Câu 1: Tôi năm nay 28 tuổi. Vợ chồng tôi kết hôn được gần 4 năm nay. Hiện nay có một bé gái 2 tuổi. Trong quá chung sống, vợ chồng chúng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng không thể hàn gắn được nên tôi muốn ly hôn. Tôi muốn trực tiếp nuôi con, tuy nhiên thu nhập hàng tháng của tôi chỉ khoảng 4 triệu. Chồng tôi có công việc ổn định, thu nhập hơn 10 triệu. Vậy khi ly hôn tôi có quyền nuôi con không? (Thúy Vân, Q.Bình Thạnh – Tp.HCM)
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Minh Nhật Phượng (http://luatminhman.vn/)
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Như vậy, nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận gì khác thì bạn sẽ được quyền trực tiếp nuôi con và chồng bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Câu 2:
Khó khăn lắm chúng tôi mới có 1 đứa con nhưng chồng tôi nghi ngờ, không thừa nhận cháu bé là con của mình. Vì bị nghi ngờ và hành vi quá đáng của chồng nên tôi quyết định ly hôn. Chồng tôi đồng ý thuận tình ly hôn nhưng từ chối việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Tôi muốn hỏi việc chồng tôi không thừa nhận con và việc không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn sẽ giải quyết như thế nào? (Tố Trâm, quận 1 – Tp.HCM)
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (http://luatminhman.vn/)
Về con chung: Về mặt pháp lý, " Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật Hôn nhân và gia đình được xác định là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ, chồng”.
Như vậy, về nguyên tắc con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng bạn. Trong trường hợp chồng bạn không thừa nhận đứa trẻ là con của mình thì phải có chứng cứ để chứng minh và phải được xác định bằng một quyết định hoặc bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Về cấp dưỡng: Theo quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau ly hôn thì: "…Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con".
Với quy định trên, sau khi ly hôn, nếu chồng bạn không trực tiếp nuôi con phải nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng hai bên tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án khi giải quyết ly hôn.
Câu 3
Chúng tôi đã chung sống với nhau hơn 20 năm, thời gian gần đây tôi phát hiện anh ta có cô bồ trẻ, bỏ mặc mẹ con tôi. Khi tôi nói chuyện về việc này, anh ta thách thức và đề nghị ly hôn. Giờ tôi mệt mỏi quá nên chấp nhận việc thuận tình ly hôn. Nhưng tôi băn khoăn là con trai chúng tôi năm nay học năm thứ 2 trường Đại học Tự nhiên. Do cháu vẫn còn đi học, mà việc học của cháu cần rất nhiều khoản chi tiêu nên tôi đề nghị chồng tôi chu cấp tiền nuôi cháu đến khi cháu ra trường, chồng tôi không chấp nhận. Trường hợp của tôi khi ra Tòa tôi có quyền yêu cầu Tòa án buộc anh ta phải cấp dưỡng nuôi con đến khi học xong đại học không? (Mỹ Linh, Biên Hòa – Đồng Nai)
Luật sư Cao Thế Luận (http://luatminhman.vn/)
Mặc dù câu hỏi của chị không nêu rõ con chung của 02 vợ chồng hiện nay bao nhiêu tuổi nhưng căn cứ vào thông tin con chị đang học năm thứ 2 đại học, thì khả năng cháu đã trên 18 tuổi.
Theo quy định nêu trên thì cha mẹ chỉ buộc phải cấp dưỡng nuôi con khi con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Trong trường hợp của bạn thì Tòa án sẽ không chấp nhận việc yêu cầu chồng bạn phải cấp dưỡng cho con cho đến khi học xong đại học. Vì cháu đã trên 18 tuổi, là người có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực dân sự.
Vấn đề này bạn nên dùng tình cảm, trách nhiệm của người làm cha để có thể thỏa thuận lại với chồng mình, đề nghị ông ta gửi tiền cho con ăn học đến khi ra trường, tự lập đi làm. Việc này là do sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên.
Câu 4:
Tôi lập gia đình được 6 năm, có một con chung 4 tuổi. Thời gian gần đây vợ chồng chúng tôi không còn tình cảm như xưa. Mâu thuẫn liên tiếp xảy ra mà không tìm được tiếng nói chung. Chúng tôi đành phải ly thân 1 thời gian nhưng vẫn sống chung nhà. Sau một thời gian không thể hàn gắn được nên tôi viết đơn xin ly hôn và xin được quyền nuôi con. Trong suốt thời gian dài do phải ở nhà nuôi con nên hiện nay thu nhập của tôi thấp, không bằng chồng tôi. Anh ta thường hay nhậu nhẹt, bỏ bê con cái và từ trước đến nay con đều do một tay tôi trực tiếp chăn sóc, nuôi dưỡng. Vậy mà giờ anh ta lại cũng đòi trực tiếp nuôi dưỡng cháu. Tôi sợ sau này ra Tòa thì tôi không được quyền trực tiếp nuôi con nên nhờ luật sư tư vấn giúp. (Hồng Hạnh, Châu Thành – Đồng Tháp)
Chuyên viên tư vấn Trần Thị Ngọc Yến (http://luatminhman.vn/)
Về nguyên tắc, con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
Đầu tiên vợ chồng bạn khi ly hôn có thể thoả thuận về người trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Trường hợp vợ chồng bạn không thỏa thuận được với nhau về việc bạn hay chồng bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con. Tòa án sẽ xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu bé trên thực tế, không chỉ là vấn đề thu nhập của cha hay mẹ cao hơn mà điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là các điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm về việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con. Nếu bạn có đủ cơ sở để chứng minh việc chồng bạn không đảm bảo được các quyền lợi của con, ngoài thu nhập. Trong khi đó, bạn lại đáp ứng được đầy đủ được những điều kiện này thì cơ hội giành quyền nuôi con của bạn là có.
Nguồn: phunungaynay.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét