26 tháng 4, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Vụ 'Tiệm vàng bị niêm phong 559 lượng vàng': Luật sư nói gì?

(TNO) Như đã thông tin, trưa 24.4, một thanh niên vào tiệm vàng Hoàng Mai đổi 100 USD ra tiền Việt. Sau khi người này rời khỏi tiệm vàng, Công an quận Bình Thạnh lập biên bản khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với tiệm vàng Hoàng Mai từ khoảng 12 giờ 30 đến 21 giờ 30 cùng ngày, thu giữ 15.000 USD, 2.300 bath Thái Lan và 559 lượng vàng SJC.


Tiệm vàng Hoàng Mai - Ảnh: Công Nguyên 
Hiện số ngoại tệ này đang được cơ quan chức năng tạm giữ, số vàng thì được niêm phong để ở tiệm xử lý sau. Cơ quan điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang tiếp tục xem xét xử lý vi phạm về hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép đối với bà Nguyễn Thị Thanh Mai - chủ tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh).
Không giao quyết định khám xét cho đương sự là sai
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, tiệm vàng Hoàng Mai kinh doanh vàng nhiều năm nay. Theo trình bày của bà Mai, số tiền ngoại tệ công an thu giữ là do khám xét từ trong các tủ của gia đình, không phải là ngoại tệ do mua bán. Nguồn gốc của số ngoại tệ là của các con của bà cho. Phía cơ quan chức năng chỉ giao cho bà biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

“Theo tôi, trong trường hợp này bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai, nên khởi kiện hành chính đối với Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính số 2446 ngày 23.4.2014 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh. Nếu chứng minh được quyết định này là trái luật, gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp mình thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 4 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”, luật sư Nguyễn Đức Chánh nói.
Theo biên bản này, cơ quan chức năng thi hành quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Thu Hà ký ngày 23.4. Tuy nhiên, quyết định khám xét không được giao cho đối tượng bị khám xét.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty luật Đức Chánh) khẳng định: “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. Thêm vào đó, việc khám xét này phải có quyết định khám nơi cất giấu tang vật, trong đó ghi rõ nơi khám và địa chỉ cụ thể của chỗ ở; ghi rõ khám toàn bộ nơi làm việc, hoặc khám một phần của các nơi đó…
“Như vậy, khi ban hành Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính số 2446 ngày 23.4.2014 của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh thì phải có căn cứ cho rằng tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM) thuộc công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai do bà Nguyễn Thị Thanh Mai làm giám đốc là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Chứ không thể căn cứ vào việc trưa ngày 24.4.2014 có 'nghi vấn' 1 thanh niên đã đổi 100 USD tại tiệm vàng này mà khám nơi này vì quyết định này ban hành trước khi có sự việc vi phạm hành chính xảy ra một ngày”, luật sư Chánh phân tích.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 129 luật Xử lý vi phạm hành chính: “Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 1 bản”.
Không được niêm phong vàng đang kinh doanh
Việc cơ quan chức năng lục lọi trong các tủ, thu giữ tất cả số ngoại tệ mà tiệm vàng có là không đúng, vì nguồn gốc của số ngoại tệ này không phải tất cả đều vi phạm.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) chỉ rõ theo quy định của điều 123, 129 luật Xử lý vi phạm hành chính, thì bà Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh không có thẩm quyền khám xét địa điểm kinh doanh (theo quy định chủ tịch UBND cấp huyện chỉ có thẩm quyền ban hành quyết định khám xét chỗ ở). Trong trường hợp này, rõ ràng cơ quan chức năng khám xét địa điểm kinh doanh, thẩm quyền khám xét thuộc những người khác. Đặc biệt, theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền chỉ được tạm giữ tang vật vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, tang vật vi phạm hành chính nếu có là 100 USD và phải được bắt quả tang.
“Việc cơ quan chức năng lục lọi trong các tủ, thu giữ tất cả số ngoại tệ mà tiệm vàng có là không đúng, vì nguồn gốc của số ngoại tệ này không phải tất cả đều vi phạm. Bên cạnh đó, nhà nước cũng không cấm người dân giữ ngoại tệ. Việc tiệm vàng Hoàng Mai có trữ ngoại tệ cũng không có gì sai, chỉ sai nếu thu đổi ngoại tệ không có giấy phép và số ngoại tệ thu đổi trái phép mới là vi phạm pháp luật, mới bị tạm giữ”, luật sư Hà Hải phân tích.
Theo luật sư Hà Hải, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được số ngoại tệ mình đang tạm giữ là do bà Mai thu đổi trái phép thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện và phải có người có thẩm quyền quyết định.
“Ngoài ra, doanh nghiệp của bà Mai là nơi kinh doanh, mua bán vàng. Do đó, vàng là hàng hóa dùng để kinh doanh mua bán. Nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được nguồn gốc số vàng đó là do vi phạm pháp luật mà có thì không được quyền niêm phong”, luật sư Hà Hải nói.
 Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn

24 tháng 4, 2014

Sưu tầm bài báo về mình: Luật sư nói về vụ 'thanh niên bị cha bạn gái đánh gãy chân'


"Nếu nghi con gái bị hiếp dâm, cha mẹ Quyên nên giữ lại quần áo, dấu vết tinh trùng… để tố cáo chứ không nên bắt, đánh người trái pháp luật", Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho biết.
Nghi ngờ con gái bị "hại đời", đêm ngày 19/4, gia đình ông Lê Tấn Trung (44 tuổi, ngụ ấp Việt Kiều, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) hành hạ anh Trần Minh Toàn (23 tuổi, ngụ cùng địa phương) đến gãy chân, phải nhập viện cấp cứu. Zing.vn có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) xung quanh vấn đề pháp lý của vụ việc.
- Mẹ, cha và anh trai của Quyên (bạn gái anh Trần Minh Toàn) kêu anh này đến nói chuyện nhưng lại nhốt, dùng còng số 8 khóa tay rồi hành hạ thân thể. Hành vi này bị xử lý như thế nào?
- Nếu đúng như lời kể của anh Toàn thì hành vi của cha mẹ, anh trai Quyên đã có dấu hiệu của tội Bắt giữ người trái pháp luật.
Theo quy định, chỉ những chủ thể trong các điều kiện nhất định mà pháp luật cho phép thì mới có quyền hạn chế quyền tự do thân thể của người khác. Đó là những trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã,… được quy định tại Bộ luật Hình sự hoặc tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Nhập mô tả cho ảnh
Luật sư Nguyễn Đức Chánh.
Như vậy, hành vi của ông Trung, bà Lan và Trí đã xâm phạm quyền tự do về thân thể của anh Toàn và phải chịu hình phạt theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
- Ông Trung, bà Lan, Trí dùng chén sứ, dây nịt, khay inox liên tục đánh vào đầu, mặt, ngực anh Toàn. Sau đó ông Trung còn dùng xà beng đánh khiến nạn nhân bị gãy xương. Hành vi này đã có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích chưa?
- Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP và tại tiểu mục 2.2, Mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP thì các công cụ, dụng cụ được chế tạo nhằm phục vụ cuộc sống của con người (trong sản xuất, sinh hoạt) hoặc vật mà đối tượng chế tạo ra làm phương tiện thực hiện hành vi... gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì được xác định là hung khí nguy hiểm.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ cho giám định để xác định tỷ lệ thương tật của anh Toàn để làm cơ sở khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Viện KSND truy tố hành vi của ông Trung, bà Lan, Trí và họ chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi đã gây ra.

Bắt hung thủ đánh gãy chân người yêu của con gái

Nghi ngờ Toàn đã "hại đời" con gái mình, ông Trung cùng những người trong gia đình đã còng tay, đánh gãy chân nam thanh niên này.
- Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, gia đình ông Trung phải bồi thường về dân sự cho anh Toàn như thế nào?
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường theo Điều 609 Bộ luật Dân sự và theo Nghị quyết 03/2006/NĐ-CP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của người thiệt hại (bao gồm tiền thuê phương tiện đưa đi cấp cứu; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang)...
Ngoài ra, phải đền bù thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc này...
- Trong trường hợp bà Lan nghi ngờ Toàn hiếp dâm con gái mình là Quyên (17 tuổi), thì gia đình này nên xử lý như thế nào cho đúng pháp luật?
- Nếu đúng là Toàn có hành vi hiếp dâm Quyên thì đều đầu tiên gia đình bị hại phải lưu giữ bằng chứng là các vết rách trên quần áo, vết thương, hoặc dấu vết tinh trùng... Sau đó, đến công an xã Suối Cát hoặc công an huyện Xuân Lộc để trình báo.
Cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh bước đầu, như cho nạn nhân đi trưng cầu giám định, lấy lời khai. Nếu xác định có hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định pháp luật.
Những hành động của gia đình bà Lan là manh động, thiếu hiểu biết pháp luật. Điều này đã đẩy gia đình bà vào con đường phạm tội và đối mặt với hình phạt của pháp luật.

21 tháng 4, 2014

Hãng Luật Đức Chánh


* HÃNG LUẬT ĐỨC CHÁNH XIN Tự giới thiệu:

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp lý. Cùng với mục đích xây dựng thương hiệu về Hãng luật mạnh trên 3 lĩnh vực: Tranh tụng – Tư vấn pháp luật – Dịch vụ pháp lý. Cùng với các cộng sự của mình, chúng tôi đã thành lập Hãng luật Đức Chánh.
Tên tổ chức: CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỨC CHÁNH
Tên giao dịch: HÃNG LUẬT ĐỨC CHÁNH
Trụ sở: 91 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, Tp.Hồ Chí Minh
Website: www.luatducchanh.vn
Hotline: 0908.06.03.04

* Các Chi nhánh, địa chỉ giao dịch:
1. Chi nhánh Bình Định
Địa chỉ: 31 Phạm Hồng Thái, P.Thị Nại, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Hotline: 0989648616
2. Văn phòng tại Đồng Nai
Địa chỉ: 215B Phạm Văn Thuận, P.Tân Tiến, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Hotline: 0978716181
3. Văn phòng tại DakLak
Địa chỉ: 224 Y Moan, P.Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh DakLak
Hotline: 0947822730
4. Văn phòng tại Long An
Địa chỉ: Số 1, Đường N2, Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Hotline: 0939328728
5. Văn phòng tại Kiên Giang
Địa chỉ: Lô B3-01, KDC An Hòa, P.An Hòa, Tp.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
Hotline: 0918694499

* Thế mạnh của chúng tôi: Đội ngũ luật sư và cộng sự của Hãng luật Đức Chánh đều là những người có kiến thức chuyên môn tốt, có kinh nghiệm thực tiễn và mối quan hệ xã hội rộng rãi. Chúng tôi tự tin rằng mình sẽ đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của quý khách hàng.

* Sứ mệnh:
Đối với khách hàng: Đưa ra những giải pháp, lựa chọn tốt nhất về pháp lý cho khách hàng với chi phí hợp lý nhất.
Chúng tôi bảo vệ quyền lợi khách hàng hơn chính quyền lợi của mình.
Đối với xã hội: Góp phần bảo vệ công lý và xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội.

* Tầm nhìn:
Sẽ trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý.

 

* LOGO

logo

* SLOGAN: “VỮNG PHÁP LÝ, VỮNG NIỀM TIN”

1 tháng 4, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Vụ Chứng cứ thiếu thuyết phục vẫn tuyên án: Bỏ lọt tội phạm?

Chứng cứ thể hiện quá rõ ràng về hành vi “chạy” vào ngành công an với giá 120 triệu đồng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không xử lý.

Giấy biên nhận của Hà Thị Huệ nhận 50 triệu đồng để “chạy” vào Công an H.Bù Gia Mập - Ảnh: Hoàng Tuấn
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Mai Xuân Bình (34 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) phạm tội cưỡng đoạt tài sản đã kết thúc vào ngày 27.3. Tuy nhiên, qua phiên tòa sơ thẩm cho thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ án còn bỏ lọt tội phạm.
Cầm 120 triệu đồng“chạy” vào ngành công an
Theo lời khai của bà Nguyễn Thị Thương (43 tuổi, nguyên phóng viên Đài phát thanh - truyền hình Bình Phước) với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước, vào năm 2011 tại nhà riêng của mình, Nguyễn Viết San (SN 1981, ngụ tại xã Thiện Hưng, H.Bù Đốp, Bình Phước) gặp và bàn bạc với bà Hà Thị Huệ (SN 1976, nguyên Phó phòng Tiếng dân tộc Đài phát thanh - truyền hình Bình Phước) giúp San vào công tác tại Công an H.Bù Gia Mập (nơi ông Điểu Điều, chồng bà Huệ đang giữ chức Phó chủ tịch huyện). Do San không quen biết thân tình nên nhờ bà Thương đứng ra nhận tiền để giao cho bà Huệ. Tổng số tiền bà Thương đã nhận đủ 120 triệu đồng (không làm biên nhận), sau đó đã đưa trước cho bà Huệ 50 triệu đồng để “chạy” vào ngành công an. Việc giao 50 triệu đồng được bà Huệ viết biên nhận: “Hôm nay, ngày 8/9/2011 tôi tên Hà Thị Huệ nhận của chị Nguyễn Thị Thương 50.000.000 (năm mươi triệu đồng) để lo công việc cho Nguyễn Viết San. Nếu không lo được sẽ hoàn trả lại số tiền”. Cũng theo lời khai của bà Thương, một tháng sau khi nhận tiền và hồ sơ, bà Huệ đến đòi thêm 70 triệu đồng, nhưng do không chịu viết biên nhận nên bà Thương không đưa tiền. Do xin việc không được nên bà Thương nhiều lần đòi tiền để trả cho San, nhưng bà Huệ không trả. Mãi đến tháng 12.2012 bà Huệ mới trả lại tiền cho bà Thương.
Trong khi đó, theo lời khai của bà Huệ, qua gặp gỡ, bà Thương cho biết: “San chi ra 100 triệu đồng để lo xin việc vào Công an Bù Gia Mập”. Đồng thời bà Huệ cũng thừa nhận “cầm” trước 50 triệu đồng để lo việc cho San. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, bà Huệ báo cho ông Điểu Điều biết việc San tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin. Khoảng 1 tháng sau thì ông Điều trả lời cho bà Huệ phía Công an H.Bù Gia Mập không tuyển ngành công nghệ thông tin. Bà Huệ cũng cho San biết tin này và San hỏi bà Huệ có đợt tuyển nào không. Đến tháng 6.2012, do không xin được việc nên bà Huệ đã trả lại tiền cho bà Thương. 
Bỏ lọt tội phạm?
Tại bản kết luận điều tra, Công an TX.Đồng Xoài (Bình Phước) vào ngày 5.9.2013 cho rằng hành vi của bà Thương và bà Huệ nhận tiền chạy việc cho San, nhưng thỏa thuận không xin được việc thì trả lại tiền. Khi không xin được việc, bà Thương và bà Huệ đã trả lại đủ tiền nên không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với ông Điều, CQĐT xác định không tác động gây ảnh hưởng đến người khác để lo việc cho San nên không đặt vấn đề xử lý ông Điều.
 
Chờ bản án của tòa
Chiều 31.3, lãnh đạo Đài phát thanh - truyền hình Bình Phước cho biết đã thi hành quyết định kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Thương và bà Hà Thị Huệ. Theo đó, bà Thương đã phải nhận hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Còn bà Huệ đã phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác từ Phó phòng Tiếng dân tộc sang Phó phòng Chương trình. Riêng ông Điểu Điều, nguồn tin từ Huyện ủy H. Bù Gia Mập, thì  không xử lý ông Điều xung quanh vụ vợ ông này cầm tiền “chạy việc”. (Đỗ Trường)
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty luật Đức Chánh) phân tích: “Theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Thị Thương và bà Hà Thị Huệ, vợ ông Điểu Điều có nhận tiền lo xin việc (vào làm Công an H.Bù Gia Mập - nơi chồng bà Huệ đang làm phó chủ tịch), thì hành vi này của bà Thương, bà Huệ có dấu hiệu cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS. Vì “chạy” việc không phải là dịch vụ theo quy định pháp luật dân sự mà là hành vi bị pháp luật cấm. Để được tuyển dụng vào vị trí nào đó đòi hỏi người được tuyển dụng phải qua một quy trình thi tuyển cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành từ khi bà Thương, bà Huệ nhận tiền “chạy” việc. Việc trả lại tiền chỉ có thể xem là tình tiết giảm nhẹ khắc phục hậu quả mà thôi”.
Về phần ông Điểu Điều, theo CQĐT, ông Điều có tìm hiểu thông tin về việc Công an H.Bù Gia Mập có nhu cầu tuyển dụng hay không để nói lại cho bà Huệ  biết. “Như vậy, ông Điều có dấu hiệu “giúp sức” cho vợ mình “chạy” việc. Bà Huệ bị truy tố tội gì thì ông Điều là đồng phạm của tội đó”, luật sư Chánh cho biết. “Đồng thời, đây là hành vi khó có thể chấp nhận được đối với người đang đương chức phó chủ tịch huyện. Vì vậy, nếu không xử lý ông Điều đồng phạm với bà Huệ thì cũng cần xử lý về mặt Đảng, chính quyền. Nếu chúng ta không xử lý nghiêm hành vi lợi dụng người thân, người “quen biết” có chức có quyền để nhận tiền “chạy” việc thì đã đi ngược lại chủ trương, chính sách của nhà nước. Bộ máy nhà nước sẽ có nhiều cán bộ, công chức từ “chạy chọt” mà ra”, luật sư Chánh nói.
Dưới một góc độ khác, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Hành vi nhận tiền hứa hẹn “chạy” việc của vợ khi chồng đang đương chức của một huyện rõ ràng cả bà Huệ, ông Điều đã vi phạm pháp luật. Theo quy định bộ luật Hình sự, cả hai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh: tội nhận hối lộ (điều 279), tội đưa hối lộ - điều 289, tội làm môi giới hối lộ - điều 290, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi - điều 293, dù kết quả có được hay không. Cơ quan điều tra kết luận không xử lý là bao che người có chức vụ quyền hạn và bỏ lọt tội phạm”, luật sư Hà Hải nhận định. “Ngoài ra, tùy theo quy định của cơ quan, ngành nghề, nếu hành vi trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần xem xét để xử lý kỷ luật. Trong trường hợp này thì những người có liên quan rõ ràng đã vi phạm quy định ngành nên chí ít cũng phải bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật chứ không thể cứ ung dung tại vị”, LS Hải nhận định.
Hoàng Tuấn - Lê Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn