Ca sĩ, nhà sản xuất bị thiệt hại trong việc thu hồi giấy phép biểu diễn bài hát có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cục Nghệ thuật biểu diễn có trách nhiệm bồi thường.
Báo Pháp Luật TP.HCM hôm qua (29-6) đã phản ánh việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã cấp phép cho ca sĩ Vi Thảo sử dụng ca khúc Tàu đêm năm cũ nhưng sau đó lại thu hồi quyết định cấp phép khiến cho nhà sản xuất, ca sĩ này phải thu hồi toàn bộ album đã phát hành. Sự bất nhất của Cục Nghệ thuật biểu diễn đã khiến cho nhà sản xuất cũng như ca sĩ phải chịu nhiều thiệt hại về chi phí sản xuất, phát hành, mất cơ hội kinh doanh… Vấn đề đặt ra là theo pháp luật hiện nay, những người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không. Nếu có, ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng người bị thiệt hại (nhà sản xuất hoặc ca sĩ Vi Thảo) có thể khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phải có trách nhiệm bồi thường.
Kiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét cả hai quyết định cấp phép biểu diễn ca khúc Tàu đêm năm cũ lẫn quyết định thu hồi quyết định cấp phép đều được ban hành đúng quy định về hình thức, thẩm quyền. Quyết định đầu tiên đã có hiệu lực và đã được nhà sản xuất và ca sĩ thực hiện, quyết định sau lại thu hồi, phủ nhận quyết định trước khiến cho nhà sản xuất và ca sĩ bị thiệt hại. Trong trường hợp này, nhà sản xuất và ca sĩ không có lỗi vì họ đã tuân thủ theo đúng các thủ tục luật định nên Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho họ.
Ca sĩ Vi Thảo trong album Tàu đêm năm cũ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Luật sư Chánh phân tích, nhà sản xuất và ca sĩ có quyền kiện trong trường hợp này nhưng phải xác định xem nên kiện quyết định nào. Bởi nếu cho rằng quyết định cấp phép sai thì người bị thiệt hại sẽ khởi kiện vụ án dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vụ kiện được giải quyết theo các quy định của pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự. Nếu cho rằng quyết định thu hồi quyết định cấp phép sai thì nhà sản xuất và ca sĩ khởi kiện vụ kiện hành chính yêu cầu tòa tuyên bố hủy quyết định đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế đã xảy ra. Như vậy, yêu cầu đầu tiên là nhà sản xuất và ca sĩ phải xác định lại nên kiện quyết định nào cho phù hợp.
Cũng đồng quan điểm có thể khởi kiện nhưng luật sư Trần Minh San, Đoàn Luật sư TP.HCM, lại cho rằng nếu kiện quyết định cấp phép lúc đầu thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Nếu việc ra quyết định cấp phép là hành vi trái pháp luật thì Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), trong phạm vi hoạt động quản lý hành chính phải có nghĩa vụ bồi thường cho hành vi trái pháp luật do cán bộ (người thi hành công vụ) của mình gây ra.
Ai phải bồi thường?
Luật sư Cao Quang Thuần, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng cả hai quyết định đều do một cơ quan ban hành, một trong hai quyết định trái ngược nhau đó phải có một quyết định sai và thực tế thiệt hại đã phát sinh. Nếu đã ra quyết định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: “Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép”.
Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người ra quyết định trái pháp luật là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 115 ngày
Luật sư Trần Minh San phân tích, thời hạn tối đa để cơ quan nhà nước giải quyết một vụ yêu cầu đòi bồi thường là 115 ngày. Trong đó, thời hạn tối đa để thụ lý đơn yêu cầu bồi thường là năm ngày, xác minh thiệt hại là 40 ngày, thương lượng bồi thường là 45 ngày, ra quyết định giải quyết bồi thường là 10 ngày và thời gian để quyết định có hiệu lực thi hành là 15 ngày. Cơ quan nhà nước có thể ra quyết định chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định của cơ quan nhà nước thì trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường) có quyền khởi kiện ra TAND cấp huyện nơi người bị thiệt hại cư trú, làm việc hoặc nơi cơ quan nhà nước có trụ sở hoặc nơi thiệt hại xảy ra (theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại). Việc giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trước cho nguyên bài, sau cho cắt khúc
Đã có ít nhất một trường hợp khác, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho một nhà sản xuất sử dụng một ca khúc, trường ca sáng tác trước 1975. Nhưng sau khi cấp phép, Cục lại có văn bản thu hồi quyết định đã cấp. Sau đó Cục lại cho phép sử dụng một vài đoạn trong trường ca. Thế nhưng với một trường ca thì việc cho biểu diễn vài đoạn thì chẳng khác nào không cho diễn.
QT
Ca sĩ Vi Thảo: Hiện tại tôi có cảm giác mất trắng…
Dẫu biết về pháp lý tôi có thể kiện đơn vị cấp phép biểu diễn ca khúcTàu đêm năm cũ, nhưng tôi nghĩ sau khi thu hồi album, sự việc chỉ nên dừng như vậy. Tôi nghĩ đơn vị cấp phép phải rút quyết định đã cấp không phải không có lý do. Thiệt hại về kinh tế đã xảy ra với tôi nhưng hôm qua đến giờ tôi buồn hơn vì những trang mạng nghe nhạc trực tuyến đã gỡ bỏ toàn bộ album. Thực tế, album chỉ bị thu hồi ca khúc Tàu đêm năm cũ, còn tám ca khúc khác vẫn được phát hành. Tôi mong các trang mạng chỉ nên rút ca khúc Tàu đêm năm cũ chứ không nên gỡ toàn bộ album để những khán giả muốn biết album vẫn có thể nghe được. Hiện tại tôi có cảm giác tôi mất trắng tất cả…
|
HỒNG TÚ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét