11 tháng 7, 2013

Sưu tầm bài báo về mình: Được đình chỉ nhưng vẫn kêu oan

Ông Thiện bảo ông bị oan chứ không thể nói “do chuyển biến tình hình” để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Tôi nghĩ cơ quan điều tra đang tìm cách né bồi thường oan”. Ông Lê Đức Thiện đã nói như vậy khi đề cập đến quyết định của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về việc đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thiện do chuyển biến của tình hình, hành vi của ông không còn nguy hiểm... Trước đó ông Thiện bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vướng vòng lao lý

Tháng 6-2006, ông Thiện bị khởi tố, bắt tạm giam. Cơ quan điều tra cho rằng ông Thiện đã nhờ anh H. đứng tên giúp một lô đất của người khác rồi chuyển nhượng bất hợp pháp cho ông C. để chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng.

Sau đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Thiện 15 năm tù, buộc bồi thường cho ông C. số tiền đã chiếm đoạt. Tuy nhiên, ông C. cho rằng ông Thiện không hề lừa mình, cơ quan tố tụng xác định ông là người bị hại trong vụ án là không đúng nên đã cùng với ông Thiện kháng cáo.

Ngày 18-8-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do việc điều tra ở cấp sơ thẩm đã không đầy đủ và xác định sai tư cách người tham gia tố tụng.


Ông Thiện (trái) đang nhờ luật sư Nguyễn ĐứcChánh kêu oan. Ảnh: HT

Một năm sau, VKSND TP.HCM ra cáo trạng mới xác định đất trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hai người khác nên đưa hai ông này vào vụ án với tư cách nạn nhân.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21-4-2011, hai nạn nhân trên đều khẳng định mình không phải là người bị hại trong vụ án này vì diện tích đất trên đã được bán trước đó đúng theo ý chí của hai ông và hai ông đã nhận đủ tiền. Do vậy, tòa đã phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Do VKS vẫn giữ nguyên quan điểm là hai người này là người bị hại nên ngày 30-5-2012, tòa tiếp tục hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định lại người bị hại trong vụ án.

Ông Thiện bị tạm giam cho đến tháng 6-2012 thì được tại ngoại.

Né bồi thường?

Ông Thiện cho biết ngày 15-11-2012, ông được đình chỉ điều tra. Cơ quan điều tra cho rằng trước đó, tòa án đã xử vụ tranh chấp liên quan đến lô đất nói trên. Kết quả, tòa hủy quyết định của ủy ban về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho anh H. (người được ông Thiện nhờ đứng tên). Tòa công nhận việc cấp giấy tờ đất cho anh H. là đúng quy định nên việc chuyển nhượng đất cho ông C. cũng là hợp pháp. Phán quyết này chính là sự “chuyển biến tình hình”, hành vi của ông Thiện không còn nguy hiểm cho xã hội nữa...

Tuy nhiên, theo ông Thiện, ông không hề có hành vi vi phạm nên không thể quy kết ông phạm tội. Càng không thể cho rằng “do chuyển biến tình hình” để miễn truy cứu hình sự cho ông. Phán quyết của tòa ban hành ngày 18-3-2010 nhưng tháng 11-2010, chính VKSND TP.HCM ra cáo trạng mới thay thế cho cáo trạng trước đó và vẫn truy tố ông. Một năm sau, VKS cũng giữ nguyên quan điểm truy tố, ông vẫn bị tạm giam cho đến tháng 6-2012 mới được cho tại ngoại. “Trước sau cơ quan chức năng vẫn cho rằng tôi sai phạm chứ không có động thái nào thể hiện đã làm oan” - ông Thiện cho biết...

Hiểu sai tinh thần điều luật
Khoản 1 Điều 25 BLHS quy định, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Quy định “do chuyển biến tình hình” ở đây phải được hiểu là sự thay đổi về chính sách pháp luật, chủ trương của Nhà nước. Ví dụ: Trước đây hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 500.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nay thay đổi thành từ 2 triệu đồng trở lên. Theo nội dung báo nêu, cơ quan điều tra căn cứ vào phán quyết của tòa để cho rằng “do chuyển biến tình hình” rồi áp dụng khoản 1 Điều 25 là hiểu không đúng tinh thần của điều luật.
Giảng viên TRẦN THANH THẢO, Trường ĐH Luật TP.HCM
HỒNG TÚ

 Nguồn: phapluattp.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét