28 tháng 2, 2014

Sưu tầm bài viết về mình: Giật mình với tác hại từ Facebook

Thông tin Công an Quảng Bình vừa tìm ra đối tượng tung tin bịa đặt“một thanh niên đi xe Camry giết người, vứt xe bỏ chạy” đang khiến dư luận xôn xao.
Ngày 21-2, Ngô Đình Sơn, 21 tuổi, trú tại phường Hải Đình, TP Đồng Hới, Quảng Bình đã tung tin đồn về việc một thanh niên rút súng ngắn bắn chết hai người đi trên xe tải rồi vứt xe Camry ngay trên đường bỏ chạy. Sau đó nhiều trang Facebook khác đã lan truyền rộng rãi tin đồn này trên mạng Internet khiến người dân địa phương hoang mang lo lắng. Trước sự việc này, công an tỉnh Quảng Bình đang xem xét để xử lý nghiêm.
Hệ lụy từ sự lan truyền chóng mặt
Không thể phủ nhận sức mạnh của Facebook ngày càng lớn. Tại Việt Nam, sức lan tỏa của mạng xã hội Facebook đứng ở vị trí số một.
Theo kết quả nghiên cứu của Socialbakers & SocialTimes.Me được công bố tại Hội thảo toàn cảnh Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam - VIO 2013 thì đến hết tháng 8-2013, Việt Nam có 19,6 triệu người dùng Facebook, chiếm 21,42% dân số và chiếm tới 71,4% người sử dụng Internet.


Lượng người dùng Facebook ngày càng tăng cao, nhất là giới trẻ. Ảnh: HTD
Ra đường, ở quán ăn, quán nước, người ta dễ dàng nghe được mọi thành phần đang bàn luận nhau về một thông tin vừa được chia sẻ (share) qua Facebook và được lan nhanh chóng mặt.
Sự lan truyền hiển nhiên phải có hệ lụy. Từ giữa năm 2013 đến nay, ngày càng nhiều tin đồn thất thiệt từ những người dùng Facebook tung ra. Có thể kể những thông tin nổi bật: Làn sóng sản phẩm độc hại từ Trung Quốc như Trung Quốc thu mua đỉa của Việt Nam với mục đích sản sinh ra trứng cấy vào thức ăn; bụng một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang toàn đỉa; một gia đình ở Đông Anh (Hà Nội) phát hiện trong hộp sữa mở nắp đã lâu của gia đình có những sinh vật lúc nhúc màu trắng mà họ nghi là đỉa; người dân một xã ở Thừa Thiên-Huế khi ngâm miếng bim bim vào chậu nước, hôm sau phát hiện những sinh vật lạ giống đỉa… Ngay sau đó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải lên tiếng bằng văn bản bác những tin đồn trên.
Hay làn sóng thông tin trộm, cướp, bệnh: Máy ATM có thể bắt trộm; kim tiêm có dính máu nhiễm HIV trên ghế các rạp chiếu phim, xe buýt; mặc quần ngắn ra đường, nữ sinh Hà Nội bị rạch đùi…
Thông tin đưa ra: Phải có trách nhiệm
Người chơi Facebook tỉnh táo sẽ khó tin vào những thông tin giật gân, những lời cảnh báo kiểu như trên. Nhưng ngược lại, cũng chính từ sự giật gân, tò mò mà những thông tin giật gân được chia sẻ vô tội vạ.
Mỗi ngày vô vàn thông tin được người dùng chia sẻ, đặc biệt là các page (trang). Không ít thông tin giật gân được đưa ra từ chủ các page nhằm tăng lượt tương tác (thích, phản hồi, chia sẻ…) qua page của họ nhằm hướng đến lợi ích khác. Thế nhưng người sử dụng mạng xã hội nên có trách nhiệm và cẩn trọng với chính thông tin mình đưa ra. Nếu người sử dụng đưa ra một thông tin sai, chưa cần phải cơ quan chức năng xử lý mà chính họ đã bị cộng đồng quen thuộc của mình “ném đá” và coi như hết đất sống trên đó. Bởi đơn giản Facebook ảo nhưng cũng một phần là thật, người sử dụng luôn cần những cảm xúc thật, thông tin thật trên đó. Facebook cũng như đời thực, sống lừa nhau đâu thể bền lâu!
QUỲNH TRANG

Luật sư Nguyễn Đức ChánhĐoàn Luật sư TP.HCM:
Người tung tin trên Facebook có thể bị phạt hành chính
Hành vi đưa lên mạng Internet những thông tin xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội của Ngô Đình Sơn (Quảng Bình) có dấu hiệu vi phạm Điều 226 BLHS về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”.
Tuy nhiên, để khởi tố Sơn về tội danh này thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được Sơn đã “gây hậu quả nghiêm trọng” theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTT-VKSNDTC-TANDTC. Do hành vi câu view cho Facebook của mình bằng cách tung tin bịa đặt như trên không gây ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định nên không có cơ sở để xử lý hình sự Sơn.
Ngoài ra, cũng không thể xử lý Sơn về tội vu khống theo Điều 122 BLHS hay tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS vì trường hợp của Sơn không nhắm đến bất cứ ai, không có mục đích vu khống, làm nhục ai mà chỉ bịa đặt để mình được “nổi tiếng”.
Vì vậy hành vi của Sơn chỉ có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm d khoản 2 Điều 64 Nghị định 174/2013. Đó là: “Miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh”.
H.TÚ ghi
Ngày 27-2, Thiếu tá Vũ Văn Nhiệm, Trưởng Công an phường Tân Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết đã xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc nhóm nữ sinh đánh hội đồng một cô gái trẻ ở ngay phía sau sân vận động Đồng Nai (thuộc khu phố 4, phường Tân Hiệp) vào chiều 22-2.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do giữa O. và chị T. xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau trên  Facebook. Sau đó hai người này hẹn gặp nhau ở khu vực sau sân vận động Đồng Nai để nói chuyện. O. đã rủ nhóm bạn của mình cùng xông vào đánh chị T. khiến nhiều người bức xúc. Vụ việc xảy ra ngay giữa chỗ đông người qua lại nên có người đã dùng điện thoại quay video clip toàn bộ cảnh nhóm nữ sinh O. cùng bạn xông vào đánh hội đồng chị T. rồi đưa lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
V.Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét