Các chuyên gia của Vinaphone, Bkav, Athena đã tập trung giải đáp trực tuyến nhiều câu hỏi của bạn đọc.
Khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến “Điện thoại thông minh và nỗi lo bị nghe lén” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 8-7 đã chỉ ra rằng “Khi điện thoại bị tấn công sẽ có các biểu hiện: Hết pin nhanh hơn thường lệ, tự động kết nối Internet, âm thanh lạ khi đàm thoại và cước di động bị trừ bất thường…”.
VinaPhone: sẽ có ứng dụng bảo mật riêng cho thuê bao
Lý giải về cách các công ty nghe lén thông qua thiết bị điện thoại, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng Athena, cho rằng: “Để thực hiện nghe lén thì phải có hành vi cài phần mềm nghe lén vào thiết bị. Khi đó phần mềm sẽ thực hiện các chức năng ghi âm, chụp ảnh, đọc tin nhắn… Nội dung này sẽ được chuyển về máy chủ lưu trữ (server) thông qua mạng Internet (Wi-Fi hoặc 3G). Người thực hiện nghe lén sẽ kết nối vào máy chủ để nghe nội dung cuộc gọi, xem ảnh được chụp từ camera... Đây là cách đọc nội dung khi bị nghe lén.
Buổi giao lưu trực tuyến nóng lên khi các khách mời tranh luận sôi nổi lúc một bạn đọc đặt câu hỏi với nhà mạng: nếu smartphone bị nghe lén, nhà cung cấp mạng có phát hiện được không?
Buổi giao lưu trực tuyến “Điện thoại thông minh và nỗi lo bị nghe lén” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 8-7. Ảnh: HUYỀN VI
Ông Đoàn Xuân Hợp, Phó phòng Kinh doanh của VinaPhone, giải thích: “Hiện nay có xuất hiện hiện tượng các thuê bao bị cài mã độc dẫn đến nguy cơ bị nghe lén, đánh cắp thông tin cá nhân, tự động gửi tin nhắn. Do việc cài đặt trên thiết bị của khách hàng, VinaPhone không có quyền chủ động can thiệp để vào thiết bị của khách hàng. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao nhận thức của các khách hàng về vấn đề này, VinaPhone đã triển khai các biện pháp: Gửi nhiều đợt tin nhắn, cập nhật thông tin lên website khuyến cáo khách hàng thận trọng khi cài đặt các ứng dụng, khi cài đặt cần đọc kỹ các điều khoản, tránh cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc can thiệp quá sâu vào thiết bị. Trong thời gian tới, VinaPhone sẽ hợp tác với một số hãng bảo mật nhằm cung cấp các ứng dụng bảo mật dành riêng cho các thuê bao VinaPhone.
Xài điện thoại “cùi” vẫn có thể bị theo dõi
Bạn đọc Đình Nghiêm, tỉnh Tây Ninh cũng hỏi: “Hiện nay để tiện lợi, ai cũng muốn đưa nhiều thông tin vào điện thoại càng nhiều càng tốt, thậm chí là mật khẩu ngân hàng, mật khẩu email. Vậy xu hướng này có phải là có hại không? Nếu vẫn chấp nhận cách lưu thông tin như trên nhưng muốn giữ điện thoại an toàn thì có giải pháp nào khác ngoài cài phần mềm diệt virus không?”. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng thuộc Công ty Bkav, chia sẻ: “Đây không phải là một xu hướng có hại, bởi việc tích hợp các thông tin, ứng dụng, tiện ích lên thiết bị cầm tay là xu hướng tất yếu của người dùng. Tuy nhiên, tiện lợi thì luôn đi kèm với rủi ro. Nếu không sử dụng công cụ kỹ thuật để bảo vệ thông tin, dữ liệu thì người dùng chỉ có thể tự mình nâng cao cảnh giác trong cài đặt và sử dụng phần mềm trên điện thoại. Ngoài ra cần giữ điện thoại là vật bất ly thân, không cho người khác mượn sử dụng hay kết nối điện thoại với máy tính một cách tùy tiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến nghị người dùng nên sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ điện thoại một cách triệt để, toàn diện.
Trước những vấn đề mất an toàn thông tin trên điện thoại thông minh, bạn đọc Phạm Đình cũng “dí dỏm” khi đặt vấn đề quay lại sử dụng điện thoại màn hình trắng đen. Ông Ngô Tuấn Anh lý giải: “Việc sử dụng điện thoại nào là tùy vào nhu cầu của người dùng, loại điện thoại nào cũng có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Đối với dòng điện thoại đen trắng truyền thống, do hạn chế về tính năng và kết nối nên nguy cơ bị tấn công là thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ nguy cơ loại điện thoại này bị cài chip nghe lén hoặc tấn công qua sóng điện thoại.
NAM TRÂN
Các hình thức lừa đảo nổi cộm
- Nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho khách hàng thông báo khách hàng trúng giải thưởng và đề nghị khách hàng gọi điện thoại/nhắn tin một số thuê bao nào đó để xác minh/nhận thưởng.
- Nhắn tin, gọi điện giả mạo thông báo nợ cước và yêu cầu khách hàng thanh toán, cung cấp thông tin để thanh toán cước.
- Khuyến khích, dụ dỗ khách hàng tải các ứng dụng có chứa mã độc, qua đó tiến hành nghe lén, đánh cắp thông tin cá nhân, tự động gửi tin nhắn…
Nghe lén người khác, coi chừng mang họa
Theo quy định Điều 38 BLDS 2005 về quyền bí mật đời tư, hoạt động bí mật thu thập thông tin cá nhân và hành vi mua thông tin hoặc giám sát các máy điện thoại và đời tư của người khác của một số cá nhân, tổ chức là trái với quy định của pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bí mật đời tư của cá nhân.
Vì vậy, người bị nghe lén, bị xâm phạm bí mật đời tư có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông Internet vi phạm Điều 226 BLHS” và “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” theo Điều 125 BLHS do cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết với tư cách là người bị hại trong vụ án.
Hoặc nếu các cơ quan tiến hành tố tụng tách riêng giải quyết vụ án dân sự sau thì những người bị nghe lén, bị xâm phạm bí mật đời tư có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại là theo Điều 604, 611 BLDS và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
Nguồn: plo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét