát Tường không có chức năng thì ngoài tội danh trên, bác sĩ Tường còn bị truy cứu thêm “tội xâm phạm thi thể...” theo điều 246 BLHS.
Nếu nạn nhân chết do ngạt nước, tức chết sau khi bị ném xuống nước thì hành vi của những người có liên quan cấu thành tội “giết người” theo quy định tại điều 93 BLHS với hai tình tiết định khung tăng nặng là “Để che giấu tội phạm khác và vì động cơ đê hèn”. Bởi rõ ràng, đây là hành vi nhằm che giấu hậu quả trong hoạt động nghề nghiệp và lẽ ra bác sĩ Tường phải sử dụng mọi khả năng, biện pháp có thể để cấp cứu nạn nhân hoặc chuyển viện nhưng đã chọn cách xử sự khác để nhằm phi tang, nhằm chối bỏ trách nhiệm.
Tội "giết người" với hai tình tiết định khung tăng nặng như trên có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Tội vô ý làm chết người khoản 1 có hình phạt cao nhất là 6 năm tù. Tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người có hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Tội xâm phạm thi thể có hình phạt cao nhất là 5 năm tù
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) lại cho rằng: Nếu trong quá trình điều tra và kết luận giám định pháp y xác định nạn nhân đã chết trước khi bị ném xuống sông do hành vi yếu kém chuyên môn thì hành vi của bác sĩ Tường có dấu hiệu của tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo điều 99 BLHS và hành vi vứt xác nạn nhân là tình tiết tăng nặng theo điểm O khoản 1 điều 48 BLHS vì “Có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm”.
Nếu sau khi xảy ra vụ việc, bác sĩ Tường đến trình báo ngay với cơ quan chức năng thì đó sẽ được xem là hành vi tự thú trước khi cơ quan chức năng phát giác, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xem xét hình phạt.
Hà An - Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét