‘Chạy việc’ phổ biến trong hệ thống hành chính nhà nước, nhưng chính quyền vẫn không dễ thừa nhận.
Tiền đi trước việc theo sau
Ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, quan chức đầu tiên của Việt Nam thừa nhận tại cuộc họp hội đồng nhân dân của thành phố trong này 7/12/2012: “Để có được chân công chức ở Hà Nội số tiền bỏ ra không thể dưới 100 triệu đồng.”
Trọng Kha, phóng viên tại Hà Nội của một tờ báo ở Sài Gòn cho rằng “tùy theo vị trí, lĩnh vực, nhưng giá ông Dực đưa ra thấp hơn so với thực tế”.
Bỏ tiền ‘bôi trơn’ để có được việc không phải chuyện của riêng Hà Nội, mà có mặt tại mọi nơi trên Việt Nam.
Tốt nghiệp loại giỏi ngành sư phạm ngữ văn Trường Đại học sư phạm Huế, cô Q Hương ở Quảng Bình vẫn không thể xin được nơi dạy. Nghe trường nào có biên chế thêm giáo viên cô đều đến nộp, hồ sơ vẫn nhận nhưng họ cũng nói chưa tuyển. Đến khi gặp được trưởng phòng giáo dục huyện gợi ý, muốn đi dạy cô phải có 80 triệu đồng lót đường. “Để học xong bố mẹ phải vay ngân hàng, nợ nần chưa trả xong, lấy đâu ra chừng đó tiền để chạy việc,” Hương nói. Nữa năm không xin được việc, cô đành vào Sài Gòn làm nhân viên văn phòng.
Tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành y, để vào được bệnh viện một tỉnh tại Tây Nguyên, TQ An tại Tam Kỳ, Quảng Nam, phải mất gần 100 triệu đồng. Để có đủ số tiền lo việc cho gia đình anh phải mượn của người thân, vay ngân hàng. An chia sẻ: “Mới vào làm phải tiết kiệm lắm lương mới đủ sống, nợ nần lúc xin việc vẫn phải trông chờ vào gia đình trả dần”.
Đầu tư có lợi
Bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để có việc làm, sau đó đồng lương nhận được chỉ vài triệu đồng phải chăng là sự đầu tư dại dột? Ông Nguyễn Đình Hương, cựu phó ban tổ chức trung ương trả lời báo chí trong nước đã lý giải: “Nói dại dột không đúng, mà là đầu tư dũng cảm, có tính toán cả. Có những vị trí chỉ cần một năm đã hoàn vốn.”
Làm nhà nước thời gian đầu có thể khó khăn vì đồng lương thấp, nhưng sau đó đa số công chức này đều giàu lên nhanh chóng. Nếu chỉ trông chờ vào lương công chức phải chật vật lắm để sống, nhưng thực tế đa số họ thuộc những người khá và giàu. Cơ chế hiện nay cứ ‘có quyền sẽ đẻ ra tiền’ – tức là quyền lực tạo cho người ta cơ hội thu nhập ngầm mà nói trắng ra là ăn hối lộ. Một thạc sỹ giảng dạy về xã hội học nói, nhưng yêu cầu được dấu tên.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, công ty luật Minh Mẫn tại Sài Gòn lại lý giải: “Không phải ai cũng có hoàn cảnh giống nhau, vì cần công việc ổn định, gần nhà, thích làm nhà nước nên mới ‘chạy việc’. Giáo viên, ngành y... không có nhiều sự lựa chọn nếu không ‘chạy việc’ thì bị điều động công tác ở xa. Cũng không ít kẻ cơ hội ‘chạy việc’ đến ‘chạy chức’ để có quyền lực và dùng quyền lực để làm chuyện bất chính.”
Thói quen lâu năm
‘Chạy việc’ trở thành phổ biến, luật bất thành văn, vì thế quy định thi công chức hiện nay ở nhiều nơi chỉ còn hình thức. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Trong bộ máy hiện nay có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp về. Đây là hệ quả của việc chạy công chức vẫn diễn ra và chế độ thi cử đầu vào bất cập.”
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Xoan, trưởng khoa xã hội học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng: “‘chạy việc’ trở thành thói quen lâu năm trong hệ thống hành chính nhà nước.”
Không phải ai bỏ tiền xin việc cũng tính đường thu lại. Nhiều người chấp nhận ‘chạy việc’ do thấy mình không đáp ứng nhu cầu chuyên môn, thích làm gần nhà, muốn có công việc ổn định mà không phải cạnh tranh nhiều. Và cả tâm lý của một số người làm việc nhà nước để có vị trí xã hội.
Tiến sĩ Xoan thừa nhận dù phổ biến ở Việt Nam, nhưng “đây là vấn đề nhạy cảm chưa có công trình nghiên cứu”. Để hạn chế ‘chạy việc’ phải thực hiện cách làm khoán việc, khoán kinh phí.”
Bức xúc chi tiền có việc
Tốt nghiệp ngành môi trường, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Đình Thi trở về Bình Thuận với mong muốn tìm được việc ở quê, sống gần nhà. Thi nhớ lại: “Nộp hồ sơ từ cơ quan cấp tỉnh, đến cấp huyện chỗ nào cũng nhận được lời hứa “để xem xét”. Đến khi anh của một người bạn đang làm trong một sở giải thích: Đừng lạc quan quá không thân thế, xin ‘chay’ như thế ai nhận?”
“Bỏ tiền của, công sức, thời gian ra đi học, đến lúc muốn có việc làm phải bỏ tiền tôi không thể chấp nhận. Nếu đơn vị tuyển dụng muốn làm tốt công việc của mình tại sao không công khai, nghiêm túc thi tuyển chọn người có đủ chuyên môn mà phải đồng tiền đi trước,” Thi bức xúc.
“Cùng với việc dựa vào thân thế, thói quen có việc làm bằng tiền làm cho công việc kém hiệu quả, tính cạnh tranh thấp”, Tiến sĩ Xoan nhận xét.
Võ Thái
Nguồn: http://www.radioaustralia.net.au/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét