14 tháng 9, 2013

Sửa luật "chết" Luật phá sản bằng dự thảo quy định nực cười

Có thể nói rằng Luật Phá sản năm 2004 là một sản phẩm luật “tồi”, bởi vì sau 9 năm kể từ ngày có hiệu lực ban hành thì nó không áp dụng được cho các Doanh nghiệp có nhu cầu được phá sản. Nói như cách nói của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nhiều Doanh nghiệp “chết nhưng không thể chôn được”.

Luật phá sản năm 2004 thật sư đã "phá sản" ngay khi nó được ban hành. Vì một văn bản pháp luật chỉ có 95 điều luật, nhưng có đến 57 điều được các tòa án, cơ quan, tổ chức liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Luật phá sản năm 2004 không chỉ là sự lãng phí về tiền bạc mà còn gây khó khăn cho việc giải quyết tình trạng các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không biết phải như thế nào. Con số thống kê cho thấy mỗi năm có hàng chục ngàn Doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể, chỉ riêng năm 2012 có 54.261 Doanh nghiệp, nhưng tổng cộng 9 năm, Tòa án chỉ mở thủ tục phá sản cho 236 trường hợp, tuyên bố phá sản được 83 trường hợp.

Ảnh minh hoại - Nguồn: internet

Tất cả chúng ta đều thấy những bất cập này khi đem luật phá sản ra bàn thảo và quyết tâm sửa đổi nó để nó có thể đi vào đời sống xã hội, để có thể mở đường cho sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp.

Và thật sư bất ngờ khi một đề xuất trong dự thảo do Tòa án nhân dân Tối cao đưa ra quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. 

Dự thảo về hạn mức phá sản này làm cho ngay cả nguyên Chánh án Tòa án Tối cao - hiện đang là Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc Hội: Ông Nguyễn Văn Hiện phải dùng đến từ "thật nực cười" để nói về dự thảo này. Vì như ông Hiện nói thì không thể có chuyện các tập đoàn, tổng công ty quy mô hàng nghìn tỉ đồng mà nợ quá hạn có 200 triệu đồng cũng bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì trong thực tế, hiện nay có những Doanh nghiệp hoạt động vốn chủ sở hữu 15 - 20% trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, còn lại phần lớn đi vay nợ lẫn nhau, vay nợ ngân hàng. Nếu cứ chiếu theo tiêu chí này chắc chắn sẽ có tới 99% DN của VN nằm trong diện phá sản.

Đến đây thì chúng ta mới hiểu được tại sao một văn bản pháp luật ban hành nhưng lại không đi vào thực tiễn cuộc sống vì ngay từ đầu, với kỹ thuật lập pháp như vầy thì làm sao có sản phẩm luật "tốt". Làm luật theo tư duy kiểu "trên trời" thì chỉ tốn thêm tiền của, thời gian và gây khó khăn cho các quan hệ xã hội mà thôi.

Đừng để Luật phá sản "phá sản" thêm một lần nữa!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét