21 tháng 7, 2013

Sưu tầm bài báo về mình: Hỏi - đáp: Luật Bình Đẳng Giới

Mặc dù Luật Bình đẳng giới được Quốc hội ban hành năm 2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2007. Nhưng không phải ai cũng biết đến nội dung quy định của luật này. Phụ Nữ Ngày Nay sẽ nhờ luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Mẫn chia sẻ, giải đáp những vấn đề về quy định của Luật Bình đẳng giới.

Để bảo đảm về mặt pháp lý việc thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng các quyền tự do cá nhân của nam, nữ trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà nước có chính sách nào về bình đẳng giới?
Để bảo đảm quyền bình đẳng giới, Nhà nước có các chính sách sau:
- Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
- Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.
- Áp dụng những biện pháp thích hợp để xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
- Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Luật bình đẳng giới quy định như thế nào về quyền bình đẳng của nam, nữ trong việc tham gia lĩnh vực chính trị.
Luật bình đẳng giới quy định quyền nam, nữ trong lĩnh vực chính trị gồm:
- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
- Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
Để thực thi các quy định trên Luật Bình đẳng giới còn quy định về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
- Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
- Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Chẳng hạn, theo thống kê thì tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội nước ta các khóa XI là 136/498 người, chiếm tỷ lệ 27,31%; khóa XII là 127/493 người, chiếm tỷ lệ 25,76% và 122/500 người, chiếm tỷ lệ 24,40%.
Luật bình đẳng giới quy định như thế nào về quyền bình đẳng của nam, nữ trong việc tham gia lĩnh vực lao động.
Luật bình đẳng giới quy định quyền nam, nữ trong lĩnh vực lao động gồm:
- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
Nhà nước có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
- Quy định về tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ.
- Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Nguồn: phunungaynay.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét