25 tháng 7, 2014

Sưu tầm bài viết: Phụ nữ & gia đình

Hỏi: Tôi lấy chồng năm 20 tuổi và sống cùng gia đình chồng đã được 13 năm. Khi lấy nhau, vợ chồng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, bố mẹ chồng  cũng chỉ có căn nhà tạm cấp 4, bốn người chui ra chui vào vừa đủ. Khó khăn chồng chất nhưng vợ chồng tôi vẫn chăm chỉ làm ăn và đến nay gây dựng được nhà cửa khang trang và một quầy bán tạp hóa nhỏ. Mấy năm gần đây, vợ chồng tôi chung sống không còn hạnh phúc, nhiều  mâu thuẫn không thể giải quyết và quyết định sẽ chia tay nhau. Nhưng khi đề cập đến vấn đề chia tài sản thì cả chồng tôi và bố mẹ chồng đều nhất quyết không cho tôi thứ gì. Tôi thật đau đớn, nói hết nước hết cái rồi mà không biết làm sao cho được nữa. Theo quý báo tư vấn, bây giờ tôi phải làm sao? Tôi không thể ra đi với hai bàn tay trắng được. (Quê Tiên - Lâm Đồng)

Trả lời: Căn cứ theo luật, trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp vợ chồng sống chung với gia  đình mà tài sản  của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia”.
Như vậy, nếu có thể xác định được phần tài sản chung của vợ chồng bạn trong khối tài sản chung của gia đình thì sau khi trích khối tài sản đó  ra, về nguyên tắc bạn có thể được chia đôi số tài sản trong số tài sản chung của vợ chồng.
Hỏi: Tôi và chồng cũ đã chia tay được ba năm, khi đó tôi được quyền nuôi dưỡng cháu mới 3 tuổi và ba cháu cấp dưỡng hàng tháng là 1 triệu  đồng. Cách đây một năm, anh ta mới lấy vợ hai nhưng hai người đó khó có con nên họ muốn đưa con tôi về nuôi. Điều kiện kinh tế của tôi bây giờ khá khó khăn nhưng tôi không để cho cháu thiếu thốn gì, còn anh ta thì khá giả hơn. Tôi không muốn trao con cho hai người đó nuôi chút nào. Họ thương lượng với tôi không thành nên dọa tôi là sẽ kiện ra Tòa để đòi quyền nuôi con. Xin quý báo nói xem tôi phải làm gì để có thể được tiếp tục nuôi con? Không có cháu tôi không sống nổi mất. (Khánh Minh - Đà Lạt)
Trả lời: Chồng cũ của bạn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn  được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên. Vì vậy, không phải kinh tế khá hơn mà Tòa sẽ ra quyết định cho chồng cũ của bạn nuôi con mà còn dựa trên nhiều yếu tố khác. Hiện nay con bạn được 6 tuổi thì pháp luật chưa thể căn cứ vào nguyện vọng của cháu. Nên tốt nhất bạn nên làm các thủ tục chứng minh khả năng tài chính của mình là đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho bé. Bên cạnh đó, bạn có thể đưa ra các căn cứ có cơ sở  cho rằng nếu cháu bé được chồng cũ và vợ hai của anh ta nuôi dưỡng sẽ có ảnh hưởng thiếu tích cực đến cháu như thế nào, ví dụ như sau ý định nuôi cháu chỉ xuất phát từ khi hai người đó khó có con, tình cảm cha ruột mẹ kế đối với cháu…

Hỏi: Em năm nay 20 tuổi. Em quen bạn trai được một hơn một năm và chúng em đã có vài lần đi quá giới hạn. Giờ em nhận ra hai bọn em  không hợp nhau và không muốn tiến tới hôn nhân với anh ấy nhưng anh ấy không đồng ý chia tay. Cách đây vài hôm anh ấy hẹn gặp em bảo là  đồng ý chia tay và muốn quan hệ với em lần cuối. Em đồng ý gặp mặt nhưng không muốn dây dưa gì, chỉ đơn thuần là nói chuyện. Nhưng anh ấy lại ép em quan hệ và đe dọa nếu không cho thì anh ấy sẽ kể hết chuyện bọn em cho gia đình em biết. Em nghĩ đã có một lần thì cũng có thể  có lần sau anh ấy dùng chuyện đó để ép buộc em phải quan hệ. Em muốn nhờ quý báo tư vấn em nên làm gì để chấm dứt hoàn toàn với anh ấy? (Tố Hà - TP. Vinh)
Trả lời: Chào bạn, việc bạn trai bạn có hành vi cưỡng ép, đe dọa nhằm giao cấu trái ý muốn của bạn thì theo quy định pháp luật, bạn trai bạn có  thể bị truy cứu  trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm. Bạn có thể căn cứ vào quy định của pháp luật, cảnh báo cho bạn trai bạn biết để chấm dứt hoàn toàn hành vi cưỡng ép bạn quan hệ. Nếu không bạn sẽ tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự, khi đó sẽ không đơn thuần là chuyện riêng của hai bạn nữa.
Hỏi: Hôm thứ Hai tuần rồi trong lúc lái xe ra khỏi bãi giữ xe, tôi có xảy ra va chạm với một người phụ nữ đi ngược chiều khiến áo của chị ta bị  rách một đường, còn quần tôi bị lủng một vết lớn. Nguyên nhân là do chị ta khi đi vào bãi giữ xe rồ ga mạnh, mất kiểm soát và va quẹt vào xe  tôi. Thế nhưng chị ta cứ một hai bắt tôi đền cái áo bị rách, nói đó là hàng hiệu và bảo tôi bồi thường cho chị ta 3 triệu đồng.Tôi đang vội đi nên không tiện tranh cãi với chị ta và đưa tạm 500 ngàn đồng và số điện thoại liên lạc sau. Đến nay chị ta cứ liên tục điện thoại đòi nốt 2 triệu rưỡi đồng kia trong khi tôi đã nói chị ta có lỗi trước, dù sao cũng do quẹt vào xe tôi mà áo chị ta mới bị rách nên tôi đưa 500 ngàn đồng đó xem như phụ cho rồi. Theo quý báo, tôi có phải bồi thường toàn bộ giá trị cái áo đó không? (Minh Toàn - TP.HCM)
Trả lời: Theo như thông tin bạn cung cấp, việc để xảy ra tai nạn bạn không có lỗi, lỗi hoàn toàn do người kia gây ra nên dù có thiệt hại thực tế  xảy ra thì bạn cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này.
Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh); Chuyên viên pháp lý Trần Mai Hạnh (http://www.luatducchanh.vn/).
Nguồn: http://phunungaynay.vn/cong-so/phap-luat/2530/phu-nu--gia-dinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét