11 tháng 7, 2013

Sưu tầm bài báo về mình: Truy tố sai rồi né bồi thường

Điểm mấu chốt trong vụ án là không có thiệt hại xảy ra, không có ai bị thiệt hại - một yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội lừa đảo.


Mới đây, VKSND TP.HCM đã có quyết định bác đơn khiếu nại của ông Lê Đức Thiện, ngụ quận Bình Tân. Điều đáng nói là VKS đã viện dẫn một cách hiểu hoàn toàn sai luật để từ chối trách nhiệm của các cơ quan tố tụng địa phương.

Đây là một vụ án lạ lùng mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Theo đó, năm 2006, ông Thiện bị Công an quận Bình Tân khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận điều tra, ông Thiện đã nhờ ông Nguyễn Quốc Hoàng đứng tên giúp trên diện tích 791 m2 đất của người khác rồi chuyển nhượng bất hợp pháp cho ông Trịnh Kiên Cường để chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng.

Gian nan đi tìm… người bị hại

Tháng 5-2009, TAND TP đã xử sơ thẩm lần đầu, phạt ông Thiện 15 năm tù và buộc bồi thường cho ông Cường. Tuy nhiên, ông Cường lại cho rằng mình không hề bị thiệt hại, cơ quan tố tụng xác định ông là người bị hại là sai bởi ông đã mua được đất. Vì vậy, sau đó bản án sơ thẩm này đã bị tòa phúc thẩm hủy.

Tháng 11-2010, VKS TP có cáo trạng mới, xác định mảnh đất 791 m2thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Văn Tấn và ông Lê Văn Nga (chủ đất cũ) nên hai ông này là người bị hại. Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm lần hai, ông Tấn và ông Nga đều khẳng định mình không phải là người bị hại vì mảnh đất đã được bán đúng theo ý chí của hai ông và hai ông đã nhận đủ tiền. TAND TP đành phải hoãn xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Do VKS TP vẫn giữ nguyên quan điểm nên tháng 5-2012, TAND TP đưa ra xử sơ thẩm lần ba và tiếp tục hoãn xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm xác định người bị hại.



Ông Thiện (bên trái) đang nhờ luật sư Nguyễn Đức Chánh tư vấn pháp lý. Ảnh: H.TÚ

Miễn trách nhiệm hình sự

Ngược dòng thời gian, song song với vụ án hình sự này còn diễn ra một vụ án hành chính cũng xuất phát từ việc chuyển nhượng đất trên.

Cụ thể, năm tháng sau khi ông Thiện bị bắt, theo đề nghị của cơ quan điều tra, UBND quận Bình Tân đã ra quyết định thu hồi giấy đỏ 791 m2 đất cấp cho ông Hoàng (người mà cơ quan điều tra cho rằng được ông Thiện nhờ đứng tên trên giấy đỏ). Lúc này ông Cường (người mua đất) đã khởi kiện yêu cầu tòa hủy quyết định thu hồi của UBND quận Bình Tân vì cho rằng việc thu hồi trên ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.

Tháng 8-2008, TAND quận Bình Tân đã bác yêu cầu của ông Cường. Ông Cường kháng cáo. Tháng 7-2009, TAND TP đã chấp nhận yêu cầu của ông Cường, hủy quyết định thu hồi giấy đỏ của UBND quận Bình Tân.

Bốn tháng sau, viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, tháng 3-2010, Tòa Hành chính TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm số 02 bác kháng nghị vì bản án phúc thẩm của TAND TP là đúng pháp luật.

Trở lại vụ án hình sự của ông Thiện, tháng 1-2013, ông nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can. Cơ quan điều tra đã căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm số 02 của Tòa Hành chính TAND Tối cao, cho rằng đây là sự “chuyển biến tình hình” nên miễn trách nhiệm hình sự cho ông theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Ông Thiện không đồng ý với lý do đình chỉ điều tra nên khiếu nại. Ngày 4-4 vừa qua, VKS TP đã có quyết định bác đơn khiếu nại của ông như đã nói. Đáng chú ý là VKS cho rằng “do có sự chuyển biến tình hình có Quyết định giám đốc thẩm số 02/2010/HC-GĐT của Tòa Hành chính TAND Tối cao, dẫn đến việc các cơ quan tố tụng không thể xác định bị hại trong vụ án”. Từ đó, VKS kết luận việc cơ quan điều tra căn cứ vào khoản 1 Điều 25 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thiện là có căn cứ, đúng pháp luật.

Vận dụng sai luật

Giảng viên Trần Thanh Thảo (khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết khoản 1 Điều 25 BLHS quy định người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Theo ông Thảo, cả về mặt khoa học pháp lý hình sự lẫn thực tiễn xét xử, trường hợp “chuyển biến của tình hình” nói trên luôn được hiểu là có sự thay đổi về chủ trương, chính sách, quy định nên hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội. Việc “chuyển biến của tình hình” này phải được ghi nhận bằng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Ông Thảo ví dụ: Trước đây một số hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000 đồng trở lên bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2009, Quốc hội ra Nghị quyết 33 nâng mức định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị quyết 33 chính là sự “chuyển biến của tình hình” và những trường hợp bị khởi tố vì chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng trước khi Nghị quyết 33 có hiệu lực sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Như vậy, việc cơ quan điều tra, VKS viện dẫn một quyết định giám đốc thẩm cụ thể trong một vụ án hành chính, cho rằng đó là “sự chuyển biến của tình hình” để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thiện là hoàn toàn sai. Sự vận dụng sai luật này dẫn đến hệ quả là ông Thiện sẽ không được xác định là bị oan, không được bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước!

Phải sòng phẳng với người bị oan!

Theo chúng tôi, việc cơ quan điều tra lấy quyết định giám đốc thẩm của Tòa Hành chính TAND Tối cao để làm căn cứ đình chỉ điều tra bị can còn nhiều điều khác cần phải xem lại.

Thứ nhất, quyết định giám đốc thẩm khẳng định bản án phúc thẩm (hủy quyết định thu hồi giấy đỏ của UBND quận Bình Tân) là đúng pháp luật. Như vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên là hợp pháp nên việc xử lý hình sự ông Thiện rõ ràng là làm oan.

Thứ haiđiểm mấu chốt trong vụ án là không có thiệt hại xảy ra, không có ai bị thiệt hại - một yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. VKS TP “đổ lỗi” rằng quyết định giám đốc thẩm “dẫn đến việc các cơ quan tố tụng không thể xác định bị hại trong vụ án” là vô lý. Bởi lẽ suốt gần bốn năm trước khi có quyết định giám đốc thẩm này, cơ quan điều tra đã không làm rõ được ai là người bị hại.

Hình sự hóa quan hệ dân sự, đến khi giải quyết hậu quả, cơ quan tố tụng địa phương lại vận dụng sai luật để không phải bồi thường oan. Chúng tôi đề nghị các cơ quan tố tụng trung ương kiểm tra, xem xét lại vụ việc để bảo đảm pháp luật được thực thi một cách đúng đắn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của một công dân bị làm oan.
“Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại”


Tôi bị tạm giam từ tháng 6-2006 đến tháng 6-2012 mới được tại ngoại, đến tháng 9-2012 mới được đình chỉ điều tra. Trong khi đó, Quyết định giám đốc thẩm số 02 của Tòa Hành chính TAND Tối cao được ban hành từ tháng 3-2010. Nếu cơ quan điều tra và VKS cho rằng quyết định giám đốc thẩm này là “chuyển biến của tình hình” thì phải đình chỉ điều tra ngay sau đó chứ tại sao còn tiếp tục tạm giam, tiếp tục ra cáo trạng mới và hai lần truy tố tôi ra tòa?

Thậm chí đến ngày 11-10-2011, tức một năm rưỡi sau khi có Quyết định giám đốc thẩm số 02, VKS vẫn ra văn bản khẳng định tôi có tội. Vậy tại sao đến lúc đình chỉ điều tra thì lại “bấu víu” vào quyết định giám đốc thẩm này để né tránh trách nhiệm bồi thường oan cho tôi?
Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại đến cơ quan tố tụng cấp cao hơn, đồng thời khiếu nại đến Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Ông LÊ ĐỨC THIỆN

Được minh oan nhờ VKSND Tối cao vào cuộc

Những năm qua đã xảy ra không ít trường hợp cơ quan tố tụng nóng vội xử lý hình sự nhưng không chứng minh được tội phạm. Thay vì thừa nhận làm oan, các cơ quan tố tụng lại vận dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để né trách nhiệm bồi thường.

Gần đây nhất, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trường hợp của anh Nguyễn Minh Sang, ngụ huyện Châu Thành (Tiền Giang). Anh Sang bị người chú nghi ngờ trộm ĐTDĐ, nhẫn vàng nên bắt giao công an. Chứng cứ buộc tội rất yếu ớt nhưng anh Sang vẫn bị khởi tố, truy tố, kết án tù. Bản án sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại. Sau bảy tháng điều tra lại không có kết quả, tháng 11-2012, Cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định điều tra bị can với lý do hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải vụ việc, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKS tỉnh Tiền Giang kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao. Theo VKSND Tối cao, khi không chứng minh được anh Sang có hành vi phạm tội thì phải đình chỉ điều tra theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS (đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm) chứ không phải khoản 1 Điều 25 BLHS.

Ngày 14-3 vừa qua, Công an huyện Châu Thành đã ra văn bản thừa nhận việc viện dẫn khoản 1 Điều 25 BLHS để làm cơ sở đình chỉ điều tra với anh Sang là sai. Do đó, công an huyện đã hủy bỏ quyết định đình chỉ cũ, đồng thời ban hành quyết định đình chỉ mới theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS.

Nhờ chỉ đạo của VKSND Tối cao mà anh Sang đã được minh oan. Hiện anh đang làm các thủ tục để yêu cầu được bồi thường oan.
HỒNG TÚ
Nguồn: phapluattp.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét